Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hà Nội cần đột phá để thành trung tâm du lịch lớn

Du khách tham quan Văn Miếu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chiều 10/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả công tác du lịch của thành phố thời gian qua và bàn phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2011-2015.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, trong 3 năm qua, hoạt động du lịch Thủ đô có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Lượng khách du lịch và thu nhập xã hội từ du lịch tăng khá. Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch Hà Nội được bổ sung một bước hết sức quan trọng.

Các hoạt động du lịch đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm và tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thông qua việc tổ chức thành công tốt đẹp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Năm Du lịch quốc gia 2010... hình ảnh, vị thế của thủ đô Hà Nội đã được nâng cao. Các điều kiện về kinh tế-văn hóa-xã hội-an ninh quốc phòng được tăng cường. Đây là những yếu tố thuận lợi để du lịch Thủ đô đạt được những kết quả tốt đẹp và nâng lên tầm cao mới.

Năm 2010, thủ đô Hà Nội đã được Tạp chí du lịch trực tuyến Smar Travel Asia bình chọn là một trong mười điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Á.

Tuy nhiên, kết quả du lịch Hà Nội vẫn còn khoảng cách so với Thủ đô của các quốc gia trong khu vực. Tốc độ phát triển chưa bền vững, đóng góp vào GDP của ngành chưa cao. Sản phẩm du lịch của Hà Nội chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái có sẵn, chưa được đầu tư đúng mức và chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thủ đô, đặc biệt là du lịch văn hóa, làng nghề, làng cổ.

Hà Nội còn thiếu các khu du lịch vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần quy mô lớn đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách du lịch.

Bên cạnh đó, việc thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nội triển khai chậm. Chất lượng dịch vụ du lịch ở nhiều điểm đến và công tác du lịch tại điểm đến còn hạn chế. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, cơ chế chưa rõ ràng. Công tác quản lý Nhà nước về du lịch hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp liên ngành, liên vùng của Hà Nội với các địa phương trong nước và quốc tế còn hạn chế.

Góp ý vào phương hướng phát triển trong giai đoạn tới, nhiều đại biểu cho rằng Hà Nội có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch, đặc biệt sau khi mở rộng địa giới hành chính. Hà Nội có hạ tầng tốt, có sân bay quốc tế, hệ thống di sản văn hóa lớn và là nơi tổ chức nhiều sự kiện, là trung tâm mua sắm và chữa bệnh... Để phát huy có hiệu quả những lợi thế này, du lịch Hà Nội cần có sự đột phá.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định nếu du lịch Hà Nội phát triển không đạt được như kỳ vọng, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch Việt Nam nói chung. Vì vậy, trước hết, Hà Nội cần có quyết tâm chính trị phát triển du lịch, từ đó có chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân lực...; tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với 3 đối tượng là khách nước ngoài đến Hà Nội, khách nước ngoài sinh sống tại Hà Nội và khách nội địa.

Đồng thời, thành phố củng cố bộ phận quản lý nhà nước về du lịch, bổ sung nhân sự cho các phòng nghiệp vụ; có giải pháp bảo vệ môi trường, tổ chức an ninh, an toàn cho du khách.

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn đề nghị Hà Nội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ, giao ban hàng quý để thường xuyên phối hợp, thúc đẩy du lịch Thủ đô phát triển.

Chỉ đạo công tác du lịch trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan phát huy có hiệu quả tiềm năng, phấn đấu đưa Hà Nội thành trung tâm du lịch hấp dẫn của cả nước và trong khu vực; khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển du lịch, tầm nhìn dài hạn tới 2030, bao gồm định hướng phát triển, cơ chế chính sách, đặc biệt xác định những khâu đột phá để Hà Nội trở thành trung tâm du lịch lớn của quốc gia.

Trên cơ sở đó, để thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ ngành du lịch, Hà Nội phải đa dạng hóa các hoạt động du lịch, phát huy lợi thế so sánh tiềm năng du lịch của Thủ đô; tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp cũng như các địa phương tổ chức tốt các tour, “biến các điểm đến của các tỉnh là điểm đến của Hà Nội”.
 
Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)

  • Tìm điểm đến hấp dẫn cho sản phẩm du lịch Việt
  • Tạo lập sản phẩm du lịch biển "xanh" để cạnh tranh
  • Khai mạc Liên hoan làng biển Việt Nam năm 2011
  • Câu chuyện 1 USD của dịch vụ du lịch Việt Nam
  • Dịch vụ du lịch: Chập chững những bước đi đầu
  • Malaysia đẩy mạnh quảng bá du lịch tại Việt Nam
  • Cần 42,5 tỉ đô la Mỹ cho du lịch trong 10 năm tới
  • Khách quốc tế đến Việt Nam vì công việc tiếp tục giảm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com