Du khách nước ngoài khám phá vùng sông nước ĐBSCL. Ảnh: Thanh Tao. |
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, mấy năm gần đây, năm nào du lịch Việt Nam cũng tăng trưởng hai con số. Đó là điều đáng mừng nhưng chúng ta vẫn có thể tăng trưởng cao hơn nếu như không có những cản trở nội tại.
Năm 2011, ngành du lịch Malaysia dự kiến tăng 12% - tức thêm 3 triệu khách, gần bằng 60% tổng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam. Còn Singapore có thể tăng mạnh nhất với mức 40%, bằng hơn 80% tổng lượng khách của Việt Nam. Trong khi Việt Nam có tới 10 di sản thế giới thì Malaysia có ba và Singapore không có di sản nào. Để có sự tăng trưởng ngoạn mục, trở thành đối thủ lăm le soán ngôi thứ hai của Thái Lan, Singapore đã tập trung đầu tư vào các hạng mục giải trí “nóng” nhất hiện nay như sòng bài và Universal Studios, chưa kể phức hợp New Sky Park hoành tráng và độc đáo.
Nhìn lại du lịch Việt Nam, tăng trưởng nhưng thiếu ổn định. Du lịch nội địa năm ngoái tăng hơn 20% nhưng năm nay có thể sẽ chựng lại. Khách quốc tế (inbound) tăng nhưng chủ yếu là từ thị trường Trung Quốc và Campuchia. Du khách Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu bằng đường bộ, đi ngắn ngày và chi tiêu có khi còn thua cả khách nội địa. Khách Campuchia cũng vậy. Khách trong nước đi ra nước ngoài (outbound) thì tăng tốt hơn, chủ yếu đi Singapore, Thái Lan và Malaysia, đặc biệt là các thị trường xa như Mỹ, châu Âu…
Công bằng mà nói, ngành du lịch Việt Nam đã có nhiều cố gắng nhưng “lực bất tòng tâm”. Nguyên nhân chính là do cơ chế chồng chéo và tình trạng mạnh ai nấy làm. Các biện pháp thực hiện đều mang tính chủ quan, chỉ giải quyết chút ít phần ngọn. Nhiều người cho rằng nguyên nhân do quảng bá yếu và dịch vụ kém. Dịch vụ kém thì khỏi phải bàn, đã thế còn cục bộ, thiếu sự hợp tác. Còn quảng bá xúc tiến thì cần xem lại. Tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay, ưu tiên hàng đầu chưa phải là quảng cáo mà là chấn chỉnh, “dọn dẹp nhà cửa”. Khách tới nhà thì phải chuẩn bị chu đáo, đó là truyền thống của người Việt Nam. Thử hỏi bao nhiêu khách đến Việt Nam rồi về rủ người khác cùng quay trở lại. Nhìn qua Singapore, khách đến New Sky Park về là tải hình lên mạng, viết lên blog… rủ rê mọi người đưa cả nhà tới. Hay Thái Lan cũng vậy, cứ vài tháng là có chương trình mới, vài năm là có công trình tầm cỡ.
Chẳng nước nào như nước Việt Nam, đủ loại hình công ty du lịch. Thiên hạ quản lý ngành dọc, ta quản lý hình ngôi sao. Cũng chẳng nước nào mà đi du lịch nước ngoài (một số tour) lại rẻ hơn du lịch trong nước như Việt Nam. Khách nước ngoài đến Việt Nam cũng phải mua tour đắt hơn mà dịch vụ lại kém hơn. Chẳng nước nào nhiều lễ hội và sự kiện rình rang, tốn kém như Việt Nam! Lễ hội nào cũng hoành tráng về mặt tiền bạc, nhưng nghèo nàn về nội dung với công thức chung là sân khấu hóa + báo cáo + một chút ẩm thực + một chút thời trang… Nghe khách về phàn nàn, tôi thử tham dự vài lễ hội quốc gia và thề không bao giờ đưa khách tới những lễ hội kiểu đó. Thử hỏi những lễ hội như vậy đã kéo được bao nhiêu khách du lịch đến Việt Nam? Thay vì chia đều miếng bánh lễ hội thì tập trung kinh phí cải tạo hạ tầng hoặc nâng cấp dịch vụ, hiệu quả thiết thực hơn nhiều.
Cơ quan quản lý nhà nước đã quản lý kém còn ôm đồm đủ thứ. Cuộc sống có quy luật, chỉ có thể vận dụng chứ không thể tự ý thay đổi. Hơn 10 năm làm du lịch, năm nào họp tổng kết ngành cũng chừng đó chuyện. Ăn xin và móc túi, bán hàng rong và giựt đồ, kẹt xe và hạn chế tốc độ, thủ tục “hành là chính”, không có chỗ giải trí, không có hàng lưu niệm đặc trưng… Vấn nạn không hề bớt mà cứ gia tăng mỗi năm. Gần đây còn thêm cảnh ngập lụt, lô cốt, rồi rải đinh…
Khó khăn tứ bề mà du lịch vẫn tăng trưởng là điều đáng khâm phục. Sao chúng ta không tập trung giải quyết dứt điểm từng vấn nạn theo lộ trình cụ thể. Một năm không được thì hai năm. Ai đời, năm 2010 khách Campuchia vào Việt Nam gần nửa triệu, tăng mạnh nhất nhưng chưa có hướng dẫn viên tiếng Khmer nào được cấp thẻ! Khi khách Việt mới lai rai đến Thái Lan, nhận thấy đây là thị trường tiềm năng, Tổng cục Du lịch Thái Lan đã lập tức mở lớp đào tạo hướng dẫn viên, khuyến khích người Thái học tiếng Việt.
Tại hội thảo du lịch “Quảng Ngãi - những điểm đến kỳ thú” do Hội Nhà báo Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam và Công ty Dã ngoại Lửa Việt tổ chức mới đây, khi chủ nhà “khoe” tiềm năng, anh Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, đã phát biểu: “Nên chấm dứt tự hào về tiềm năng theo kiểu AQ. Cái chính là biến tiềm năng thành của cải. Không thể cứ mãi ăn vào quà tặng của thiên nhiên và lịch sử. Muốn lấy tiền của thiên hạ thì mình phải dốc hầu bao đầu tư và mở lòng đón họ…”.
Nghe vậy, có đại biểu buột miệng: “Chẳng những ăn vào quà tặng thiên nhiên và lịch sử mà còn phá hoại bởi ‘sự dốt nát chân thật’ khi chỗ nào cũng bê tông hóa thiên nhiên và xây mới các di tích…”. Thiên hạ sưu tầm hiện vật rồi mới xây bảo tàng và làm song hành. Còn Việt Nam thì xây bảo tàng xong mới đi sưu tầm hiện vật. Trước khi lập hồ sơ di sản thế giới, thiên hạ bỏ cả chục năm chuẩn bị, nâng cấp dịch vụ, cải tạo hạ tầng, đào tạo nhân lực… và có kế hoạch cụ thể đón khách. Trong khi đó, Hoàng thành Thăng Long và Thành nhà Hồ thì “đùng một cái” có ngay di sản văn hóa thế giới nhưng vẫn loay hoay chưa biết khai thác thế nào…
Du lịch Việt Nam thuận lợi hay khó khăn đều do con người. Muốn tăng tốc phát triển phải thay đổi. Vấn đề là thay đổi kiểu nào và có muốn thay đổi hay không.
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com