Dòng tiền đang đổ vào châu Á tạo động lực cho thị trường cổ phiếu, tiền tệ và thị trường bất động sản, đồng thời tạo sức ép lạm phát quay trở lại sớm.
Dòng tiền này là kết quả của các biện pháp kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương, gồm cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Cho rằng nền kinh tế vẫn tăng trưởng một cách khiêm tốn và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng lên, nên FED sẽ tiếp tục thực hiện chương trình mua thêm 40 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Chính phủ Nhật Bản đang trong giai đoạn cuối cùng hoàn tất chính sách kinh tế khẩn cấp sử dụng nguồn kinh phí dự phòng trị giá 400 tỷ yên (5 tỷ USD) để kích thích nền kinh tế đang hồi phục chậm chạp sau trận động đất, sóng thần hồi tháng 3/2011. Mức lãi suất thấp đã thu hút các dòng tiền đổ về châu Á nhằm tìm kiếm lợi nhuận đầu tư tốt hơn.
Theo Ngân hàng Standard Chartered, Indonesia đã thu hút một dòng vốn ròng khoảng 1,3 tỷ USD trái phiếu trong tháng 9, so với 540 triệu USD vào tháng 8. Hàn Quốc cũng chứng kiến dòng vốn ròng 1,4 tỷ USD tháng 9, so với 2,4 tỷ USD tháng 8. Standard Chartered còn cho biết, luồng vốn đầu tư sang châu Á sẽ tăng tốc “nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục ổn định và đồng nhân dân tệ thiết lập một xu hướng tăng giá”.
Một số thị trường chứng khoán nhỏ của khu vực đã được hưởng lợi lớn. Chẳng hạn, thị trường chứng khoán Thái Lan tăng 28% trong năm nay, Việt Nam tăng 24% và Ấn Độ là 23%. Hồng Kông đạt mức cao nhất trong 14 tháng qua. Chỉ có thị trường Trung Quốc thấp hơn do các lo ngại về tăng trưởng chậm của một nền kinh tế khổng lồ.
Hồng Kông và Singapore, hai trong số các nền kinh tế phát triển nhất trong khu vực, cũng đã thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài bơm vào thị trường tiền tệ, chứng khoán và cả bất động sản.
Theo đó, giá nhà tại Hồng Kông đã tăng kỷ lục, sau khi tăng gấp đôi trong vòng bốn năm qua, khiến Bộ trưởng Tài chính John Tsang cảnh báo thị trường bất động sản Hồng Kông “đã bị ngắt kết nối nghiêm trọng” với nền kinh tế đã tăng trưởng chậm lại. Ông John Tsang khuyến cáo có thể áp đặt các biện pháp để hạn chế đà tăng giá bất động sản.
Tại Thái Lan, ngân hàng trung ương thiết lập các quy định mới để khuyến khích các luồng vốn và cân bằng dòng tiền bằng cách nới lỏng các hạn chế đối với công ty niêm yết, cá nhân đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu trong nước bằng ngoại tệ từ nước ngoài.
Các nhà hoạch định chính sách của Singapore cũng quan tâm đến giá bất động sản cao khi đã tăng 56% kể từ quý II/2009. Cả Hồng Kông và Singapore đã tăng cường nỗ lực trong vài tuần qua để thắt chặt các quy định về cho vay mua nhà nhằm cố gắng hạ nhiệt thị trường.
“Dù quy mô tương đối nhỏ và nền kinh tế mở nhưng cả Singapore và Hồng Kông đều bị ảnh hưởng bởi chính sách nới lỏng tiền tệ ở Mỹ. Điều này có thể làm tăng rủi ro của giá tài sản cũng như áp lực lạm phát”, ông Andrew Colquhoun, tại Tổ chức Xếp hạng Fitch, phân tích.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mới đây dự báo, Indonesia sẽ tăng trưởng trên 6% và Philippines, Thái Lan hơn 5%, Hàn Quốc 2,7% trong năm nay. Lạm phát ở Đông Nam Á năm 2013 được dự báo tăng 4%. |
Trong các thị trường tiền tệ, đồng đô la Singapore tăng mạnh nhất châu Á, gần 6% trong năm nay so với đồng đô la Mỹ. Các nước khác trong khu vực Đông Nam Á cũng cảm thấy làn sóng của thanh khoản trong nền kinh tế toàn cầu.
Các dòng tiền cũng được thấy trong đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chẳng hạn, FDI vào Indonesia tăng kỷ lục 22%, tương đương 5,9 tỷ USD. Trong khi đó, theo dữ liệu của Dealogic, thị trường trái phiếu của khu vực Đông Nam Á đã ghi nhận phát hành chưa từng có là 158 tỷ USD trong năm nay, tăng từ 112,7 tỷ USD trong năm ngoái.
Một số nhà kinh tế lo ngại dòng tiền lớn này sẽ khiến giá cả tăng vọt và dẫn đến cuộc đua lãi suất bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế. “Lạm phát sẽ quay lại vào năm tới và đây là rủi ro hàng đầu của khu vực”, ông Frederic Neumann, đồng đứng đầu nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC, dự báo.
Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia là những nền kinh tế dễ bị lạm phát cao nhất, trong khi Trung Quốc, với dòng vốn đầu tư bị chậm lại, sẽ có ít ảnh hưởng về giá cả.
Trước nguy cơ lạm phát, theo dự báo của các ngân hàng HSBC, UBS, ANZ, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia có thể nâng lãi suất vào năm sau. Các ngân hàng trung ương Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chờ một thời gian nữa bởi đà tăng trưởng kinh tế còn rất mong manh.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com