Từ 5 năm nay, việc di cư ra nước ngoài của những người giàu Trung Quốc (TQ) đã không chỉ là hiện tượng mà còn trở thành một xu thế. Họ ra đi vì lý do gì? Kinh tế, môi sinh hay còn những nguyên do ẩn giấu nào khác?
"Hố đen" phân cách giàu nghèo
Vào tháng 10/2009, những người giàu nhất của TQ đã được thống kê thành nhóm "10". Trong số 10 đại gia có tài sản trên 4 tỷ USD ấy, có đến 7 người kinh doanh các lĩnh vực tài chính và bất động sản. Chỉ có ba đại gia khác thuộc về các ngành ôtô, linh kiện điện thoại, nhôm.
Gần một năm sau, vào tháng 8/2010, Tập đoàn tài chính Credit Suisse của Thụy Sỹ đã trở thành tổ chức phân tích độc lập đầu tiên nêu ra thực trạng về "quỹ đen" của giới thượng lưu Trung Hoa. Theo một nghiên cứu kéo dài nhiều năm của tập đoàn tài chính Thụy Sĩ này, các hộ gia đình Trung Quốc đã che giấu khoảng 9.300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.400 tỷ USD) không được công bố trong báo cáo thu nhập cá nhân. Số tiền khổng lồ này, chủ yếu bất hợp pháp hoặc hợp pháp nửa vời, tương đương với 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn đất nước TQ.
Credit Suisse cũng nhận định rằng hầu hết tài sản ngầm nằm trong túi các gia đình giàu, với nhóm 20% dân số giàu nhất sở hữu tới 81,3% của con số 1.400 tỷ USD. Lần đầu tiên, thế giới được biết đến TQ bằng vào một sắc mặt khác: tình trạng bất bình đẳng về thu nhập đã được đẩy lên rất cao.
Sau báo cáo của Credit Suisse, không thấy phía TQ có phản ứng gì khác thường. Tuy nhiên giới phân tích kinh tế và chính trị đã cho rằng chắc chắn chính quyền TQ phải lưu tâm đến hiện tượng ngày càng xuất hiện nhiều người trở nên giàu có đột biến ở quốc gia này. Đó không chỉ là sự khác biệt quá lớn về thu nhập giữa người giàu và người nghèo mà người ta vẫn thường gọi là bất công kinh tế, mà còn dẫn đến sự bất công và ức chế xã hội - một hệ quả đương nhiên khi tồn tại hiện tượng "quỹ đen" như ở TQ.
Một chiếc xe siêu sang trên đường phố Trung Quốc. |
Sự phân hóa về thu nhập ở TQ càng được minh chứng bởi một hiện tượng đáng suy ngẫm: sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, bất chấp những hậu quả nặng nề mà nước Mỹ và châu Âu phải gánh chịu, con số tỷ phú của TQ đã tăng lên 130 người; và cho đến thời điểm tháng 10/2009, người ta ước tính con số này có thể vượt gấp đôi, tức 260 người. Với con số này, TQ đã trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ (359 tỷ phú) về số lượng tỷ phú đô la, cao hơn cả Nga (32 tỷ phú) và Ấn Độ (24 tỷ phú).
Vào năm 2009, một tổ chức phân tích độc lập là Hurun Report cũng đã ước tính tổng tài sản của 1.000 người giàu nhất TQ trị giá đến 571 tỷ USD, tăng 130 tỷ USD so với năm 2008; tài sản trung bình của các thành viên trong danh sách 1.000 đạt 571 triệu USD, tăng gần một phần ba so với năm 2008. So với hồi 2004, số lượng những người có tài sản trên 150 triệu USD vào năm 2009 tăng gấp 10 lần.
Hiện trạng trên cũng là căn cứ để Credit Suisse khẳng định thêm một sự thật khác rằng Trung Quốc là một trong những nước có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới, cao hơn nhiều so với công bố chính thức: nhóm 10% dân số giàu nhất có thu nhập bình quân đầu người 97.000 nhân dân tệ, tương đương 14.280 USD, cao gấp 65 lần so với nhóm 10% nghèo nhất. Trong khi đó, báo cáo từ Cục thống kê Trung Quốc đưa ra tỷ lệ phân cách chỉ 23 lần (năm 2010).
Còn trước đó vào năm 2008, cũng Cục thống kê Trung Quốc đã đưa ra tỷ lệ phân cách có 9 lần, trong khi một cuộc điều tra độc lập của giáo sư Vương Tiểu Lỗ thuộc Quỹ Cải cách TQ đã cho thấy khoảng cách này lên đến 25 lần.
