Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Du lịch Việt Nam: Khó phục hồi không chỉ do giá cao

Theo tổng cục Thống kê, lượng khách đến Việt Nam chín tháng qua đạt 2,77 triệu lượt khách, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục dù đã bước vào mùa đón khách du lịch quốc tế.

Khách du lịch quốc tế tham quan TP.HCM bằng tour Vespa. Ảnh: Lê Quang Nhật

Có tới tám trong 10 thị trường lớn của Việt Nam có lượng khách đến giảm như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Malaysia, Thái Lan.

Tiếp tục suy giảm

Đến thời điểm này, căn cứ vào lượng khách đặt tour sắp tới, các công ty Fiditour, Bến Thành, Liên Bang đều khẳng định, lượng khách quốc tế đến Việt Nam cuối năm nay tiếp tục giảm 10 – 15% so với cùng kỳ. Saigontourist, đơn vị chiếm 80% thị phần khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng cho biết, mùa du lịch năm nay công ty phục vụ gần 32.000 lượt khách, giảm 6 – 7% so với mùa năm ngoái.

Lượng khách giảm khiến cho khả năng khai thác phòng khách sạn giảm mạnh. Trưởng phòng marketing của một khách sạn 4 sao tại TP.HCM, cho biết, vào tháng 11 hàng năm là công suất phòng tại khách sạn đạt đỉnh điểm, đợt suy giảm năm ngoái cũng đạt hơn 70%, trong khi năm nay, đến thời điểm này mà lượng đặt phòng của tháng 11 chỉ đạt hơn 50%.

Ông Tào Văn Nghệ, giám đốc khách sạn Majestic nhận định, công suất phòng cho những tháng cuối năm chỉ nhỉnh hơn so với chín tháng đầu năm một chút. Theo thống kê, chín tháng qua, công suất phòng của Majestic đã giảm 17% so với cùng kỳ.

Trong khi ngành du lịch Việt Nam lao đao vì lượng khách giảm, du lịch Thái Lan có dấu hiệu phục hồi. Theo tạp chí TTG – Asia, một tạp chí ở châu Á chuyên về du lịch – kinh tế, lượng khách bay đến Thái Lan tăng mạnh, đặc biệt là số lượng vé máy bay từ Đức đến Thái vào mùa đông đã kín chỗ.

Theo kết quả điều tra thị trường mới đây của Saigontourist, cùng với thông tin phản hồi của các đối tác trên toàn cầu, đơn vị này nhận định rằng, khó khăn kinh tế hiện nay ảnh hưởng nhiều nhất đến quyết định đi du lịch của khách châu Âu. Tuy vậy, du khách có xu hướng giảm bớt hầu bao chi tiêu cho du lịch hơn là cắt bỏ nhu cầu du lịch. Do vậy, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn tại các điểm đến trên toàn cầu (trong đó có khu vực Đông Nam Á) vẫn rất thu hút sự quan tâm và lựa chọn của du khách châu Âu và châu Mỹ.

Kết quả điều tra trên có thể khiến các công ty du lịch tìm cách giảm giá tour. Một trong những nguyên nhân khiến khách đến Việt Nam giảm, theo đánh giá của một số hãng lữ hành, là giá tour còn cao do thiếu sự liên kết giữa các công ty, giữa các dịch vụ với nhau.

Giá tour còn cao hơn khu vực 20%

Sau chín tháng thực hiện chương trình Ấn tượng Việt Nam, ông Từ Quý Thành, giám đốc công ty du lịch Liên Bang, cho rằng, để có giá tour giảm công ty phải làm việc với các đối tác và tự cân đối. “Giá tour năm nay dù giảm khoảng 30% so với năm ngoái nhưng so với các nước trong khu vực thì vẫn còn cao hơn khoảng 20%”, ông nói. Theo ông Võ Anh Tài, giám đốc công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, giá tour cao là do chưa có sự liên kết giữa lữ hành, hàng không, khách sạn cũng như các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch để tạo ra gói sản phẩm với giá cạnh tranh.

Khu vực dịch vụ bị than phiền nhiều nhất về giá là khách sạn. Trong một tour xuyên Việt cần sử dụng rất nhiều khách sạn ở nhiều địa phương nhưng các khách sạn ở Nha Trang, Phan Thiết cứ cuối tuần đều kín chỗ nên giá không giảm. Ngay cả giá phòng khách sạn ở TP.HCM, nơi có nhiều cạnh tranh hơn, giá cũng chỉ giảm nhẹ. Theo thống kê của công ty CB Richard Ellis (CBRE), giá phòng trung bình tại các khách sạn cao cấp ở TP.HCM hiện ở mức 118 USD/đêm, trong khi giá khách sạn 5 sao tại Thái Lan đang bán cho các công ty du lịch ở Việt Nam đưa khách qua chỉ có 80 USD/đêm.

Chất lượng: nỗ lực đơn lẻ

Chỉ dừng lại ở giảm giá tour khó hút thêm khách nước ngoài. Ông Trần Thế Dũng, giám đốc inbound công ty du lịch Fidiotur cho biết, trước kia một tour được chào bán chỉ có tham quan các điểm du lịch thuần tuý thì nay trong một tour phải có nhiều chương trình hơn, chất lượng tốt hơn, nếu không khách sẽ chọn các nước khác để đi.

Ông Dũng cũng cho biết, sắp tới công ty đón một đoàn khách là sinh viên của trường đại học Singapore, ngoài ghé các điểm du lịch còn có thêm chương trình giao lưu, trao đổi kiến thức với sinh viên trường đại học Bách khoa TP.HCM và đi thực tế ở một số nhà máy. Đạt được thương lượng với lãnh đạo nhà máy để khách có thể xem các xưởng sản xuất là một nỗ lực của nhà tour. Hay như tour du lịch sinh thái, thay vì tham quan đồng ruộng, để thêm phần hấp dẫn, nhà tour phải tổ chức cho khách được xuống ruộng cấy lúa. Mọi công tác hậu cần như xin giấy phép, thuê đất, gieo mạ, cày đất… đã được công ty du lịch sắp xếp.

Ngoài ra, các hãng lữ hành cũng có những cố gắng kéo khách như khuyến mãi tặng quà và tặng thẻ sim điện thoại cho phép gọi 30 phút quốc tế mỗi ngày... Giám đốc một hãng lữ hành nhận định, những nỗ lực như vậy về chất lượng còn đơn lẻ và chưa đủ sức thuyết phục. Rộng hơn, không chỉ có ngành du lịch nỗ lực, mà cần có sự thay đổi từ môi trường, nạn kẹt xe để khách không thấy phiền.

( Theo Thu Hằng // SGTT Online)

  • “TP.HCM - 100 điều thú vị” chuẩn bị vào giai đoạn bình chọn
  • Vietnam Airlines mở đường bay thẳng Hà Nội - Fukuoka
  • Fiditourist đón 10.500 khách MICE trong ba tháng
  • Vietnam Airlines mở đường bay mới tới Nhật
  • Xếp hạng sao cho tàu du lịch
  • Thị trường hàng không đang phục hồi
  • Hội An dành 2 tỷ đồng quảng bá du lịch năm 2010
  • Phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trên đảo Phú Quốc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com