Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sửa luật, có “kích” được thị trường bảo hiểm?

Tư vấn bảo hiểm phi nhân thọ tại Công ty Bảo Việt - Ảnh: Lê Toàn.

Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được Quốc hội cho ý kiến chỉ có vỏn vẹn hai điều khoản với gần năm trang giấy khổ A4. Thế nhưng, dự luật này lại chứa đựng nhiều vấn đề thiết thân, đặc biệt là việc mở cửa gần như hết cỡ đối với thị trường kinh doanh bảo hiểm. Sự thay đổi này liệu có tạo ra “cú hích”?

Bảo hiểm qua biên giới

Vấn đề được nhiều người quan tâm hơn cả có lẽ là đề xuất mở cửa đối với loại hình dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, đồng thời cho phép doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được mở chi nhánh hoạt động tại Việt Nam. Đề xuất này cũng nhằm để thực hiện cam kết về lộ trình mở cửa cho chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài sau năm năm Việt Nam gia nhập WTO. Cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, theo giải thích của Chính phủ, là việc các công ty bảo hiểm, môi giới bảo hiểm ở nước ngoài không cần thành lập pháp nhân tại Việt Nam nhưng được phép mời chào, bán bảo hiểm, thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Phản ứng trước đề xuất sửa đổi của Chính phủ có thể nói là rất khác nhau. Người đứng đầu chi nhánh Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia tại TPHCM, ông Nguyễn Hữu Đức thì cho rằng sự mở cửa nói trên sẽ khiến cho cuộc cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm vốn đã khốc liệt lại càng khốc liệt hơn. Và trên quan điểm lợi ích, khi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới mà không thành lập pháp nhân tại Việt Nam, tức là doanh nghiệp sẽ không phải đóng thuế và Nhà nước sẽ mất đi những nguồn thu này. Đây cũng là vấn đề lo ngại được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt ra vì hoạt động nói trên liên quan đến việc chuyển ngoại tệ từ trong nước ra nước ngoài thông qua thanh toán phí bảo hiểm, cũng như dòng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua thanh toán bồi thường tổn thất. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị nên nghiên cứu xây dựng các quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ dịch vụ bảo hiểm qua biên giới đối với dịch vụ gốc (các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm trực tiếp) để tránh thất thoát ngoại tệ và thất thu thuế của Nhà nước.

Trong khi đó, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, lại có cách nhìn lạc quan. Theo ông, việc mở cửa cho các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài dưới hình thức cho phép chi nhánh hoạt động tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quản lý cũng như kích thích cạnh tranh. “Có hai phương án xảy ra. Một là cứ để cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động, cung cấp dịch vụ bảo hiểm ngấm ngầm tại Việt Nam. Hai là khuyến khích cho họ mở chi nhánh. Cách thứ hai chắc chắn tốt hơn vì khi mở chi nhánh, ta sẽ biết họ là ai thì Nhà nước sẽ dễ kiểm soát hơn. Tương tự, doanh nghiệp thì nhận diện được đối thủ, hiểu được cung cách kinh doanh của họ. Chứ còn cạnh tranh mà không biết đối thủ là ai, vũ khí đối thủ sử dụng như thế nào thì làm sao thắng?”, ông Lộc phát biểu.

Tuy nhiên, trao đổi với TBKTSG, trưởng bộ phận kinh doanh của một công ty bảo hiểm nước ngoài không muốn nêu tên cho rằng tất cả những sửa đổi nói trên nếu được Quốc hội thông qua cũng chẳng “kích” được thị trường bảo hiểm lên bao nhiêu, đặc biệt là đối với khối doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ. Theo tính toán của vị này, liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên được thành lập tại Việt Nam là vào năm 1996. Từ đó đến nay, đã qua 14 năm rồi, tuy nhiên số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép chỉ vỏn vẹn có 9 doanh nghiệp và tổng doanh thu của khối chỉ chiếm 7% thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Các doanh nghiệp Việt Nam mua bảo hiểm thường dựa trên quan hệ có đi có lại, tôi mua của anh cái này anh phải giúp tôi cái kia hoặc phải chi hoa hồng cao tôi mới mua. Các doanh nghiệp nước ngoài không có tập quán kinh doanh theo kiểu đó nên họ hoặc phải rút lui, hoặc hoạt động chật vật như hiện nay. Cho nên, mọi sự sửa đổi chính sách đều khó tạo ra đột biến chừng nào chưa thay đổi văn hóa mua bảo hiểm”, vị trưởng bộ phận nhận định.

