Khách sạn New World, một trong 12 khách sạn 5 sao ở TPHCM (Ảnh: Đình Dũng) |
So với các nước trong khu vực, thị trường khách sạn ở Việt Nam vẫn sôi động hơn dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam cần đa dạng loại hình và thương hiệu khách sạn, cụ thể là khách sạn giá trung bình, rẻ để tăng tính cạnh tranh trong thời gian tới.
Đó là nhận định của ông Robert McIntosh, giám đốc điều hành CBRE Hotels khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường CBRE về lĩnh vực này.
Theo CBRE, năng suất khách sạn 4-5 sao trong khu vực giảm rất nhanh. Chẳng hạn như các khách sạn ở Việt Nam hồi quí 2 năm ngoái còn hoạt động với công suất trên 70% thì năm nay chỉ khoảng 55%. Trong khi đó giá phòng trung bình của nhóm khách sạn cao cấp ở Việt Nam, mặc dù có giảm, chỉ đứng sau Singapore với giá xấp xỉ 150 đôla Mỹ/đêm, cao hơn Thái Lan với khoảng 100 đô la/đêm.
Tuy nhiên, theo thống kê của công ty thống kê về các chỉ số khách sạn toàn cầu STR Global, hiện nay Việt Nam đang đứng thứ hai về doanh số bán trên tỷ lệ phòng có sẵn, và mặc dù những khó khăn hiện tại, thị trường khách sạn ở Việt Nam vẫn sôi động hơn so với các nước khác trong khu vực.
Ông McIntosh cho rằng Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để các nhà đầu tư có thể phát triển thị trường khách sạn khi thị trường du lịch sôi động trở lại. Nhưng hiện tại, Việt Nam vẫn còn thiếu sự đa dạng về các thương hiệu khách sạn, vốn thường thấy ở các nước khác như Singapore hoặc Thái Lan.
Ông này cho rằng phân khúc thị trường khách sạn trung bình, có giá vừa phải còn đầy tiềm năng vì đó là phân khúc thị trường rất rộng. Việc phát triển phân khúc này không chỉ để phục vụ để cho khách du lịch, doanh nhân quốc tế mà còn cho khách du lịch trong nước.
(Theo Đình Dũng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com