Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Người già – cứu cánh của nền kinh tế Nhật Bản?

Ông Masahisa Tsujitani, 67 tuổi, đang làm việc tại nhà máy do ông làm chủ ở thành phố Fujimi (Nhật Bản). Ảnh: AP

Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và là quê hương của nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Tuy nhiên, nước Nhật đang già cỗi nhanh hơn bất cứ nước nào trên thế giới với gần 25% trong tổng số 127 triệu dân ở độ tuổi trên 65. Dự báo đến năm 2060, người già có thể chiếm 40% dân số Nhật Bản.

Dân số già nhiều cộng thêm gánh nặng chi tiêu công ở thời điểm nợ chính phủ phình to và nền kinh tế đang xoay xở để lấy lại động lực tăng trưởng, lực lượng ở độ tuổi lao động giảm, xuất khẩu yếu, nền kinh tế toàn cầu bấp bênh đặt chính phủ Nhật Bản vào tình thế chật vật trong việc hỗ trợ lương hưu và chăm sóc y tế cho lực lượng người nghỉ hưu khổng lồ.

Gánh nặng trở thành niềm hy vọng

Tuy nhiên, mọi việc không hoàn toàn bi quan vì vẫn có điểm tích cực trong vấn đề dân số già. Những năm gần đây, người già ở Nhật Bản chi tiêu bạo tay hơn, ngay cả khi những người dưới 40 tuổi siết chặt ví tiền. Theo số liệu của Cục thống kê Nhật Bản, các hộ gia đình có chủ hộ từ 60 tuổi trở lên chiếm 40% tổng chi tiêu trong năm 2011 của Nhật Bản, tăng so với 30% vào năm 2000. Mức tăng này rất có ý nghĩa ở thời điểm Nhật Bản đang tìm cách thúc đẩy tiêu dùng và chống giảm phát.

Chị Yuko Shimada, 33 tuổi, một bà mẹ có hai con sống ở Tokyo, nói vui: “Con tôi có đến sáu túi tiền”, ám chỉ không chỉ cha mẹ mà ông bà nội ngoại cũng sẵn sàng chi tiêu cho con cháu.

Theo truyền thống, thế hệ người già ở Nhật Bản được xem là tiết kiệm nhưng giờ đang trở thành cỗ máy tiêu thụ hàng hóa. Jesper Koll, trưởng phòng nghiên cứu của công ty chứng khoán JP Morgan Securities ở Tokyo, cho biết: “Người già đang chi tiêu và điều này sẽ tạo ra việc làm cho thanh niên”.

Theo số liệu chính thức, năm ngoái, chi tiêu trung bình của nhóm người trên 60 tuổi tại Nhật Bản hơn 300.000 yen (3.831 đô la Mỹ /tháng) so với mức chi tiêu 260.000 yen/tháng của nhóm người dưới 39 tuổi. Càng già, người Nhật càng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn. Theo Cục thống kê Nhật, năm ngoái, những người ở nhóm tuổi 60 tiêu 94% số tiền sẵn có, trong khi những người ở độ tuổi 50 chỉ tiêu 74% số tiền sẵn có. Những người ở độ tuổi 30 và 40 tiêu dưới 70% số tiền sẵn có.

Một trong những lý do khiến người già tăng chi tiêu do thảm họa động đất và sóng thần năm ngoái. Họ nghĩ chết chẳng mang được tiền theo nên tìm cách chi tiêu khi có thể.

Các công ty nhắm đến người già

Mức chi tiêu gia tăng ở người già tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty đang tận dụng thị trường người già, ước tính có giá trị 100.000 tỉ yen (1.270 tỉ đô la Mỹ)/năm.

Cách đây hai tháng, Công ty cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn nhất Nhật Bản NTT DoCoMo tung ra thị trường mẫu điện thoại thông minh mới dành cho người già. Chiếc điện thoại này có font chữ, biểu tượng to hơn; quy trình gửi email và chụp ảnh được thiết kế đơn giản hơn.

Nhiều công ty cũng đang thay đổi chiến lược để phù hợp với nhu cầu của dân số già. Tháng 4-2012, hãng bán lẻ Aeon khai trương siêu thị đầu tiên với hàng loạt sản phẩm và dịch vụ chuyên dành cho khách hàng lớn tuổi. Cách đây một tháng, hãng xe Toyota trình làng rô bốt có thể giúp đỡ người già và người khuyết tật mang vật dụng và dọn dẹp nhà cửa. Công ty tã giấy Nhật Bản Unicharm cho biết năm ngoái, doanh thu tã cho người già lần đầu tiên vượt doanh thu tã cho trẻ em.

Ngành du lịch cũng đang hưởng lợi từ mức chi tiêu gia tăng của người nghỉ hưu. Hiệp hội các công ty lữ hành Nhật Bản cho biết quí 2 và quí 3 năm nay, người già du lịch nhiều hơn các gia đình, sinh viên và các đôi uyên ương.

Ngoài sức chi tiêu mạnh mẽ, người già cũng có thể đóng góp cho xã hội bằng kinh nghiêm làm việc. Lực lượng lao động ở Nhật ngày càng thu hẹp do dân số già đi nhanh chóng. Do vậy, Nhật cần giữ người già tiếp tục làm việc. Độ tuổi nghỉ hưu ở Nhật đang  tăng dần và sang năm, độ tuổi nghỉ hưu sẽ tăng lên mức 65 thay vì mức 64 như hiện nay. Các nhà phân tích cho rằng phần lớn người già vẫn nhiệt tình làm việc khi ngoài 60 tuổi. Sau khi nghỉ hưu, họ sẵn sàng đi làm dù bị giảm lương.

Hãng xe Toyota và ngân hàng Sumitomo-Mitsui là một trong những công ty đang đưa ra các chương trình tái tuyển dụng nhân viên nghỉ hưu. Công ty sản xuất thiết bị xây dựng Komatsu cho biết đã thuê lại 90% nhân viên nghỉ hưu với mức lương giảm 40%.

(Theo AP)

  • ASEM 9: Lùi một bước, tiến hai bước?
  • Nhật Bản mở rộng kích thích kinh tế
  • Kế hoạch hợp nhất kinh tế của ASEAN là quá tham vọng?
  • Indonesia - gương mặt mới của câu lạc bộ BRICS?
  • Hàn Quốc: Tấn công chaebol?
  • Châu Á: Ngập tiền mặt, lo lạm phát
  • Trung Quốc chọn đối thoại hay 'đấu súng'?
  • Báo Trung Quốc: Vì sao lương công nhân thấp?