Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Luật Khoáng sản (sửa đổi): Vẫn chờ công khai thu - chi

Minh bạch hóa nguồn thu từ ngành công nghiệp khai thác sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho người dân và toàn xã hội

Luật Khoáng sản (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011 với hi vọng giải quyết cơ bản một số tồn tại hiện nay như tình trạng chồng chéo trong công tác lập quy hoạch, cơ chế xin cho trong cấp phép khai thác… Tuy nhiên, việc công khai nguồn thu – chi đối với hoạt động khai thác khoáng sản (một trong những điểm quan trọng đang được người dân quan tâm) vẫn phải chờ một văn bản pháp luật khác.

Tài nguyên khoáng sản không tự tái sinh, nếu khai thác không có quy hoạch sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái. Nếu không công khai minh bạch nguồn thu hoạt động khai thác khoáng sản thì vẫn còn thất thoát.

Chấm dứt xin - cho trong hoạt động khoáng sản

VN nằm trong vành đai sinh khoáng Châu Á - Thái Bình Dương, có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú, đa dạng, với trên 5.000 mỏ và điểm khoáng sản của hơn 60 loại khoáng sản khác nhau. Trong đó có nhiều tài nguyên được dự báo có trữ lượng lớn hay có giá trị cao như bôxít, than, titan... Do vậy, tài nguyên khoáng sản ở VN cần phải được thăm dò và khai thác có chiến lược, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Mặc dù, Luật Khoáng sản đã được Quốc hội thông qua năm 1996 và có hiệu lực thi hành vào năm 1997. Tuy nhiên, do sự vận động và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế VN cũng như những tác động từ thế giới, Luật Khoáng sản năm 1997 đã bộc lộ nhiều bất cập. Tình trạng chồng chéo trong công tác lập quy hoạch và cơ chế xin - cho trong cấp phép khai thác đã nảy sinh nhiều tiêu cực.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các DN tham gia khai thác, chế biến khoáng sản phần lớn có quy mô nhỏ hoặc trung bình. Nhiều DN chưa chú trọng áp dụng công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản tiên tiến, dẫn đến tổn thất và thất thoát khoáng sản ở mức cao. Tình trạng đầu cơ, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, khai thác khoáng sản trái phép, xuất khẩu khoáng sản dưới dạng thô vẫn khá phổ biến.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, Luật Khoáng sản (sửa đổi) sẽ cơ bản chấm dứt tình trạng trạng xin – cho trong hoạt động khoáng sản, thông qua hình thức đấu giá khoáng sản. Việc đấu giá sẽ giúp Nhà nước lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật để khai thác an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường...

Theo Điều 78 Luật sửa đổi, việc cấp quyền khai thác khoáng sản phải thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác. Tuy nhiên, có một số khu vực khoáng sản, loại khoáng sản không thể đấu giá để cấp quyền khai thác, như khu vực khoáng sản có tính chiến lược, khu vực nhạy cảm về môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng... Theo quy định của luật mới, đối với các khu vực này, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định cấp phép thông qua các tiêu chí do Chính phủ quy định.

Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ được thực hiện cả ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản và khu vực đã thăm dò. Trường hợp trúng đấu giá ở khu vực chưa thăm dò thì nhà đầu tư trúng đấu giá phải thực hiện việc thăm dò khoáng sản. Kết quả thăm dò do Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia thẩm định, phê duyệt để bảo đảm lợi ích quốc gia.

Luật mới quy định rõ hơn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đối với địa phương nơi có khoáng sản khai thác. Theo đó, họ phải có trách nhiệm hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi, kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng, bảo vệ, phục hồi môi trường. Mặt khác, nếu tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật thì tùy mức độ thiệt hại, phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường. Hoạt động khai thác phải ưu tiên sử dụng lao động địa phương...

Những điểm còn phải hoàn thiện

Nhìn tổng thể, đấu giá khai thác sẽ cơ bản khắc phục cơ chế xin – cho. Tuy nhiên, ông Hiển cũng phải thừa nhận, nếu muốn triệt để còn phải khắc phục tiêu cực trong hoạt động đấu thầu. Đối với thực trạng mua bán giấy phép hoạt động khoáng sản lòng vòng gây rối trong quản lý khoáng sản, ông Hiển cho rằng, không thể cấm chuyển nhượng giấy phép trong điều kiện kinh tế thị trường mà chỉ có cách quy định chặt chẽ các điều kiện chuyển nhượng.

