Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ấn Ðộ hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân

Những năm gần đây, Ấn Ðộ chú trọng dành ngân sách đầu tư hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, trong đó ưu tiên tăng cường khả năng chiến đấu trên biển và trên không.

Theo kế hoạch này, mới đây, Hải quân Ấn Ðộ đã tiếp nhận ba máy bay tiêm kích MIG-29K/KUB đầu tiên do Tập đoàn chế tạo máy bay "MIG" của Nga chế tạo. Ba máy bay trên, gồm hai chiếc tiêm kích chiến đấu một chỗ ngồi MIG-29K và một máy bay huấn luyện chiến đấu hai chỗ ngồi MIG-29KUB, sẽ được trang bị cho tàu sân bay mang tên "Ðô đốc Gorshkov" có tải trọng 44.570 tấn mà Ấn Ðộ mua của Nga và đang được phía Nga hiện đại hóa. Sau khi chuyển cho Ấn Ðộ, tàu sân bay "Ðô đốc Gorshkov" sẽ mang tên "Vikramaditya".

Các máy bay tiêm kích đa chức năng MIG-29K/KUB hiện được coi là loại máy bay hiện đại nhất trang bị cho hải quân trên thế giới. Loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư này có khả năng tác chiến trên không cả ban ngày và ban đêm, trong mọi điều kiện thời tiết, được mệnh danh là "kẻ hủy diệt" đối với các tàu chiến và tàu ngầm của đối phương. Máy bay dành cho Hải quân Ấn Ðộ được trang bị những hệ thống mới nhất, trong đó có ra-đa mới, vũ khí bổ sung và thiết bị điện đàm hoàn thiện, và lớp phủ chống rỉ đặc biệt. Bên cạnh những hệ thống trang bị của Nga, máy bay sẽ được lắp đặt 13 sản phẩm do Ấn Ðộ sản xuất.

Tổng Giám đốc Tập đoàn "MIG" Mikhail Pogosyan cho biết, trong thời gian tới tập đoàn này sẽ tiếp tục chuyển cho Hải quân Ấn Ðộ các máy bay tiêm kích MIG-29K/KUB mới. Theo hợp đồng ký ngày 20-1-2004, Tập đoàn "MIG" sẽ cung cấp cho Ấn Ðộ tổng cộng 12 máy bay tiêm kích MIG-29K và bốn máy bay tiêm kích MIG-29K/KUB, đồng thời huấn luyện các phi công và nhân viên kỹ thuật Ấn Ðộ điều khiển và bảo dưỡng thành thạo các máy bay này, cũng như chịu trách nhiệm cung cấp thiết bị và tổ chức bảo dưỡng nói chung. Trong đó, hợp đồng cũng quy định việc phía Nga bảo đảm cung cấp cho Hải quân Ấn Ðộ các mô hình tập bay và các hệ thống huấn luyện tương tác trên đất liền và trên biển.

Hải quân Ấn Ðộ đã đặt tên cho liên đội MIG-29K hiện đại này là "Báo Ðen". Các máy bay chiến đấu này sẽ được biên chế tại một sân bay ở bang Goa, trên bờ biển phía Tây của Ấn Ðộ, cho đến khi tàu sân bay "Ðô đốc Gorshkov" gia nhập Hải quân Ấn Ðộ. Tạp chí Thời báo Ấn Ðộ dẫn lời một nguồn tin thuộc quân đội nước này cho biết, Ấn Ðộ có thể sẽ thanh toán khoảng 2,5 tỷ USD để nhận tàu sân bay "Ðô đốc Gorshkov" vào đầu năm 2013. Trước đó, con tàu này sẽ trải qua 18 tháng thử nghiệm trên biển do Hải quân Nga thực hiện để bảo đảm tất cả các hệ thống hoạt động tốt.

Theo hợp đồng ký kết giữa hai Chính phủ Nga và Ấn Ðộ vào tháng 1-2004 với tổng trị giá gần 1,5 tỷ USD, Nga tiến hành nâng cấp tàu sân bay "Ðô đốc Gorshkov" trước khi chuyển giao cho Ấn Ðộ. Tàu sân bay này sẽ được trang bị máy bay chiến đấu do Nga sản xuất. Số tiền 1,5 tỷ USD trên  gồm 970 triệu USD chi cho việc nâng cấp con tàu này và 530 triệu USD chi cho việc cung cấp 16 máy bay chiến đấu MIG-29 (12 máy bay cất cánh trên boong MIG-29K và bốn máy bay MIG-29KUB) cũng như máy bay lên thẳng chống tàu ngầm Ka-31 và Ka-28. Theo kế hoạch ban đầu, tàu sân bay này sẽ gia nhập Lực lượng Hải quân Ấn Ðộ trước tháng 8-2008. Tuy nhiên, vì những lý do kỹ thuật, thời hạn giao tàu bị thay đổi. Do những đánh giá chưa đầy đủ về chi phí nâng cấp tàu nên Nga đã đề nghị tăng giá trị hợp đồng lên thêm 1,2 tỷ USD. Chính phủ Ấn Ðộ đã đồng ý xem xét đề nghị trên của Nga.

