Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN Nguyễn Văn Tuấn cho biết, với tăng trưởng khá cao của ngành DL hiện nay, VN chắc chắn sẽ vượt mốc đón 4,2 triệu khách quốc tế đề ra và nhiều khả năng DL VN sẽ đạt 5 triệu khách trong năm 2010. Trước xu hướng tăng trưởng cũng như nhiều lợi thế hiện nay, ngành DL VN đặt mục tiêu sẽ đón 5,5 triệu khách quốc tế trong năm 2011 và khoảng 30 - 31 triệu khách nội địa. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn cung cấp dịch vụ và giải pháp DL Abacus, ông Robert Bailey cho rằng, trong các năm sắp tới, VN sẽ là một trong những thị trường DL có tốc độ phát triển hàng đầu trong khu vực. VN là một nền kinh tế đang phát triển trong khối ASEAN, và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào VN đang tăng mạnh trở lại, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản DL. Khi nhu cầu của các nhà đầu tư đến VN tăng sẽ dẫn đến số khách thương gia tại thị trường này cũng tăng theo và giúp ngành DL VN tăng trưởng. Theo ông Mauro Gasparotti - Trưởng bộ phận dịch vụ khách sạn, khu nghỉ dưỡng CBRE VN, “Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở VN đã thay đổi từ giai đoạn trước khủng hoảng với việc khách hàng ngày càng có nhiều lựa chọn hơn. Nhiều dự án mới đang xây dựng hoặc gần hoàn tất sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn và khách hàng càng phức tạp hơn so với trước đây. Bất động sản nghỉ dưỡng tại VN đang sẵn sàng tiến tới giai đoạn thị trường dành cho các sản phẩm cụ thể nhắm đến các khách hàng cụ thể”.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm yếu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mức tăng trưởng “nóng” của DL VN chưa hẳn là do hình ảnh DL VN tốt hơn để thu hút khách quốc tế. Trên thực tế, tăng trưởng này có phần đóng góp nhờ vào một số lợi thế khách quan mang lại. Một trong những lợi thế chính là VN đang giữ chức chủ tịch ASEAN. Lượng khách du lịch MICE (khách hội nghị, hội thảo) theo đó cũng tăng lên.
Báo cáo tổng hợp về thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam qua các năm 2000, 2005, 2009 cho thấy, hiện lao động trực tiếp của ngành DL đạt trình độ đại học và trên đại học chiếm 9,7%; đạt trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chiếm 51% và có đến 39,3% trình độ dưới sơ cấp. Trong số đó chỉ có 43% được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về các ngành nghề DL, được đào tạo về các chuyên ngành khác ngoài DL hoặc chưa qua đào tạo chuyên môn DL chiếm 57%. Về ngoại ngữ, so với các ngành khác, số lao động DL biết ít nhất một ngoại ngữ có tỷ lệ tương đối cao, chiếm khoảng 48%. Song, vẫn còn chưa cao khi đặc thù của ngành DL có đối tượng phục vụ trực tiếp là du khách trong nước và nước ngoài. Hơn nữa, người lao động trong ngành hiện nay chủ yếu là biết tiếng Anh, các ngoại ngữ khác chiếm tỷ lệ rất thấp nên chưa đáp ứng với nhu cầu.
Dự thảo chiến lược phát triển DL VN giai đoạn 2010- 2020 và tầm nhìn đến 2030 đã xác định: DL là một ngành kinh tế quan trọng, một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Theo dự thảo chiến lược, vào năm 2015, cả nước sẽ đón khoảng 12 triệu lượt khách DL quốc tế và 28 triệu lượt khách nội địa. Doanh thu từ DL đạt 8.900 triệu USD. Đến năm 2020 con số này là 15.900 triệu USD. Tỷ trọng đóng góp vào GDP của ngành là 5,2% vào năm 2015 và 6% vào 2020. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, chiến lược phát triển sẽ tập trung xây dựng các dòng sản phẩm DL đặc trưng, thu hút khách theo các phân đoạn thị trường. Trong đó, đặc biệt chú trọng khai thác du khách đến từ các thị trường gần như ASEAN và Đông Bắc Á có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày với những sản phẩm mới: hội thảo, chữa bệnh, làm đẹp…
Tới đây, “hoạt động xúc tiến, quảng bá phải được xây dựng và tổ chức trên cơ sở kết quả nghiên cứu các thị trường. Chuyển từ xúc tiến hình ảnh sang xúc tiến cho các sản phẩm và thương hiệu cụ thể như phát triển DL biển và ven biển, các sản phẩm DL gắn với văn hoá, nhân văn…”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó vụ trưởng Vụ thị trường (Tổng cục DL VN) khẳng định.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com