Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cuộc cách mạng thầm lặng ở châu Á

Malaysia đã phát hành thành công 2 tỉ đô la Mỹ trái phiếu Hồi giáo sukuk giữa lúc thị trường trái phiếu toàn cầu đang lao dốc mạnh. Ảnh: Reuters.

Trong bối cảnh nước Mỹ bị hạ bậc tín nhiệm và tại khu vực đồng tiền chung châu Âu liên tục diễn ra những cuộc tranh cãi dữ dội về vấn đề nợ công, người ta có thể vô tình không nhận ra một cuộc cách mạng đang thầm lặng quét qua các thị trường trái phiếu chính phủ ở những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Cuộc cách mạng này không lật đổ bất cứ chính quyền nào, cũng không kích hoạt làn sóng tìm nơi trú ẩn an toàn và càng không buộc bất kỳ thuyết khách nào phải đi rêu rao khắp nơi về các thông điệp bảo đảm tài chính.

Đó là một cuộc cách mạng theo nghĩa đen, một động thái trong chu kỳ phát triển của các thị trường vốn, nhưng lại là một động thái rất quan trọng đối với các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp và công chúng nói chung.

Bánh xe của cuộc cách mạng đó bắt đầu chuyển động ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, khi các nhà hoạch định chính sách châu lục này nhận ra tầm quan trọng của các thị trường trái phiếu có tính thanh khoản cao.

Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thị phần của các nước mới nổi châu Á trong thị trường trái phiếu nội tệ thế giới đã tăng xấp xỉ bốn lần kể từ năm 1996-2010 nhờ các nhà phát hành là doanh nghiệp và chính phủ thu hút được một số lượng lớn các nhà đầu tư không ngừng tìm kiếm cơ hội tại châu lục này.

Hơn nữa, các chính phủ được khuyến khích phát hành các trái phiếu G3 (trái phiếu bằng đô la Mỹ, euro châu Âu hoặc yen Nhật) để tạo lập những tiêu chuẩn thanh khoản từ đó các nhà phát hành là tổ chức tài chính và doanh nghiệp có thể lấy làm căn cứ để định giá trái phiếu.

Năm 2011, các chính phủ châu Á đã phát hành thành công lượng trái phiếu G3 có tổng trị giá khoảng 7 tỉ đô la Mỹ bằng đồng đô la Mỹ, euro và yen Nhật, vượt chỉ tiêu mong đợi của cả năm; việc phát hành trái phiếu nội tệ cũng tăng trưởng nhanh chóng. Nhân tố quan trọng đóng góp vào thành công này là thiện chí của các chính phủ sẵn sàng xây dựng những cơ chế mới đưa thị trường vốn-nợ của châu lục này phát triển xa hơn.

Trong vài tuần gần đây, Ngân hàng HSBC đã giúp Thái Lan và Hồng Kông hoàn thành đợt phát hành đầu tiên loại trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát, loại trái phiếu trước đây chưa từng được biết đến tại châu Á ngoại trừ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát của Thái Lan đã được các nhà đầu tư từ 11 quốc gia đặt mua 65 tỉ baht dù tổng lượng trái phiếu phát hành chỉ có 40 tỉ baht. Đợt phát hành này diễn ra chỉ một tuần sau cuộc bầu cử toàn quốc tại Thái Lan và một ngày sau khi Bồ Đào Nha bị hạ bậc tín nhiệm tín dụng làm gia tăng thêm mối quan ngại về rủi ro của các chính phủ. Đợt phát hành trái phiếu bán lẻ trị giá 10 tỉ đô la Hồng Kông của Hồng Kông cũng chứng kiến tình trạng “quá tải” tương tự và mang về 13 tỉ đô la Hồng Kông từ 115.000 đơn đăng ký.

Vì các đợt phát hành này đều mở cửa cho các nhà đầu tư cá nhân và bao gồm những phương thức bảo hộ người mua trước tác động của lạm phát nên việc phát hành loại trái phiếu này không chỉ đơn thuần là công cụ huy động vốn mà còn nhằm thực thi các chính sách mang lại công cụ đầu tư mới cho người dân. Ngân hàng HSBC dự báo tỷ lệ lạm phát trung bình ở châu Á không bao gồm Nhật Bản sẽ tăng từ 4,3% trong năm ngoái lên 5,2% trong năm nay, cho nên những công cụ đầu tư cung cấp sự phòng hộ ngăn chặn thất thoát vốn do tăng chỉ số giá tiêu dùng là rất có lợi cho người mua.