Những tỷ phú đô la làm giàu bằng cách nào?
Rõ ràng đã có một sự khác biệt quá lớn giữa báo cáo chính thức của các cơ quan chính phủ với hiện thực sống động, hay nói cách khác là những con số công khai của chính quyền chỉ đi sau con số điều tra độc lập, chỉ thừa nhận thực trạng phân hóa sau một khoảng thời gian đủ dài nhưng không đủ để che giấu. Hiện thực sống động như thế cũng hoàn toàn đáng để phân tích trên con đường tìm ra nguyên nhân của hiện tượng tăng vọt số lượng tỷ phú đô la của TQ. Chỉ có thể lý giải hiện tượng này bằng những con sóng phục hồi chứng khoán vào năm 2009 và phục hồi thị trường bất động sản từ năm 2009-2010.
Tỷ phú Wong Kwong Yu của Trung Quốc. |
Trong sóng tăng chứng khoán vào năm 2009, thị trường chứng khoán TQ đã phục hồi gấp hơn hai lần so với đáy khủng hoảng. Thật dễ làm một phép tính cho các đại gia khuynh đảo thị trường này, khi vốn đầu tư của họ bỏ vào thị trường chứng khoán đã tăng ít nhất 4 lần.
Sau đó, cũng những đại gia này rút vốn và lãi từ thị trường chứng khoán để chuyển qua thị trường bất động sản và đã thu được lợi suất ít nhất 3 lần nữa. Tổng cộng, sau hai sóng tăng của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, những doanh nhân tác chiến trên cả hai mặt trận này đã đạt được tỷ suất lợi nhuận đến 12 lần!
Với tỷ suất lợi nhuận khổng lồ trên, không một quốc gia phát triển nào có thể so sánh với tốc độ làm giàu như người TQ. Đó cũng là cách để các đại gia TQ phát triển tài sản của họ theo cấp số nhân, lý giải cho sự xuất hiện quá nhiều tỷ phú đô la ở đất nước này chỉ trong một thời gian ngắn, trong lúc đại đa số người dân TQ còn lao đao trước hậu quả chưa thuyên giảm của cơn bão suy thoái tài chính thế giới và nhiều khó khăn kinh tế trong nước.
Lòng yêu nước?
Hiện tượng giàu đột biến ở TQ cũng kéo theo một hiện tượng xã hội ở quốc gia này: nhiều người nghèo đã công khai chỉ trích lớp người thượng lưu muốn rời khỏi TQ là "không có lòng yêu nước".
Lòng yêu nước là một phạm trù nổi bật của người Trung Hoa. Nhiều thế kỷ qua, cộng đồng người Hoa trên khắp thế giới đã chứng tỏ được tính đoàn kết và tính dân tộc của họ, làm nên một trong những đặc trưng nhân văn nổi bật nhất của người TQ.
Vào năm 1997, khi Hồng Kông được Anh trao trả lại cho TQ, khá nhiều doanh nhân người Hoa đã rời khỏi Hồng Kông để định cư ở các nước khác. Nhưng sau đó, một số trong đó đã trở về Hồng Kông làm ăn và sinh sống, đóng góp cho khu vực này nguồn kinh tế không nhỏ.
Song giờ đây lại đang diễn ra xu hướng gần như ngược lại. Những người giàu có hiện nay của TQ có nhiều lý do để tìm đường ra nước ngoài. Đầu tiên luôn là việc họ muốn tìm kiếm cho con cái của họ những môi trường giáo dục hoàn thiện. Mỹ, Canada và cả Anh đều là những nơi tập trung những trường đại học tốt nhất thế giới.
Một công ty tư vấn có tên là Bain đã nghiên cứu về nguyên nhân này. Theo thống kê của Bain, hàng năm lượng du học sinh TQ sang các nước phương Tây tăng hơn 20%. Bain cũng ước tính có khoảng 230.000 học sinh TQ đang học tập ở nước ngoài.
Mỹ, Canada và cả Anh cũng là những khu vực có điều kiện sống khá hoàn mỹ, bao gồm hệ thống luật pháp, chế độ an sinh và chính sách môi sinh - nơi những người giàu được hưởng thụ và an nhàn về cuối đời.
Tạm gác lại phần dân tộc tính, rõ ràng trong con mắt người giàu TQ, môi trường sống ở TQ không thể so sánh được với nhiều quốc gia có truyền thống phát triển trên thế giới. Viện Gallop - một tổ chức chức nghiên cứu của Mỹ - trong một bản nghiên cứu đã đánh giá phần lớn người TQ cảm thấy bất an ngay cả khi quốc gia này có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn hẳn Mỹ và Tây Âu.