Mặt khác, cũng theo ý kiến trên, khả năng các doanh nghiệp trong nước mua bảo hiểm ở nước ngoài là rất nhỏ. Bởi khi xảy ra rủi ro, bao giờ người mua cũng muốn sự có mặt của doanh nghiệp bảo hiểm ngay bên cạnh và được bồi thường nhanh chóng. Hơn nữa, hầu hết các sản phẩm bảo hiểm đều đã có mặt tại Việt Nam và mức đền bù tổn thất cũng tương đương nhau. Vậy thì ai “dại” gì mua bảo hiểm ở một nơi xa xôi cho thêm phần phức tạp?

Bảo hiểm nội ngành, xóa không dễ!

Theo số liệu của Chính phủ, kể từ khi Luật Kinh doanh bảo hiểm ban hành vào năm 2000 ra đời, số doanh nghiệp bảo hiểm đã tăng từ 14 lên 50 doanh nghiệp.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng từ 3.056 tỉ đồng năm 2000 lên 25.510 tỉ đồng năm 2009, tăng 8,3 lần, tốc độ tăng bình quân trên 27%/năm; tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đã huy động đầu tư trở lại nền kinh tế tăng từ 5.000 tỉ đồng năm 2000 lên 66.900 tỉ đồng năm 2009, tăng 13,3 lần.

Một sửa đổi khá quan trọng là đề xuất một số chính sách theo hướng Quốc hội sẽ giao cho Chính phủ ban hành một văn bản quy định cụ thể về hợp tác, cạnh tranh và đấu thầu trong kinh doanh bảo hiểm. Việc bổ sung quy định này nhằm xóa bỏ những rào cản gây hạn chế cạnh tranh trong bảo hiểm nội ngành. Theo giải thích của Chính phủ, nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc các ngành thi nhau mở công ty con kinh doanh bảo hiểm. Các ngành như dầu khí, xăng dầu, bưu điện, hàng không, quân đội, khoáng sản… đều có công ty bảo hiểm. Các công ty này cung cấp dịch vụ bảo hiểm trong nội ngành, thiếu cạnh tranh, không bảo đảm minh bạch về mức phí bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm làm cho thị trường bảo hiểm bị chia cắt, cạnh tranh không lành mạnh.

Theo ông Phùng Đắc Lộc, có những công ty như PVI “cát cứ” gần như toàn bộ 100% thị trường dịch vụ bảo hiểm của ngành dầu khí, khó có doanh nghiệp nào khác có thể lọt vào được.

Ông Lộc cho rằng việc ra đời các công con kiểu trên là “do lịch sử để lại” nhằm tạo dựng thị trường bảo hiểm vào thời kỳ mới bắt đầu phát triển. Tuy nhiên, để kéo dài như hiện nay thì không nên vì điều đó sẽ ngăn cản tự do cạnh tranh, làm cản trở sự phát triển của thị trường bảo hiểm. “Phải xóa bỏ tình trạng này. Xóa bỏ không có nghĩa là dẹp, không cho các công ty ấy hoạt động mà xóa bỏ rào cản, là phải mở cửa để các doanh nghiệp khác cùng cạnh tranh”, ông Lộc nói.

Đồng tình với ý kiến trên, vị trưởng bộ phận kinh doanh nói trên cho biết ở nhiều nước phát triển cũng tồn tại hình

thức lập các công ty con để cung cấp dịch vụ bảo hiểm chuyên ngành. Tuy nhiên, điểm khác biệt là ở các nước đó thị trường cung cấp dịch vụ bảo hiểm chuyên ngành hoạt động trên cơ sở tự do cạnh tranh, chứ không phải ngăn sông cấm chợ như ở ta. “Điều này đi ngược với nguyên lý vì tính chất của việc mua bảo hiểm là chia nhỏ, phân tán rủi ro. Trong khi đó, việc bao chiếm độc quyền dịch vụ trong nội ngành thực chất là nhốt tất cả rủi ro vào một rọ”, ông phân tích.

Theo ông, đề xuất của Chính phủ về quy định đấu thầu nhằm xóa bỏ tình trạng cát cứ trong bảo hiểm nội ngành sẽ rất khó khả thi nếu hệ thống pháp luật về cạnh tranh vẫn chưa đầy đủ và thực thi không nghiêm như hiện nay. “Thực tế, nhiều công ty nhà nước vẫn tổ chức đấu thầu việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Thế nhưng, tất cả đều chỉ làm “giả vờ” cho vui thôi, chứ có ai bên ngoài vào được đâu”, vị trưởng bộ phận kinh doanh nói.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Thua thiệt vì làm ăn “kiểu VN”
  • Thủ tục… trói vận tải
  • “Ăn theo” thương hiệu: Hệ lụy của... luật?
  • Việc đặt in, sử dụng hóa đơn của công ty có nhiều chi nhánh
  • Báo động việc doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế
  • Thủ tục hải quan vẫn“hành” doanh nghiệp
  • Tự in hóa đơn theo quy định mới - “Mở cửa” cho doanh nghiệp trốn thuế?
  • Cuộc chiến với giấy phép con: Cắt xong, lại mọc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%