Ngoài hợp đồng cung cấp tàu sân bay "Ðô đốc Gorshkov" và các máy bay chiến đấu kèm theo cho Hải quân Ấn Ðộ nói trên, Bộ Quốc phòng Ấn Ðộ (MoD) và Tập đoàn hàng không quân sự Nga (RAC) cũng đã ký hợp đồng bảo dưỡng, nâng cấp "trọn đời" loại máy bay chiến đấu MIG-29 đang phục vụ trong lực lượng Không quân Ấn Ðộ. Hiện Không quân Ấn Ðộ đang sở hữu khoảng 90 máy bay chiến đấu MIG-29 - mua của Nga từ những năm cuối thập kỷ 80. Theo hợp đồng, Nga có trách nhiệm nâng cấp máy bay MIG-29 cho Không quân Ấn Ðộ để bảo đảm tuổi thọ trung bình của mỗi chiếc là 40 năm với 3.500 giờ bay. Hiện tại, Không quân Ấn Ðộ có năm phi đội MIG-29, mỗi phi đội gồm 18 chiếc. Việc nâng cấp bao gồm kế hoạch cải tiến liên tục MIG-29 bằng những ứng dụng điện tử hàng không ưu việt nhất; tăng cường khả năng tiến công mục tiêu di động và cố định dưới mặt đất với các loại vũ khí có độ chính xác cao; lắp đặt bom thông minh, ra-đa thăm dò đa chức năng, thiết bị tương thích với công nghệ không gian, tên lửa không đối không cải tiến và tên lửa dẫn đường. Theo kế hoạch, chiếc MIG-29 nâng cấp đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Ấn Ðộ vào tháng 3-2010.

Hiện, Bộ Quốc phòng Ấn Ðộ có kế hoạch chi 35 tỷ USD trong vòng năm năm để trang bị lại toàn bộ lực lượng vũ trang Ấn Ðộ, trong đó có 10,4 tỷ USD dùng để mua 126 máy bay chiến đấu hiện đại nhất. Trong số các loại máy bay chiến đấu mà Không quân Ấn Ðộ đang xem xét, MIG-35 của Nga là một trong những ứng cử viên hàng đầu. MIG-35 là loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, được nâng cấp từ loại MIG-29M và MIG-29K/KUB. MIG-35 được trang bị động cơ phản lực RD-33 có khả năng cơ động cao, sức đẩy lớn. MIG-35 có thể đạt tốc độ 2.750 km/giờ, tầm bay lên tới 4.000 km và trần bay là 18.900 m. MIG-35 cũng được trang bị những thiết bị điện tử thế hệ mới nhất, có giàn ra-đa cực mạnh, có hệ thống quang điện tử dùng để tiến công trên không và mặt đất và mang theo những vũ khí hiện đại nhất. MIG-35 có khả năng "tàng hình", với cánh và cấu trúc thân máy bay được làm bằng sợi các-bon và vật liệu pô-ly-me com-pô-sit, được trang bị ra-đa bao phủ gây nhiễu, giảm bớt hơi nóng và ra-đa xung đóp-plơ thế hệ thứ năm với ăng-ten quét mảng đa chiều có thể theo dõi và đồng thời điều khiển tiến công 20 mục tiêu. Máy bay có tám giá treo tên lửa, có thể mang tên lửa không đối không tầm xa và tên lửa không đối đất có điều khiển, và MIG-35  còn được trang bị một khẩu pháo 30 mm.

(Theo Ðiền Tâm // Báo Nhân dân điện tử)

  • Philippines nỗ lực ổn định tình hình sau vụ thảm sát
  • Ấn Độ: Giá lương thực tăng kỷ lục trong vòng 10 năm qua
  • Các đập nước đe dọa vùng Mekong
  • Philippines báo động núi lửa Mayon phun trào
  • “Tăng nhiệt” tranh chấp thương mại Trung Quốc - EU
  • Lợi nhuận ngành công nghiệp Trung Quốc cao hơn trước khủng hoảng
  • Chính trường Pakixtan: Một quyết định, nhiều nguy cơ
  • Trung Quốc lại trả đũa thương mại đối với EU