Thực tế hiện nay, đã có trên 6.000 giấy phép khai thác được nhiều cấp có thẩm quyền khác nhau cấp phép. Theo điều khoản chuyển tiếp trong Luật sửa đổi “các dự án khai thác khoáng sản đã được cấp phép trước ngày Luật có hiệu lực cũng phải thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản”. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, số tiền thu về cho ngân sách từ cấp quyền khai thác đối với những giấy phép trên chắc cũng chẳng đáng là bao so với lợi nhuận thu về cho các chủ dự án.

Trả lời phỏng vấn của báo giới về tính công khai minh bạch trong hoạt động khai thác, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, Luật mới đã quy định phải công khai minh bạch trong các hoạt động lập quy hoạch, cấp phép... Tuy nhiên, công khai minh bạch nguồn thu – chi trong hoạt động khai thác khoáng sản, dầu khí vẫn chưa được nhắc đến. Theo ông Hiển, việc công khai tài chính trong hoạt động khai thác sẽ là nội dung của văn bản pháp luật khác quy định.

Việc Luật Khoáng sản sửa đổi có hiệu lực được đánh giá là sẽ đạt được nhiều hiệu quả tích cực trong họat động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, để thoát khỏi một cơ chế quản lý, giám sát theo lối cũ, vẫn còn phải có sự nỗ lực chung từ các bên. Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ chế quản lý vẫn còn kiểu từ hồi bao cấp, nhiều điểm chưa rõ ràng. Chẳng hạn, thế nào là khai thác tận thu hay không tận thu ? Chúng ta thiếu một bộ tiêu chí chính xác. Thêm vào đó, hệ thống quản lý lại chưa đủ mạnh. Rõ ràng, chúng ta chưa có một công cụ để giám sát quá trình khai thác khoáng sản. Dù chúng ta không đến mức lơi lỏng nhưng cơ chế quản lý còn yếu.

GS Võ cho rằng, cùng với việc ban hành Luật Khoáng sản sửa đổi, VN cần xúc tiến nhanh việc tham gia sáng kiến minh bạch hóa nguồn thu – chi đối với ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, dầu khí.

Sáng kiến minh bạch hóa

VN được đánh giá là quốc gia có tiềm năng về đầu khí và khoáng sản. Tuy nhiên, những đóng góp cho ngân sách từ nguồn thu dầu khí và khoáng sản hay nói cách khác những lợi ích mà người dân được thụ hưởng chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Bên cạnh đó, yêu cầu về phát triển bền vững, vì một môi trường an toàn cho các thế hệ tương lai là một xu hướng chung mà VN hướng tới.

Xuất phát từ các mục tiêu trên, vừa qua, VCCI phối hợp với Viện Tư vấn phát triển (CODE) khởi động dự án “Nghiên cứu nền tảng thực thi sáng kiến minh bạch công nghiệp khai thác ở VN”. Tính đến nay, “Sáng kiến minh bạch hóa công nghiệp khai thác” gọi tắt (EITI) đã có 31 quốc gia tham gia. Tất cả các quốc gia tham gia đã nhanh chóng nâng cao được hiệu quả nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên, cũng như hạn chế những tác động xấu cho môi trường thiên nhiên từ hoạt động khai thác khoáng sản.

GS Đặng Hùng Võ nhận xét, từ việc công khai minh bạch nguồn thu trong hoạt động khai thác sẽ giúp Chính phủ biết và đưa ra nhiều quyết sách quan trọng khác. Cụ thể là biết được tài nguyên hiện đang mất bao nhiêu ? Làm lợi cho những ai ? Được và mất đã tương xứng chưa ? Tham gia sáng kiến này còn giúp VN có điều kiện để học kinh nghiệm, hoàn thiện hệ thống quản lý, sớm giải quyết tốt vấn đề giá trị. Và từ đó, những vấn đề tiếp theo sẽ được xử lý, ví dụ như DN chưa đầu tư đúng mức vào việc bảo vệ môi trường thì phải đầu tư thêm. Thuế môi trường chưa thỏa đáng với quyền lợi Nhà nước, nhân dân được hưởng thì sẽ phải tăng thuế... Từ đó, Chính phủ sẽ có cơ sở để đưa ra quyết định tiếp tục giữ lại hay khai thác, bao nhiêu ? Nên khai thác, quản lý khai khoáng như thế nào ? Và sẽ đưa ra được cách tính tổng thể để giải quyết tận gốc bài toán khai thác tài nguyên thiên nhiên hiện nay. Theo TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế VN, minh bạch thể hiện trình độ phát triển của một xã hội. Quyền, trách nhiệm và lợi ích các bên sẽ không thể được đảm bảo nếu không có minh bạch. Hiện nay, việc công khai, minh bạch đang được Chính phủ, bộ ngành, các cấp chính quyền đưa vào nhiều văn bản, nghị quyết. Tuy nhiên, dường như nó vẫn đang gặp một lực cản vô hình kìm giữ.

