Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Châu Á đã bớt lo hơn về lạm phát?

Tờ Wall Street Journal cho biết, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á là Indonesia đã trở thành quốc gia mới đây nhất cho thấy đã bớt lo lắng về lạm phát - Ảnh: Reuters.

Ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là tại khu vực châu Á, dường như sẽ có thái độ mềm mỏng hơn trong vấn đề tăng lãi suất và các biện pháp thắt chặt khác trong những tháng sắp tới, khi mà tốc độ tăng trưởng và những áp lực lạm phát trên phạm vi toàn cầu cùng chùng xuống.

Tờ Wall Street Journal cho biết, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á là Indonesia đã trở thành quốc gia mới đây nhất cho thấy đã bớt lo lắng về lạm phát. Trong cuộc họp ngày 9/6, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã duy trì lãi suất cơ bản ở mức 6,85%. Trong tuyên bố đi kèm quyết định này, Ngân hàng Trung ương Indonesia cho biết, “các áp lực lạm phát đang suy giảm”, đồng thời không còn sử dụng những ngôn từ phát tín hiệu cho thấy sẽ phản ứng bằng lãi suất đối với các áp lực về giá cả.

Cách đây chưa lâu, các nhà hoạch định chính sách tại các nền kinh tế mới nổi còn xem làm phát là mối đe dọa hàng đầu. Tuy nhiên, sự đi xuống của giá lương thực và nhiên liệu, cùng với những dấu hiệu về sự giảm tốc tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc, đang khiến các nhà chức trách đánh giá lại mối rủi ro đến từ giá cả.

“Các ngân hàng trung ương đã bắt đầu cân nhắc về việc có nên tăng lãi suất, mặc dù mới cách đây chỉ một tháng, chuyện lãi suất phải tăng là rõ rành rành”, ông Robert Subbaraman, một chuyên gia kinh tế của ngân hàng Nomura tại Hồng Kông phát biểu.

Sự chuyển biến trong quan điểm này của các nhà hoạch định chính sách khiến thị trường ít nhiều ngạc nhiên. Tại Ba Lan, một trong những nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở châu Âu, ngân hàng trung ương vừa tuyên bố sẽ ngừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ sau 4 lần tăng lãi suất kể từ đầu năm. “Việc kết thúc chuỗi tăng lãi suất đến sớm hơn dự kiến”, nhà giao dịch trái phiếu Bartlomiej Wit của công ty ING ở Warsaw nhận định.

Câu hỏi lớn nhất lúc này hướng về Trung Quốc. Một loạt biện pháp được Bắc Kinh áp dụng thời gian qua để hạ nhiệt tăng trưởng và chống lạm phát dường như đã phát huy tác dụng. Những con số công bố gần đây cho thấy, sản xuất công nghiệp và doanh số thị trường nhà đất nước này đang giảm tốc. Mặc dù vậy, dữ liệu về lạm phát do Chính phủ Trung Quốc công bố vẫn chưa cho thấy sự suy giảm, bởi vậy còn chưa rõ liệu chu kỳ thắt chặt chính sách của nước này sắp hoàn tất hay chưa.

Đi chậm lại trong thắt chặt chính sách vào thời điểm hiện nay đồng nghĩa với việc các ngân hàng trung ương có thể gặp khó khăn nhiều hơn trong chống lạm phát nếu tốc độ tăng trưởng lại bật lên vào cuối năm như dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế. Phần lớn các nền kinh tế mới nổi đều đang hoạt động với toàn bộ hoặc gần như toàn bộ công suất, gây áp lực đòi hỏi giá tiêu dùng và tiền lương gia tăng. Thêm vào đó, trong năm qua, một số ngân hàng trung ương cũng đã bị cho là chậm chân trong chuyện tăng lãi suất. Mặt khác, chậm tăng lãi suất có thể khiến tỷ giá đồng nội tệ tăng chậm hơn tại một số quốc gia.

“Chúng ta đều biết là chính sách tiền tệ có độ trễ, và các ngân hàng trung ương có thể chậm trễ nếu dừng lại vào lúc này. Ở châu Á nói chung, chính sách tiền tệ đã quá lỏng lẻo”, ông Subbraman nói.

