Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”

“Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
Theo VAFI, thị trường tài chính Việt Nam chỉ cần hai công ty là đủ, ngoài ra còn có sự tham gia của các công ty định mức tín nhiệm toàn cầu khi thực hiện các dịch vụ tín nhiệm đơn lẻ.

Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm vì như vậy sẽ dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời không đảm bảo chất lượng dịch vụ. Đây là quan điểm của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) trong văn bản gửi Bộ Tài chính về việc xây dựng nghị định hoạt động cho loại hình công ty này.

Theo VAFI, định mức tín nhiệm là loại hình dịch vụ tài chính cao cấp có vai trò hết sức quan trọng với sự phát triển của thị trường trái phiếu, ban soạn thảo đã có nhiều nỗ lực để nghiên cứu loại hình dịch vụ cao cấp và mới mẻ này đối với thị trường tài chính Việt Nam.

Tuy nhiên, VAFI cho rằng, nếu như chỉ theo tinh thần của bản dự thảo, Việt Nam sẽ không thể có được một công ty định mức tín nhiệm có đủ tin cậy cho cộng đồng các nhà đầu tư. Điều đó có nghĩa là hướng xây dựng nghị định thành lập công ty tín nhiệm này phải thay đổi cơ bản.

Hiện nay Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và nhiều văn bản pháp luật về tài chính chứng khoán ngân hàng đều không cấm việc thành lập và hoạt động của công ty định mức tín nhiệm và dịch vụ định mức tín nhiệm.

Tuy nhiên, theo VAFI, một số hoạt động đánh giá tín nhiệm từ Trung tâm Thông tin tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) hay của một số doanh nghiệp đều hết sức “sơ sài, ngây ngô, lơ mơ và không đủ sức tin cậy cho giới đầu tư”. Thậm chí, một số hoạt động còn gây tác hại cho thị trường tài chính hoặc làm cho nhà đầu tư nhỏ lẻ và dân chúng hiểu nhầm.

Để đi đánh giá năng lực tài chính của một tổ chức, những người đi đánh giá phải thật sự giỏi, có kinh nghiệm quốc tế, khách quan độc lập, không vụ lợi và không bao giờ chiều chuộng, thỏa hiệp với doanh nghiệp - tổ chức đi thuê và trả tiền dịch vụ.

Vậy, việc thành lập một công ty định mức tín nhiệm mới mà đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực, có kinh nghiệm quốc tế cao có phải là câu chuyện đánh đố hay không?

“Hoàn toàn không và đây là kinh nghiệm thành lập công ty định mức tín nhiệm của các nước trong khu vực và các quốc gia đang phát triển”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI nói. Kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra rằng không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm vì như vậy sẽ dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời không đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Theo VAFI, thị trường tài chính Việt Nam chỉ cần hai công ty là đủ, ngoài ra còn có sự tham gia của các công ty định mức tín nhiệm toàn cầu khi thực hiện các dịch vụ tín nhiệm đơn lẻ.

Ngay từ năm 2004, nhóm chuyên gia của VAFI, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Công ty Chứng khoán Nomura Securities Institute (Nhật) đã từng khuyến nghị Bộ Tài chính nên thành lập hai công ty định mức tín nhiệm.

Trong đó, một công ty nội địa thành lập theo Luật Doanh nghiệp, có cổ đông sáng lập là công ty có uy tín hàng đầu trong khu vực chuyên phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một công ty khác mang tầm vóc của công ty định mức tín nhiệm toàn cầu hoạt động dưới dạng chi nhánh hoặc doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài.

“Tuy nhiên, các tiêu chí trên chỉ là điều kiện cần cho việc ra đời dịch vụ định mức tín nhiệm trên lãnh thổ Việt Nam”, ông Hải nói.

Theo ông, kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra rằng với những thị trường tài chính nhỏ bé thì sẽ không thể thu hút được các nhà đầu tư chiến lược tham gia bỏ vốn vì đầu ra quá nhỏ. Thêm vào đó, thói quen doanh nghiệp thường không thích định mức tín nhiệm. Vì vậy để công ty định mức tín nhiệm ra đời và hoạt động, chính phủ các nước đều phải tạo lập môi trường hoạt động cho công ty này.

Với Thái Lan, chính phủ qui định khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì bắt buộc phải được đánh giá định mức tín nhiệm. Với Philippines và nhiều nước vùng châu Mỹ La-tinh, chính phủ yêu cầu các tổ chức ngân hàng, bảo hiểm phải được tiến hành đánh giá định mức tín nhiệm định kỳ hàng năm.

Như vậy, để thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư chiến lược có danh tiếng thì Chính phủ phải xây dựng khuôn khổ pháp lý để tạo lập môi trường hoạt động cho công ty định mức tín nhiệm.

Theo VAFI, để có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc hoạch định chính sách, đồng thời, kêu gọi đối tác chiến lược và tham gia thành lập công ty này, Bộ Tài chính nên hợp tác với IFC. IFC đã từng giúp chính phủ nhiều nước trong việc thành lập công ty định mức tín nhiệm và bản thân IFC cũng là cổ đông sáng lập của nhiều công ty này.

(Theo Vneconomy)

  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Sửa luật để hút vốn doanh nghiệp FDI
  • Siêu sao 'lao xao' thuế thu nhập cá nhân
  • Trục lợi từ chứng thư bảo lãnh
  • Khi luật chưa bắt kịp thực tế
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%