Giá nguyên nhiên liệu leo cao đã và đang gây sức ép lớn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vừa và nhỏ.
Theo tờ “Tham khảo kinh tế” Trung Quốc ngày 26/4, năm 2009, nhiều doanh nghiệp Mỹ và Châu Âu - nhất là doanh nghiệp tài chính, ngân hàng, nhà đất - bị sập tiệm do khủng hoảng tiền tệ tín dụng thế giới, trong khi Trung Quốc vẫn chưa bị tác động đáng kể. Nhiều nhà quan sát khi đó cho rằng doanh nghiệp Trung Quốc “chưa ngấm đòn”, bởi vì khủng hoảng không tác động trực tiếp mà tác động gián tiếp, nên biểu hiện chậm hơn so với Mỹ và EU. Nghĩa là, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ ngấm đòn chậm hơn vào các năm tới.
Hiện thời, đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp Trung Quốc thua lỗ và phá sản. Các khách hàng nước ngoài đã chuyển đơn đặt hàng sang các nước khác nhất là sang Việt Nam và Bangladesh.
Tờ “Tham khảo kinh tế” cho biết Quí 1/2011, giá thành nguyên vật liệu ở Trung Quốc tăng bình quân 11,2%, trong đó giá dầu tăng 17,8%, thép vật liệu tăng 17,6%, kim loại màu tăng 10,3%, hóa chất tăng 8,8%. Các doanh nghiệp công nghiệp phải trả thêm 10,2% cho tăng giá nguyên liệu nhập về so với trước, sức ép vật giá rất lớn, nhiều xí nghiệp thua lỗ không chịu nổi phải đóng cửa, nhất là các doanh nghiệp ở các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang. Nhiều chủ doanh nghiệp cho báo “Tham khảo kinh tế” biết do giá hàng tăng cao, nên các đối tác nước ngoài đều chuyển sang đặt hàng ở nước khác rẻ hơn, một số doanh nghiệp khác không dám nhận đơn đặt hàng vì sợ thua lỗ, nhiều doanh nghiệp đã bị thua lỗ trong lúc đang sản xuất và chưa hoàn thành đơn đặt hàng trước đây.
Cán bộ Vụ tài vụ Bộ thương mại Viên Hiểu Minh cho biết năm 2010 lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu giảm 1,47%, hai tháng đầu năm 2011 tiếp tục giảm 1,44%.
Báo điện tử “Kinh tế Trung Quốc” dẫn phát biểu Bộ trưởng Bộ thương mại Trần Đức Minh nói cán cân thương mại của Trung Quốc bắt đầu xuất hiện nhập siêu cục bộ. Năm 2009, xuất siêu giảm 100 tỉ USD so với năm 2008, năm 2010 tiếp tục giảm 12,6 tỉ USD và Quí 1/2011, lần đầu tiên trong 6 năm, Trung Quốc nhập siêu trên 1 tỉ USD. Điều này cho thấy các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Trung Quốc đã gặp nhiều khó khăn trên thị trường thế giới và một số doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tránh khỏi thua lỗ, phá sản.
“Báo cáo tình hình ngoại thương Xuân-Hè năm 2011” do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố ngày 22/4 cho biết năm 2011 kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc suy giảm chủ yếu do nhân tố bên ngoài tác động, trong khi đó giá đồng Nhân dân tệ (CNY) tăng giá so với đồng USD và các ngoại tệ mạnh khác. Do đó, các doanh nghiệp - nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu vừa và nhỏ - đang chịu sức ép rất lớn, sức cạnh tranh giảm sút nên bị thua lỗ.
Người phát ngôn “Hội chợ Quảng Châu” lần thứ 109 Lưu Kiến Quân ngày 26/4 cho biết khách tham quan vẫn tăng 8,4%, nhưng đơn đặt hàng giảm đi, nhất là các đối tác truyền thống của Trung Quốc giảm đi rõ rệt. Đơn đặt hàng từ các nước EU giảm 10%, từ Mỹ giảm 3,7%. Các đối tác từ nước khác chỉ ký hợp đồng mua bán hàng ngắn hạn. Điều này cho thấy buôn bán năm 2011 của Trung Quốc gặp khó khăn.
Các nhà kinh tế cho rằng tình hình ngoại thương Trung Quốc suy giảm, nhiều doanh nghiệp thua lỗ và phá sản cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu ngấm đòn khủng hoảng và suy thoái kinh tế.
(Tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com