Khi được lựa chọn giữa các tiêu chí "phát đạt", "sống chật vật" và "khốn khổ' để phác họa về tình cảnh của mình, chỉ 12% người TQ thiên về "phát đạt", trong khi có đến 17% "khốn khổ" và 71% "sống chật vật". Theo Viện Gallop, những biểu trưng kinh tế - xã hội như vậy cho thấy dường như việc cảm thấy "không hạnh phúc" cũng là một nguyên nhân khiến người giàu TQ di cư ra nước ngoài.
Nhưng những nguyên do trên có phải đã là tất cả? Nếu so sánh về cơ hội đầu tư thì hiển nhiên tại TQ, các đại gia vẫn có nhiều cơ hội hơn hẳn các nước phát triển để tìm ra tỷ suất lợi nhuận vài ba lần. Những cơ hội đó luôn tiềm ẩn trong đặc tính đầu cơ của những thị trường "hoang dã" vào thời kỳ đầu của tư bản chủ nghĩa, nơi mà hệ thống luật pháp luôn chịu sự chi phối nặng nề của sự lũng đoạn từ các nhóm đầu cơ. Nhưng ở một khía cạnh khác, việc những người giàu TQ đã chấp nhận đánh đổi môi trường nhiều cơ hội lấy môi trường đầu tư ít cơ hội hơn hẳn cũng có nghĩa là về tâm trạng và tâm lý, họ muốn "rửa tay gác kiếm" sau khi đã cảm thấy đủ nhiều tiền và đủ trải nghiệm về rủi ro trong kinh doanh.
"Nước nghèo giàu có"
Rất có thể, trạng thái "không hạnh phúc" về môi sinh cũng ứng với tâm lý nhiều đại gia trong môi trường kinh doanh ở TQ. Mặc dù đó là một môi trường dễ tạo sóng đầu cơ và lợi nhuận, dễ thực hiện hoạt động kiếm lợi bất hợp pháp hơn hẳn ở Mỹ và Tây Âu, nhưng rủi ro cũng lớn không kém và luôn đi kèm.
Một số phóng viên báo chí phương Tây đã ghi nhận không chỉ một lần tâm trạng mệt mỏi của những thương gia TQ về sự chênh vênh của hệ thống luật pháp kinh tế. Hơn thế nữa, giới kinh doanh TQ, đặc biệt là những người giàu nhất, luôn mang một nỗi lo sợ mơ hồ về tương lai "cào bằng", khi có thể xảy ra những biến động xã hội và chính trị, dẫn tới chính sách phân phối lại thu nhập.
Đã từng có tiền lệ về sự phân phối lại về thu nhập vào thời Mao Trạch Đông, khi giới tư sản bị tước đoạt tài sản để dùng cho việc công hữu hóa tư liệu sản xuất. Nhiều thế kỷ trước ở TQ cũng xảy ra không ít lần "hồi tố" như thế. Vì vậy, không có gì bảo đảm mọi sự sẽ bất biến ở đất nước TQ.
Tâm thế đó càng trở nên ám ảnh khi hố phân cách giàu nghèo quá lớn ở TQ đang dẫn đến thái độ được coi là "thù địch" của người nghèo đối với người giàu. Gần đây đã xuất hiện một khái niệm mới của giới phân tích phương Tây: TQ là một "nước nghèo giàu có" đầu tiên trên thế giới, được minh chứng bởi tình trạng người dân thì nghèo nhưng tổng khối lượng kinh tế của cả nước thì lại rất giàu.
Thực tế là tại nhiều vùng xa thành thị ở TQ, mặt bằng thu nhập bình quân của người dân vẫn còn rất thấp, những điều kiện sống và môi trường giáo dục, y tế, đi lại không được đảm bảo so với tất cả những gì tốt nhất mà giới giàu có được hưởng. Chính vì thế, làn sóng người nhập cư vào các thành phố lớn ngày càng mạnh mẽ và tất nhiên cũng gây ra nhiều rắc rối cho chính quyền sở tại.
Trong khi đó, giới có thu nhập trung bình ở TQ vẫn không thể mơ tưởng đến một căn hộ dù là giá bình dân, vì sau đợt tăng bất động sản năm 2009-2010, cho đến nay sự thật đơn giản là bong bóng bất động sản TQ vẫn chưa chịu nổ. Sự xì hơi chậm chạp của nó, được chứng minh bởi chỉ có 9/70 thành phố có giá nhà đất giảm nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2011, đã làm dấy lên sự công phẫn từ tầng lớp bình dân đối với giới đại gia địa ốc của nước này.
(Theo TS. Phạm Chí Dũng // VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com