Chính phủ Indonesia đã thành công trong việc kiềm chế tỷ lệ lạm phát và giữ nhịp độ tăng trưởng đều đặn ở quanh con số 6% nhờ cú hích từ tiêu dùng nội địa, tăng trưởng tín dụng và đầu tư trong nước. Với tốc độ đó, nhiều khả năng BRICS sẽ sớm kết nạp quốc gia này làm thành viên thứ 6 của mình.
Trong khi tăng trưởng của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc - những nền kinh tế mới nổi, vốn là đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới hiện nay đang có dấu hiệu chậm lại thì Indonesia, quốc gia đông dân nhất khu vực Đông Nam Á lại đang trở thành điểm sáng của bức tranh kinh tế khu vực. Theo giới phân tích, Indonesia có được sự tăng trưởng khá ấn tượng một phần chủ yếu là nhờ sự gia tăng nhanh chóng về số lượng của giới trung lưu, kéo theo sức mua nội địa tăng mạnh và khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Tiêu dùng nội địa - bài học thành công
Không giống như đa số các nền kinh tế mới nổi khác vốn phụ thuộc vào việc xuất khẩu hàng hóa để tăng trưởng, kinh tế Indonesia lại duy trì được đà tăng trưởng và có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư thế giới nhờ tiêu dùng nội địa. Đây là một đặc điểm riêng quan trọng của nền kinh tế quốc gia này, giúp Indonesia không bị quá phụ thuộc vào thị trường bên ngoài để tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay của kinh tế thế giới.
Chính phủ Indonesia đã thành công trong việc kiềm chế tỷ lệ lạm phát và giữ nhịp độ tăng trưởng đều đặn ở quanh con số 6% trong nhiều năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì trong các năm sắp tới.
Nhờ vậy, ngay trong thời kỳ khủng hoảng, bức tranh chung của kinh tế Indonesia vẫn rất tươi sáng. Theo số liệu thống kê năm 2011, GDP của Indonesia đạt gần 850 tỷ USD, xếp thứ 16 thế giới; tăng trưởng đạt 6,5%; tỷ lệ lạm phát 3,8%; thất nghiệp là 6,3%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.500 USD.
Theo dự báo trong tháng 10 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng của Indonesia sẽ đạt hơn 6% trong năm nay, một con số thuộc hàng cao nhất khu vực Đông Nam Á, trong khi đó hai nền kinh tế lớn khác là Philippin và Thái Lan sẽ chỉ khoảng 5%. Còn McKinsey&Co cho rằng Indonesia sẽ trở thành nền kinh tế thứ 7 thế giới vào năm 2030 và giới trung lưu của nước này sẽ có thêm 90 triệu người, so với con số 45 triệu người hiện nay. Với tốc độ đó, nhiều khả năng BRICS (nhóm các nền kinh tế mới nổi) sẽ phải sớm kết nạp quốc gia vạn đảo làm thành viên thứ 6 của mình.
Indonesia có nhiều mỏ khoáng sản lớn như mỏ vàng lớn nhất thế giới Grasberg. Quốc gia vạn đảo có nguồn hải sản đặc biệt phong phú mà nếu được khai thác hết có thể thu về 1.200 USD/năm. Ngoài ra, Indonesia hiện là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về than đá và dầu cọ. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang rất quan tâm tới nguồn khoáng sản của nước này và đang đổ nhiều vốn vào lĩnh vực khai khoáng với hy vọng sẽ đưa Indonesia trở thành quốc gia xuất khẩu thiếc, cùng với than đá, đứng đầu thế giới. Ngành ngân hàng và lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng cũng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh.
