Ông Tony Tan, tân Tổng thống Singapore, đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống hôm thứ Bảy vừa qua. Ảnh: AP. |
Chiến thắng sít sao của cựu đảng viên đảng Hành động Nhân dân (PAP), ông Tony Tan, trong cuộc bầu cử tổng thống thứ Bảy tuần trước (27-8) là tin vui cho chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Tony Tan từng là phó thủ tướng Singapore một thời gian dài và đã nắm giữ nhiều trọng trách trong bộ máy chính quyền, cả trong hoạt động doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Thế nhưng, trong một thể chế dân chủ đại nghị theo kiểu người Anh với quyền hành pháp thuộc thủ tướng thì tổng thống sẽ đóng vai trò gì?
Thay đổi thể chế cho phù hợp với thực tiễn
Thật ra, từ lúc Singapore trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1965 cho đến năm 1991, tổng thống hầu như không có quyền lực gì mà chỉ giữ vai trò biểu tượng và nghi lễ. Năm 1984, Thủ tướng Singapore lúc đó là ông Lý Quang Diệu đã đưa ra ý tưởng bầu tổng thống nhưng phải đến năm 1988 thì Sách trắng (White Paper) về vấn đề này mới được đưa ra.
Tháng 8 năm 1990, một Sách trắng thứ hai với những đề nghị cụ thể cùng với Dự luật Điều chỉnh Hiến pháp (Constitution Amendment Bill) được đưa ra bàn cãi sôi nổi trong quốc hội để đến tháng 1-1991, Hiến pháp Singapore mới được điều chỉnh cho phù hợp.
Những lý lẽ mà Sách trắng thứ nhất đưa ra để hậu thuẫn cho vai trò của tổng thống là: a) Thực tiễn cho thấy đã có nhiều chính phủ vô trách nhiệm điều hành kém và phá hoại nền kinh tế bằng cách chi tiền hay trợ cấp để mua phiếu của dân; b) Singapore may mắn có một chính phủ có trách nhiệm, nhưng với 30 tỉ đô-la dự trữ quốc gia, sự cám dỗ cho một chính phủ vô trách nhiệm trong tương lai là rất lớn và biết đâu chừng chính phủ này lại dùng tiền dự trữ vung tay quá trán hay mua phiếu của dân; c) Ngành công vụ của Singapore được xem là thành công với việc bổ nhiệm những người có đức và có tài nhưng bộ máy này có thể bị phá hủy do nguy cơ gia đình trị hay tham nhũng; d) Trong Hiến pháp không có điều nào ngăn cản chính phủ chi tiêu hoang phí nguồn dự trữ quốc gia cũng như chưa có cơ chế ngăn chặn việc bổ nhiệm công chức cao chức và quyền của thủ tướng và nội các hầu như là vô hạn; e) Do đó, trong Hiến pháp phải có điều luật bảo vệ nhằm đảm bảo tương lai của người dân Singapore và ngăn ngừa một chính phủ vô trách nhiệm phá hoại Singapore...
Tuy nhiên, Sách trắng này cũng đưa ra các cân nhắc mang tính sống còn như sau: a) Vẫn phải duy trì hệ thống dân chủ đại nghị và thủ tướng cùng nội các phải giữ những sáng kiến riêng của mình; b) Có cơ chế bảo vệ nhưng phải cho phép xử lý nhanh chóng và kiểm soát được tình trạng xấu nhất có thể xảy ra; c) Tổng thống phải có quyền chính danh thông qua bầu cử; d) Tổng thống được bầu phải có kinh nghiệm làm bộ trưởng, quản lý cao cấp để “cân đối yêu cầu chính trị cấp thiết và quyền lợi của người dân”; d) Hiến pháp đòi hỏi ứng viên tổng thống phải có kinh nghiệm và phẩm chất như đã nêu.
Sau khi Sách trắng đầu tiên được công bố, chính phủ Singapore đã xem xét một số lựa chọn như lập ra một cơ quan lập pháp cao hơn, trao quyền phủ quyết cho Hội đồng Tổng thống phục vụ cho quyền lợi của sắc tộc thiểu số (Presidential Council for Minority Rights) hay một cơ quan tương tự như Cục Dự trữ Liên bang của Hoa Kỳ, hoặc yêu cầu những quyết định về tài chính liên quan đến dự trữ quốc gia phải được sự đồng ý của cử tri thông qua trưng cầu dân ý...
Tuy nhiên, những giải pháp này được xem là không phù hợp và sau đó chính phủ quyết định chức vụ tổng thống phải được người dân bầu chọn và có quyền tay hòm “chìa khóa thứ hai” a (second key) đối với dự trữ tài chính quốc gia. Quyền lực của vị này bị giới hạn trong hai lĩnh vực: chi tiêu của chính phủ và bổ nhiệm những vị trí chủ chốt trong guồng máy công vụ.
Sách trắng thứ hai năm 1991 đưa ra quyền kiểm soát của tổng thống đối với nguy cơ phía hành pháp lạm dụng việc bắt giữ người không cần xét xử chiếu theo Đạo Luật An ninh Nội chính (Internal Security Act). Ngoài ra, tổng thống cũng có quyền đưa ra các lệnh cấm trong Luật Duy trì Hài hòa Sắc tộc (Maintenance of Religious Harmony Act) và nhất là để đảm bảo tính liêm khiết trong nội các, Cục trưởng Cục Điều tra Tham nhũng phải báo cáo trực tiếp cho Tổng thống... Sau một thời gian bàn cãi gay gắt, tháng 1-1991, Quốc hội Singapore đã thông qua các điều khoản trên trong Hiến pháp để quy định rõ quyền của tổng thống như vừa trình bày.
Những thông tin trên đây có thể hơi dài dòng nhưng đáng được tham khảo để cho thấy một quốc gia bé nhỏ như Singapore, mặc dù đã được hưởng di sản hệ thống chính trị khá hoàn chỉnh của người Anh, cũng phải cố gắng rất nhiều trong việc thay đổi thể chế để phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn và phục vụ cho sự sống còn của quốc gia.
Trên quan điểm của PAP thì con số phiếu bầu cho cựu đảng viên Tony Tan (35,2%) là một sự thất vọng vì nó cho thấy lòng tin của người dân đối với chính đảng cầm quyền đã luôn theo xu hướng giảm sau các cuộc bầu cử quốc hội hay tổng thống trong thập niên qua. Thế nhưng, nếu nói theo tuyên bố của tân tổng thống Tony Tan trong cuộc họp báo diễn ra chỉ trong 10 tiếng sau khi có kết quả bầu cử chính thức, người thắng trong cuộc bầu cử tổng thống lần này là cả đất nước Singapore.
Thật vậy, cuộc bầu cử ngày thứ Bảy vừa qua diễn ra một cách lặng lẽ nhưng nghiêm túc và tôn trọng các luật chơi, dù còn khiếm khuyết, của thể chế và dân chủ. Nhờ số lượng ứng viên tranh cử cao kỷ lục và sự tham gia tranh luận sôi nổi của mọi tầng lớp xã hội, giờ đây người dân Singapore đã hiểu rõ hơn vai trò và quyền lực của tổng thống và sử dụng lá phiếu của mình một cách có trách nhiệm vì nó gắn bó với quyền lợi của bản thân mình. Thách thức của tân tổng thống Tony Tan là làm sao trở thành tâm điểm đoàn kết mọi người dân Singapore, tạo sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp, là biểu tượng xứng đáng cho một đất nước Singapore phát triển thịnh vượng.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com