Thủ tục hành chính “hành” doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ tiếp tục làm nóng diễn đàn đối thoại giữa Bộ Giao thông Vận tải và doanh nghiệp do VCCI vừa tổ chức hồi cuối tháng 11.
Trong buổi đối thoại, các doanh nghiệp đã kiến nghị sửa đổi nhiều nội dung bất hợp lý và phiền hà của Nghị định số 91/2009/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Thông tư 07/2010/TT-BGTVT quy định về tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ đã công bố và các quy định về giới hạn xếp hàng hóa bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 28/3/2010; Thông tư 14/2010/TT-BGTVT về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô.
Vấn nạn cầu vênh… đường
Ý kiến chung của các doanh nghiệp là những quy định về lĩnh vực giao thông đường bộ hiện vẫn lâm vào tình trạng “bàn giấy” và xa rời thực tế. Ông Khánh Toàn – Phó tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam dẫn chứng: một số quy định về tải trọng đối với xe đầu kéo sơmi - rơmoóc tại Thông tư 07/2010/TT-BGTVT khiến nhiều doanh nghiệp vận tải phải bó tay. Ví dụ quy định: “Tổng trọng lượng của xe nhỏ hơn trọng lượng xe tối đa được phép lưu hành trên đường bộ, nhưng có tải trọng quá 1,1 lần tải trọng trục xe tối đa được phép lưu hành trên đường bộ” sẽ bị coi là vi phạm. Trên thực tế có nhiều loại hàng hóa như máy móc, thiết bị hay thép cuộn... sẽ không thể tách nhỏ ra để chia đều chịu lực trên các trục xe. Đối với các trường hợp này, chắc chắn doanh nghiệp vận tải phải chịu phạt lỗi vi phạm khi thực hiện hợp đồng vận tải.
Điều đáng nói hơn, trước đó rất lâu, ngày 7/12/2007, Chính phủ đã ban hành Quyết định 60 và 61 quy định giới hạn xếp hàng và tải trọng của xe tải tham gia giao thông đường bộ trong đó xe sơmi - rơmoóc 3 trục được phép trở 45 tấn hàng hóa nhưng tại Thông tư 07 trên, Bộ Giao thông vận tải... hạ xuống chỉ còn 40 tấn. Nghịch lý ở đây chính là, quy định thì thấp đi trong khi rất nhiều tuyến đường của Việt Nam đã đầu tư với mức tải trọng 10 tấn/trục. Chính vì vậy, các doanh nghiệp một lần nữa đề nghị cơ quan soạn thảo cần đưa ra quy định đối với xe đầu kéo sơmi - rơmoóc, tổng trọng tải từ 45 tấn lên 48 tấn cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM còn cho biết, khoảng 80% xe chuyên dụng chở container hàng ngày buộc phải vi phạm pháp luật về tải trọng cầu, thậm chí họ phải đứng trước lựa chọn chấp nhận xử phạt nặng hoặc dừng xe chờ phá sản. Bởi đường được cắm biển báo tải trọng trục còn cầu lại cắm biển tải trọng cầu. Căn cứ vào các biển hướng dẫn đó, các xe chuyên dụng chở container được phép đi trên các tuyến đường sẽ rất dễ bị “bắt” lỗi khi trót qua cây cầu trọng tải thấp dù đó là đường độc đạo. Ông Trung lấy dẫn chứng tại tuyến đường “huyết mạch Cảng Cát lái (cảng giao nhận hàng hóa lớn nhất cả nước hiện nay) có cây cầu Suối Cái chỉ có tải trọng 20 tấn, cầu Sài Gòn ở mức 25 tấn… Sự vênh nhau này đặt doanh nghiệp vào thế... chấp nhận vi phạm vì chỉ riêng xe không tải đã có trọng lượng 18 tấn.
Thêm rào chắn… thủ tục
Với việc kinh doanh vận tải taxi, theo Khoản 4, Điều 15, nghị định 91 lại quy định “Xe taxi phải đăng ký một màu sơn thống nhất”. Quy định này có phần hài hước nếu so giữa số lượng các hãng taxi với số lượng màu sơn có thể có. Lý ra, về điểm này, nghị định chỉ cần quy định xe taxi phải có logo hoặc màu sơn đặc trưng để dễ phân biệt là được.
Chưa hết, nhiều quy định tại Thông tư 14/2010 cũng gây nhiều thủ tục phiền hà và đi ngược lại tiến trình cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Chẳng hạn như, liên quan đến “đăng ký bổ sung xe khai thác tuyến” hay “khi thay thế xe khai thác tuyến vận tải hành khách cố định”, Hiệp hội kiến nghị, quy định cần theo hướng tạo sự chủ động trong điều động xe. Ví dụ khi lượng khách tuyến này quá ít, doanh nghiệp có thể chuyển từ xe 35 chỗ xuống xe 24 chỗ và ngược lại.
Tại cuộc khảo sát các doanh nghiệp vận tải mới đây do VCCI và Bộ GTVT thực hiện, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cùng với việc gia tăng các phương tiện giao thông, các lỗi vi phạm hành chính cũng quá nhiều. Chính vì vậy, việc tạm giữ là không cần thiết. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, phương tiện vận tải là “vật vô tri vô giác” không phải là đối tượng vi phạm. Vì vậy chỉ cần tạm giữ phương tiện trong những trường hợp cần thiết để phục vụ cho công tác điều tra vụ việc như quy định tại các điều 46 và khoản 3 điều 57 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính là đủ. Không cần phải tạm giữ trong các trường hợp khác, hạn chế gây phiền hà, thiệt hại cho doanh nghiệp.
Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, từ 16/11/2010, nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải bắt đầu bị “gọt”. Tuy nhiên, trước mắt mới chỉ dừng lại ở việc cấp phù hiệu xe taxi hay việc ngừng khai thác tuyến xe mà chưa đi vào giải quyết thực chất những bức xúc của doanh nghiệp. Chính vì vậy, những mắc mớ của doanh nghiệp tại hội nghị vẫn rất nhiều và... rất cũ!
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com