Việc phát hành thành công những trái phiếu này còn tạo ra tiền lệ để các chính phủ khác noi theo. Tuy cơ cấu của hai đợt phát hành trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát tại Thái Lan và Hồng Kông có những điểm khác biệt nhưng đều có một thông điệp chung rằng các quốc gia phát hành trái phiếu thực sự nghiêm túc trong việc đối phó với lạm phát và họ sẵn sàng gắn việc trả nợ của chính phủ với thành công hay thất bại trong việc kiểm soát lạm phát của chính phủ.

Trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát không phải là những thành công duy nhất trong năm nay. Tiếp theo đợt phát hành đầu tiên trái phiếu bằng đồng peso Philippines trên toàn cầu với kỳ hạn 10 năm, tháng 1 năm nay Chính phủ Philippines đã phát hành tiếp đợt trái phiếu trị giá 54,77 tỉ peso với kỳ hạn lên đến 25 năm. Những trái phiếu này được phát hành với mệnh giá là đồng peso nhưng thanh toán bằng đô la Mỹ, do đó tạo thuận lợi cho những nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận với trái phiếu đồng nội tệ của Philippines.

Trung Quốc đang hoàn tất đợt phát hành trái phiếu bán lẻ trị giá 20 tỉ nhân dân tệ bao gồm 5 đợt phát hành trái phiếu ở Hồng Kông. Đây là đợt phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ lớn nhất mà Chính phủ Trung Quốc từng thực hiện ngoài khu vực Trung Hoa đại lục và sẽ đặt ra một mức lợi tức chuẩn cho thị trường trái phiếu “dim sum” [loại trái phiếu do Trung Quốc phát hành tại thị trường Hồng Kông nhưng mệnh giá là đồng nhân dân tệ] đang tăng trưởng nhanh.

Trái phiếu chính phủ châu Á cũng đã có những bước ngoặt lớn trên thị trường phát hành bằng đồng đô la Mỹ. Điều này được minh chứng qua việc Sri Lanka trong tháng 7 vừa qua phát hành lượng trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm trị giá 1 tỉ đô la nhưng đã nhận được đơn đăng ký mua tới 7,5 tỉ đô la trong lúc thị trường đang diễn biến phức tạp. Thành công của Sri Lanka một phần do nước này được nâng bậc tín nhiệm ngay trước khi diễn ra đợt phát hành, giúp cho họ đạt được khối lượng đặt mua lớn nhất trong số các lần phát hành trái phiếu bằng đô la Mỹ từ trước đến nay.

Cuối tháng 6 vừa qua, Malaysia cũng đã tung ra đợt phát hành kép, bán ra 1,2 tỉ đô la Mỹ trái phiếu Hồi giáo (sukuk) có thời hạn năm năm và 800 triệu đô la Mỹ trái phiếu Hồi giáo có thời hạn 10 năm, lập kỷ lục cho loại trái phiếu sukuk được phát hành bằng đồng đô la Mỹ. [Theo từ điển Investopedia, sukuk là một loại chứng chỉ tài chính Hồi giáo tương tự trái phiếu ở phương Tây nhưng phù hợp với luật Hồi giáo Shariah. Luật này không chấp nhận hành vi cho vay lấy lãi cho nên thay vì phát hành trái phiếu, chính phủ hoặc doanh nghiệp sẽ bán cho nhà đầu tư một chứng chỉ tài chính (sukuk), nhà đầu tư lại cho nhà phát hành “thuê” chứng chỉ đó trong một thời hạn định trước với một khoản tiền thuê định trước, đồng thời nhà phát hành cũng cam kết mua lại chứng chỉ đó ở mức ngang giá trong tương lai].

Là một trong những quốc gia chủ chốt của các thị trường vốn hoạt động theo giáo luật Shariah của đạo Hồi, Chính phủ Malaysia đã thay thế việc vay nợ truyền thống bằng phát hành trái phiếu sukuk, đồng thời, Maylaysia cũng tên phong phát hành trái phiếu thời hạn 10 năm nhằm cung cấp cho các định chế tài chính Hồi giáo từ Kuala Lumpur đến Riyadh (thủ đô của Ảrập Saudi) một công cụ tài chính dài hạn hơn để giúp mở rộng ranh giới của thị trường này.

________

(Theo Stephen Williams, HSBC khu vực châu Á - Thái Bình Dương)

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Indonesia sẽ là nước sản xuất cacao lớn nhất châu Á
  • Malaysia siết chặt các quy định về sản xuất tổ yến
  • “Ngôi” giàu nhất Trung Quốc có chủ mới
  • Châu Á nô nức đón mừng Tết Trung thu
  • Sức ép lạm phát tại Trung Quốc giảm trong tháng 8
  • Trung Quốc lại rung động vì bánh Trung thu 'siêu bẩn'
  • Trung Quốc trở thành thị trường PC lớn nhất thế giới
  • Ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trong Fortune 500