Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

ASEM 9: Lùi một bước, tiến hai bước?

Việt Nam không lên tiếng như Philippines đòi đưa vấn đề Biển Đông vào nghị trình ASEM-9 được dư luận cho là thái độ thích hợp.

 

Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đã được Philippines nêu lên tại thượng đỉnh ASEM-9, trong lúc Việt Nam quyết định im lặng lần này.

Lùi một bước, tiến hai bước?

"Việt Nam biết rõ tầm nghiêm trọng của vấn đề Biển Đông và có kế hoạch của mình để giải quyết. Việt Nam luôn ý thức được tình hình thực tế của một nước vốn có mối quan hệ tế nhị đối với Trung Quốc phản ảnh qua những vấn đề bộc lộ hay tiềm ẩn như phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, ngư trường, hải lộ giao thương trên Biển Đông, biên giới trên đất liền... Đó là những vấn đề mà Việt Nam đã nỗ lực và lần lượt giải quyết với Trung Quốc". Đấy là đánh giá của bình luận gia  Kavi Chongkittavorn, được coi là một chuyên gia nổi tiếng về Đông Nam Á và ASEAN ở Thái Lan.

Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông đã được Philippines nêu lên tại thượng đỉnh ASEM-9, trong lúc Việt Nam, từng cùng Philippines chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ nhất, không đề cập tới vấn đề này. Tổng thống Benigno Aquino đã nêu vấn đề Biển Đông trong các cuộc gặp song phương với lãnh đạo của Liên hiệp Châu Âu cũng như với Tổng thống Thụy Sĩ và Thủ tướng Na-uy tại thủ đô Vientiane của Lào.

Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines cho biết ông Aquino tiếp tục nêu vấn đề Biển Đông tại cuộc họp toàn thể ở Thượng đỉnh Á-Âu ASEM cũng như tại các cuộc thảo luận song phương với lãnh đạo của Nhật Bản và Italy. Thụy Sĩ, EU, và Na-uy đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với lập trường của Philippines rằng xung đột và tranh chấp Biển Đông nên được giải quyết ôn hòa dựa theo luật quốc tế.

Trả lời câu hỏi về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, tác giả những bài viết liên quan đến Biển Đông trên bình diện pháp lý, nhận định: Theo quan điểm cá nhân, chúng ta không thể nào đứng về một hay về vài quốc gia nào cả. Ở đây, giải quyết vấn đề tranh chấp không chỉ liên quan tới một hay hai nước mà ảnh hưởng tới cả toàn bộ hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Để giải quyết dứt điểm đòi hỏi một quá trình thời gian tương đối dài.

Trước mắt, Việt Nam đang cùng với các nước ASEAN khác tích cực chuẩn bị cho các hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan. Việt Nam có thể đã lùi một bước để tiến hai bước. Cùng với ASEAN, Việt Nam phấn đấu duy trì hòa bình và ổn định khu vực, thúc đẩy tiến tới một COC trên Biển Đông. Nếu ASEAN từng bước thúc đẩy được quá trình này thì đó là một trong những thành công của ASEAN trong khi chưa giải quyết được tranh chấp thì phải quản lý được xung đột và mâu thuẫn phát sinh.

"Múa gậy..." khi không có Mỹ

ASEM-9 là một thượng đỉnh quan trọng, bởi vì Trung Quốc có cơ hội để khẳng định mình như là một cường quốc tất yếu và có trách nhiệm. Cuộc khủng hoảng nợ công trong một số nước châu Âu và áp lực đối với đồng euro đã buộc Liên hiệp châu Âu, cho dù vừa được trao tặng giải Nobel Hòa bình, phải khiêm tốn. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng ở châu Âu đã ảnh hưởng đến các nền kinh tế tại châu Á, kể cả Trung Quốc. Với sức mạnh kinh tế và tiền tệ, Trung Quốc biết rằng phản ứng của họ trước các khó khăn kinh tế và tài chính của châu Âu có ý nghĩa quyết định.

Bắc Kinh biết là các nước châu Âu sẽ biết ơn, nếu Trung Quốc chấp nhận hợp tác để làm giảm bớt những khó khăn kinh tế-tài chính của châu Âu. Do đó, đây là dịp để Bắc Kinh củng cố vị trí của mình tại diễn đàn Âu-Á và trong tương lai, Trung Quốc có thể yêu cầu châu Âu hỗ trợ khi cần, ví dụ nhưng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.


Ảnh AFP

Từ nhiều tháng qua, tình hình tại Biển Đông và biển Hoa Đông trở nên căng thẳng do các tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực. Do Hoa Kỳ không hiện diện ở diễn đàn này, Trung Quốc sẽ tìm mọi cách ngăn chặn ASEM chính thức đề cập đến các hồ sơ này.

Bắc Kinh biết là một số nước như Philippines hay Việt Nam sẽ nếu các vấn đề này trong các cuộc gặp song phương. Nhưng điều cơ bản đối với Trung Quốc là những vấn đề này không được nêu ra trong phiên họp toàn thể của Hội nghị Thượng đỉnh và nhất là không có một câu chữ liên quan nào được đưa vào thông cáo chung cuối cùng của Thượng đỉnh. Chính vì thế, Bắc Kinh tìm mọi cách hướng chương trình nghị sự của Hội nghị vào hồ sơ kinh tế, thế mạnh của Trung Quốc.

Lập luận của Bắc Kinh có thể như sau: Thủ tướng Ôn Gia Bảo tới dự Thượng đỉnh, vài ngày trước khi khi mạc Đại hội toàn quốc đảng Cộng sản Trung Quốc, một cử chỉ quan trọng mà ban lãnh đạo Lào đánh giá rất cao. Sự kiện này lại càng có ý nghĩa hơn, vì đây là lần đầu tiên, Lào tổ chức một Thượng đỉnh có quy mô lớn như vậy và chính quyền Viên Chăn sẽ cố làm mọi cách để tránh làm cho Thượng đỉnh thất bại. Dường như Trung Quốc hiện trong vị thế làm chủ được chương trình nghị sự của Thượng đỉnh ASEM. Điều này trái ngược hẳn với các Thượng đỉnh ASEM trước đây khi mà châu Âu ở trong thế mạnh, đưa ra những bài học cho châu Á./.

 


Tác giả: Hải Đăng
Theo Tuần Việt Nam

  • Nhật Bản mở rộng kích thích kinh tế
  • Kế hoạch hợp nhất kinh tế của ASEAN là quá tham vọng?
  • Indonesia - gương mặt mới của câu lạc bộ BRICS?
  • Hàn Quốc: Tấn công chaebol?
  • Châu Á: Ngập tiền mặt, lo lạm phát
  • Trung Quốc chọn đối thoại hay 'đấu súng'?
  • Báo Trung Quốc: Vì sao lương công nhân thấp?
  • Obama với Trung Quốc: Tiết lộ của người trong cuộc