Nhật Bản vốn được cả thế giới biết đến với mức sống cao và sở hữu một nền kinh tế hùng mạnh. Thế nhưng gần đây sự gia tăng chóng mặt về số lượng người sống dưới mức nghèo tại quốc gia này đã khiến các nhà lãnh đạo không khỏi giật mình.
Đã nghèo càng thêm khốn khó
Không tốt nghiệp trung học phổ thông tại một đất nước được cho là có nền giáo dục phát triển, Hiro biết rằng, triển vọng về một công việc ổn định tại một công ty Nhật Bản của anh có thể sẽ mờ mịt. Tuy nhiên, chàng trai Nhật Bản 27 tuổi này cho biết anh không ngờ thực tế lại khó khăn đến vậy.
Chịu khó làm việc, Hiro nghĩ rằng, với bàn tay lao động, anh có thể kiếm được mức lương kha khá. Nhưng kể từ sau khi rời trường học, Hiro chỉ có 4 năm làm việc ổn định tại một công ty phụ tùng xe hơi, còn 7 năm còn lại phải đối diện với tình trạng vô cùng bấp bênh: làm bất cứ công việc gì, ở bất cứ đâu có thể. Không thể tìm được một công việc ổn định và toàn thời gian, Hiro phải làm việc tại các nhà máy, các khu xây dựng hay bất cứ đâu mà chủ lao động điều đến với mức lương chỉ 160.000- 180.000 yên (tương đương 1.580 - 1.980 USD) một tháng.
Hiro là một trong số những người dân Nhật Bản sống dưới mức nghèo. Tầng lớp này đang có xu hướng ngày càng gia tăng, thậm chí là tăng ở mức đáng báo động.
Từng được biết đến là đất nước có bộ phận tầng lớp trung lưu khổng lồ, sự bất bình đẳng về thu nhập ở mức thấp hơn các nước công nghiệp khác và đáp ứng được hầu hết nhu cầu về lao động toàn thời gian.
Thế nhưng, giờ đây tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này, người nghèo dường như ngày càng khó khăn hơn và càng tụt hậu so với xã hội. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản vào tháng trước công bố mức kỷ lục 2,1 triệu người đang phải nhận trợ cấp và hỗ trợ tài chính từ chính phủ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật Bản đang phải vật lộn trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ châu Á. Hơn nữa, đồng yên cao ở mức kỷ lục khiến số lượng các nhà máy phải dịch chuyển sang nước ngoài gia tăng bên cạnh đó là nhiều doanh nghiệp đi đến quyết định mua lại các công ty nước ngoài để hoạt động.
Và lúc này, người chịu thiệt lớn nhất trong nền kinh tế không ai khác chính là người lao động, những người từng có việc làm ổn định tại các nhà máy với mức lương khá cùng với nhiều khoản trợ cấp và phúc lợi khác.
Hơn nữa, những dự án xây dựng công hay cơ hội việc làm tại khu vực kinh tế công đang trở nên ngày càng cạn kiệt khi chính phủ nước này đang phải nỗ lực giải quyết khoản nợ khổng lồ.
Tại Nhật Bản, người nghèo dường như ngày càng khó khăn hơn và càng tụt hậu so với xã hội. |
Vấn nạn nghèo và cảm giác bi quan
Hiro đang sống ở quận Sanya phía Tây thủ đô Tokyo, khu vực chủ yếu của những lao động chân tay, người vô gia cư và một số khác được hưởng chút phúc lợi từ nền kinh tế thần kỳ Nhật Bản- một đất nước đã vượt lên đống đổ nát của chiến tranh và trở thành một trong những quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới.
Hiro cho biết, "thỉnh thoảng, công việc có đều và suôn sẻ nhiều tháng, thậm chí cả năm liền. Nhưng có lúc không có việc để làm. Thật khó để có thể sống tại Tokyo đắt đỏ trong điều kiện thế này".
Thu nhập bấp bênh, Hiro nợ hai công ty cho vay tư nhân tổng số tiền khoảng vài trăm ngàn yên (tương đương vài ngàn USD), tuy nhiên anh nói không biết làm thế nào và đến bao giờ mình có thể hoàn trả được số nợ này. Không có việc làm, Hiron buộc phải làm đơn xin trợ cấp phúc lợi xã hội, điều mà cả anh và gia đình đều cảm thấy thật xấu hổ.
Nghèo đói gia tăng và triển vọng bi quan về tương lai của đất nước đang ảnh hưởng đến ngày càng nhiều các thành viên trong xã hội.
"Thế hệ cha mẹ sinh con sau chiến tranh hi vọng con cái của họ sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn mình. Nhưng hiện nay thì nhiều người lại không nghĩ vây", giáo sư Masami Iwata tại đại học Japan Women cho biết.
"Tại trường đại học này, trình độ của sinh viên đang giảm sút, có lẽ là họ cảm thấy không có mục tiêu để phấn đấu", giáo sư cho biết.
Theo kết quả khảo sát Gallup công bố vào ngày 25/7 vừa qua, Nhật bản là quốc gia có mức độ bi quan cao thứ 5 trên thế giới sau Syria, Bồ Đào Nha và Hi Lạp. 30% dân số cảm thấy bi quan khi nghĩ đến tương lai và cho rằng, cuộc sống của họ sẽ xấu đi.
"Tội phạm vẫn đang ở mức thấp, tuy vậy, mỗi năm có đến hơn 30.000 vụ tự sát và ngày càng nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm. Trật tự xã hội, thứ được xem là văn hóa Nhật Bản có thể bị đe dọa khi mà tình trạng nghèo đói cũng như khoảng cách xã hội đang có xu hướng gia tăng", giáo sư khẳng định.
Nghèo: Mối bận tâm đầy mới mẻ?
Các đây chỉ khoảng chục năm, nghèo đói không hiện diện trong trong mối bận tâm của Nhật Bản. Chính phủ thậm chí còn không thu thập các số liệu về sự bất bình đẳng trong thu nhập. Theo tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, 16% người Nhật đang sống với mức thu nhập không bằng một nửa so mức trung bình của cả nước. Điều này khiến nước này trở thành quốc gia xếp thứ 6 trên thế giới về bất bình đẳng thu nhập.
"Thay đổi lớn nhất là điều kiện làm việc của người nghèo. Hầu hết những lao động tạm thời có thể được thuê và bị sa thải một cách dễ dàng. Họ không có bảo hiểm lao động và tiền lương thì bị ép xuống mức thấp", ông Toshio Ueki , người phát ngôn của Đảng Cộng sản nước này cho biết.
Hiện, các nhà vận động đang đề xuất việc tăng mức lương tối thiểu với mong muốn có thể giúp nền kinh tế chuyển động tích cực cũng như cải thiện được tình hình thu nhập của những lao động nghèo như Hiro.
"Tôi muốn bắt đầu một gia đình và có những đứa con, nhưng tôi không thể nghĩ tới việc kết hôn khi bản thân mình không thể có một mức thu nhập ổn định", Hiro chia sẻ.
(Theo VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com