Các chuyên gia kinh tế của Phố Wall tuyên bố sẽ đưa ra những điều chỉnh mới về dự báo lãi suất ở các nền kinh tế mới nổi. Sau động thái giữ nguyên lãi suất của Indonesia hôm 9/6, kinh tế gia Wellian Wiranto của Ngân hàng HSBC cho biết, có thể ông sẽ hạ mức dự báo về lãi suất của Indonesia trong những tháng tới.

Tăng trưởng tín dụng, nhất là ở khu vực châu Á, tiếp tục duy trì ở mức cao. Từ dầu năm đến nay, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nền kinh tế lớn duy nhất trong khu vực có mức tăng trưởng tín dụng suy giảm. Tuy nhiên, ở cả hai quốc gia này, mức tăng trưởng tín dụng vẫn cao hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa, cho thấy nền kinh tế đang dư thừa vốn vay.

Hai “đầu tàu” của lạm phát toàn cầu là giá lương thực và năng lượng đều đang hạ nhiệt. So với mức đỉnh từ đầu năm, giá dầu giờ đã giảm hơn 10%, hiện dao động quanh 100 USD/thùng. Giá lương thực cũng đi xuống. Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) hồi đầu tuần này cho hay, chỉ số giá lương thực toàn cầu đã giảm nhẹ trong tháng 5 so với tháng 4, mặc dù dự báo giá lương thực sẽ còn ở mức cao.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc hôm 10/6 này đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên 3,25% trong bối cảnh nền kinh tế nước này có tín hiệu giảm tốc, trong khi lạm phát vẫn cao. Số liệu tăng trưởng GDP quý 1 của Hàn Quốc sau khi điều chỉnh giảm còn 1,3%, so với mức 1,4% trong lần công bố đầu tiên. Tuy nhiên, lạm phát lõi ở nước này đạt 3,5% trong tháng 5, cao nhất trong gần 2 năm.

Tại Ấn Độ, quốc gia đã chống chọi với lạm phát cao bằng 9 lần tăng lãi suất kể từ năm 2010, các chuyên gia kinh tế bắt đầu có những dự đoán cho rằng, sau một lần tăng lãi suất nữa, Ngân hàng Trung ương Ấn có thể sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt này lại.

“Chúng tôi hiện tin là chu kỳ thắt chặt của Ấn Độ đã bước vào giai đoạn cuối”, chuyên gia kinh tế Sanjay Mathur của ngân hàng RBS tại Singapore nói, dẫn chứng các lý do bao gồm nhu cầu nội địa yếu, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, ở Ấn Độ.

Tại Mỹ Latin, nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực này là Peru đã giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp Ngân hàng Trung ương hôm 9/6, đồng thời phát tín hiệu sẽ giảm tốc chính sách thắt chặt tiền tệ. Các chuyên gia dự báo, quốc gia “mỏ đồng” Chile cũng sẽ áp dụng hướng đi tương tự sau 3 lần tăng lãi suất kể từ tháng 5 tới nay.

Tại Australia - quốc gia phát triển nhưng thường được xem là một “hàn thử biểu” cho các thị trường mới nổi vì có mức tăng trưởng phụ thuộc vào nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào từ các thị trường Trung Quốc và Ấn Độ - Ngân hàng Trung ương đã giữ nguyên lãi suất vào cuộc họp đầu tuần này, cho thấy quan điểm rằng, những áp lực lạm phát trong trung hạn đã suy yếu.

(Theo Vneconomy)

  • Lạm phát tại Trung Quốc bất ngờ phi mã
  • Trung Quốc ngừng nâng lãi suất là sai lầm nguy hiểm?
  • Chi phí lao động: thách thức mới của doanh nghiệp Trung Quốc
  • Trung Quốc đầu tư quá mức vào cơ sở hạ tầng?
  • Cuộc sống ở Singapore đang ngày càng đắt đỏ
  • Kinh tế Trung Quốc đã tới hồi suy vi?
  • Số hộ gia đình triệu phú ở Trung Quốc nhiều thứ ba thế giới
  • Trung Quốc đẩy nhanh việc mở rộng các cơ sở lưu trữ dầu