Các ông lớn trong lĩnh vực này là Unilever Indonesia, Astra, hãng sản xuất xe hơi lớn nhất Indonesia, nắm giữ nhiều cổ phần trong các nhà băng Indonesia là một trong nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ sự phát triển của giới trung lưu. Hay Quỹ đầu tư Aberdeen đã tăng trưởng 20% trong vòng 1 năm trở lại đây nhờ đầu tư vào các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ như Holcim, chi nhánh sản xuất xi măng của Thụy Sỹ tại Indonesia hay Multi Bintang Indonesia, một chi nhánh của Heineken. Cổ phiếu của hai công ty này đã tăng trưởng rất ấn tượng trong năm qua, lần lượt là 28% và 96%
Ba cú hích cho tăng trưởng của Indonesia
Trở lại câu chuyện tăng trưởng, năm 2011 và 2010, GDP của Indonesia đạt được lần lượt là 6,5% và 6,2% nhờ cú hích từ tiêu dùng nội địa, tăng trưởng tín dụng và đầu tư trong nước. Điều này đã đưa Indonesia trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong nhóm G20 và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế.
Khía cạnh triển vọng nhất của câu chuyện tăng trưởng của Indonesia đó là tiêu dùng nội địa chiếm tới 60% tăng trưởng GDP, còn xuất khẩu đóng góp 20%, trong đó xuất khẩu hàng hóa chiếm khoảng 70%. Dân số là một thế mạnh khác của Indonesia, với tỷ lệ dân số trẻ (dưới 35 tuổi) chiếm tới 61% .
Cùng với nhân tố sức tiêu dùng nội địa, một động lực khác cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Indonesia chính là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, dòng vốn FDI vào Indonesia, mặc dù có những dao động nhất định tùy từng năm, nhưng về cơ bản đã tăng gấp hơn 15 lần trong 10 năm trở lại đây.
Các chuyên gia kinh tế dự đoán dòng vốn FDI vào Indonesia có thể đạt 19,1 tỷ USD trong năm 2012 chủ yếu rót vào các lĩnh vực khai khoáng và dược phẩm. Chỉ riêng trong quý 2 năm nay, dòng vốn FDI vào Indonesia đã tăng 30%, bất chấp một số rào cản và chính sách bảo hộ thương mại mà chính phủ nước này tạo ra như các điều luật mới về khai khoáng, hạn chế phần trăm sở hữu của nước ngoài trong các mỏ khoáng sản. Indonesia hiện đang đứng hàng thứ tư thế giới về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, một mặt tối của nền kinh tế Indonesia đó là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng. Một ví dụ điển hình nhất là trong suốt 5 năm cầm quyền của Tổng thống Bambang chỉ có 125 km đường được xây dựng mới so với 5.000 km trong cùng thời gian đó mà Trung Quốc phát triển được. Trong 5 năm tới, Indonesia dự kiến đầu tư 250 tỷ USD để khắc phục điểm hạn chế này.
Trong thời gian tới, châu Á tiếp tục là khu vực tăng trưởng mạnh nhất thế giới nhờ có nhiều nền kinh tế đang phát triển năng động. Trao đổi thương mại giữa các nước châu Á với nhau chiếm 60% tổng kim ngạch mậu dịch của châu Á, góp phần kìm hãm đà suy thoái của thế giới. Theo các nhà phân tích và nhận định của các định chế tài chính toàn cầu, những nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Ấn Độ, Brasil, Indonesia, Nga và Trung Quốc sẽ chiếm 1/2 tăng trưởng toàn cầu vào năm 2025.
Ngày 15/10/2012, tại Diễn đàn Phát triển Xuất khẩu toàn cầu WEDF diễn ra ở Jakarta, Tổng giám đốc WTO ông Pascal Lamy nhận định các nền kinh tế phát triển như khu vực châu Âu, Nhật và Mỹ sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong ít nhất 5 năm nữa, kéo theo sự suy giảm của tăng trưởng toàn cầu. WTO dự báo tăng trưởng trao đổi thương mại toàn cầu trong năm 2012 chỉ đạt khoảng 2,5% so với dự báo trước đây là 3,7% và chỉ đạt khoảng 4,5% so với dự báo cũ là 5,6%. Do vậy, để góp phần cứu vãn tình thế, điều mà các nền kinh tế đang lên như Indonesia cần làm là tăng cường hợp tác Nam - Nam bằng đầu tư qua lại, ông Lamy nói.
Tác giả: A Vũ
Theo VEF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com