Vẫn còn nhiều lực cản

Minh bạch hóa nguồn thu từ ngành công nghiệp khai thác sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho người dân và toàn xã hội. Tuy nhiên nó sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của một nhóm người. Vì lợi ích cục bộ của nhóm người này, họ sẽ làm chậm tiến trình minh bạch hóa.

Ngay từ việc cung cấp thông tin để đánh giá hiệu quả của nghiên cứu sáng kiến EITI cũng gặp nhiều khó khăn. Theo ông Phạm Quang Tú - Phó viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE), điều đầu tiên muốn sáng kiến EITI được khởi động phải bắt nguồn từ chính các DN khai thác. Nếu các DN khai thác không hợp tác thì khó có thông tin gì có thể bay được ra ngoài.

Hoạt động khai thác lậu, thất thoát tài nguyên đang ở mức báo động. Chỉ tính riêng ở Quảng Ninh, mỗi năm ước tính có khoảng 10 triệu tấn than được xuất lậu và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước khoảng 4.500 tỷ đồng, chiếm tới 44,3% tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Ninh, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2009.

Luật mới đã quy định phải công khai minh bạch trong các hoạt động lập quy hoạch, cấp phép... Tuy nhiên, công khai minh bạch nguồn thu – chi trong hoạt động khai thác khoáng sản, dầu khí vẫn chưa được nhắc đến.

Trong khi thuế tài nguyên và các nguồn thu khác từ khai thác còn rất hạn chế. Việc chi tiêu của nhiều DNNN hoạt động khai thác lại ở mức rất hoang phí. TS Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế cho rằng, bắt nguồn từ việc không quản lý được nguồn thu, một số DNNN trong ngành khai thác hút tài nguyên lên nhưng chi tiêu “vô tội vạ”. Ông Doanh lấy ví dụ ngành dầu khí, ngành này có những tiêu chuẩn đồ dùng trong văn phòng mang thương hiệu dầu khí với giá gấp bên ngoài hàng chục lần. Cán bộ trong tập đoàn cũng có cách chi tiêu khá “vương giả”.

EITI là một liên minh giữa các chính phủ, các Cty, các nhà đầu tư và các tổ chức xã hội cùng chung mục đích nhằm nâng cao công tác quản lý để cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm trong ngành khai thác khoáng sản. Làm thế nào để thuyết phục các cơ quan nhà nước như Quốc hội, Chính phủ... ủng hộ tích cực cho EITI cũng là vấn đề cần có sự khéo léo và quyết tâm.

Rất nhiều tập đoàn khai khoáng lớn trên thế giới đã tham gia EITI. Còn ở VN, quá trình vận động các tập đoàn, DNNN tham gia EITI cũng sẽ là một quá trình không hề dễ dàng. Vì thực tế, ngay chính các cơ quan quản lý đôi khi cũng tỏ ra không mấy mặn mà. Đơn cử việc VCCI mời Bộ Tài chính tham gia tọa đàm về EITI mới đây không thấy một đại diện nào tham dự.

Từ việc lấy được các báo cáo sát thực về nguồn thu, đến việc trình các báo cáo mang tính thuyết phục cao tới các cơ quan nhà nước, rồi việc đảm bảo kinh phí cho nghiên cứu chương trình, tất cả đều đang là một gánh nặng mà VCCI muốn các cơ quan cùng chia sẻ.

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
  • Đối thoại Hải quan và DN TP HCM: Cởi mở để tháo nút thắt
  • Ghép nhiều TTHC về bảo hiểm xã hội thành 1 thủ tục đơn giản, hiệu quả hơn
  • Thuế thu nhập cá nhân : “Đánh” vào vàng tiết kiệm
  • Sửa luật, có “kích” được thị trường bảo hiểm?
  • Thua thiệt vì làm ăn “kiểu VN”
  • Thủ tục… trói vận tải
  • “Ăn theo” thương hiệu: Hệ lụy của... luật?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%