EIU cho rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thường được so sánh với Liên minh châu Âu (EU) khi xét tới nỗ lực hội nhập kinh tế và chính trị khu vực, đang tiếp tục với kế hoạch thiết lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015.
Tuy nhiên, kế hoạch này có thể sẽ không thực hiện được đúng thời hạn khi xét tới những thách thức về việc đạt được sự đồng thuận trong khối với các thành viên “không đồng nhất”, sự thống nhất về các quy định còn hạn chế và thiếu một chương trình chi tiêu chung kiểu EU để cải thiện các điều kiện xã hội, kinh tế tại các quốc gia nghèo trong khối.
Ngoài ra, cũng còn một số trở ngại đáng kể đối với việc hợp nhất các dịch vụ và giảm các hàng rào phi thuế quan, và ASEAN hiện vẫn không có một kế hoạch nào cho việc hợp nhất tiền tệ kiểu EU. Các nhân tố này cho thấy rằng những bước tiến hướng tới sự hợp nhất kinh tế tại ASEAN vẫn còn nhiều khó khăn.
Trên lý thuyết, một tổ chức khu vực có số dân khoảng 600 triệu người và tổng GDP khoảng 2.000 tỉ USD có thể có một sức nặng nhất định trong các vấn đề kinh tế toàn cầu và có thể đối trọng với Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, ASEAN trước nhất là một khối chính trị, không giống như EU vốn bắt đầu tập hợp bằng các kế hoạch hợp nhất về kinh tế.
Hố ngăn cách về mức độ phát triển kinh tế giữa các nước thành viên rộng nhất là giữa sáu thành viên ban đầu gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Brunei và bốn thành viên gần đây gồm Myanmar, Việt Nam, Lào và Campuchia cũng là một cản ngại hợp nhất.
Hệ thống chính trị của các quốc gia thành viên cũng đa dạng, trải rộng từ chế độ quân chủ như Brunei, chế độ độc tài quân sự cũ đang cải cách như Myanmar, chính thể cộng sản như Việt Nam, các chính thể cựu cộng sản như Lào, Campuchia cho tới các hệ thống dân chủ hơn.
Xét về mặt dân số, Indonesia là quốc gia trong nhóm đông dân số nhất, trong khi nước nhỏ Brunei chỉ có dân số vài trăm ngàn người. Các hệ thống kết nối giao thông đường sắt và đường bộ trong khu vực không đồng đều. Các loại ngôn ngữ văn hóa cũng rất đa dạng, khác biệt.
Cuối cùng, các nước thành viên hiện có những tranh chấp địa chính trị nghiêm trọng, nhất là liên quan tới các tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên Biển Đông. Dù vậy, bất chấp cuộc khủng hoảng nợ đang tiếp diễn tại khu vực đồng euro (Eurozone), ASEAN nhận ra sự cần thiết phải hướng tới việc hợp nhất kinh tế nhằm duy trì sức cạnh tranh của khối đối với Trung Quốc và Ấn Độ.
Kế hoạch AEC vạch ra là một cơ sở sản xuất và một thị trường đơn nhất trong khu vực, với một dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ và vốn đầu tư giống như mô hình EU. Kế hoạch AEC cũng kêu gọi thực hiện dòng chảy tự do của “lao động kỹ năng” nhưng không đề cập cụ thể tới việc tự do hoàn toàn cho dòng chảy lao động nói chung.
Thiếu sót này làm nổi bật một số khó khăn chính trị trong khu vực, bởi các quốc gia nhỏ hơn nhưng giàu có hơn như Singapore và Brunei sẽ không muốn có một dòng chảy ồ ạt các lao động không có kỹ năng bước vào nước mình.
Sự hợp nhất kinh tế đầy đủ sẽ đòi hỏi phải dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Một vấn đề khó khăn hơn nữa là chỉ có 25% tổng xuất khẩu của ASEAN tới các nền kinh tế trong khối vào thời điểm năm 2010. Một số quốc gia thành viên đã đề nghị trì hoãn lịch trình thực hiện AEC, theo đó lùi lại vào cuối năm 2015 thay vì đầu năm 2015, thậm chí là lùi lại sau năm 2015, và quyết định liên quan tới vấn đề này sẽ được đưa ra hội nghị thượng đỉnh tháng 112012 tới đây.
Nhiều khả năng sẽ có những tiến triển đạt được trong thời gian Myanmar làm chủ tịch, với sự trợ giúp của Ban Thư ký ASEAN trong vai trò hoạch định cũng sẽ có nhiều công việc được thực hiện khi Malaysia làm chủ tịch ASEAN vào năm 2015. Rốt cuộc, các kế hoạch của ASEAN ít tham vọng hơn so với của EU và không có kế hoạch nào về việc thành lập một liên minh tiền tệ. Trước mắt, nhiều khả năng ASEAN sẽ vẫn là một sự tập hợp các nền kinh tế khác biệt thêm một thời gian nữa.
Theo T.L
Doanh nhân Sài Gòn