Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thương mại điện tử đang nổi ở Trung Quốc

Các công ty Trung Quốc ra sức tận dụng internet để kinh doanh trực tuyến giúp thương mại điện tử của nước này phát triển với tốc độ chóng mặt. Ảnh: TL

Các công ty lớn, nhỏ đến người kinh doanh nhỏ lẻ ở Trung Quốc đang ra sức tận dụng internet để kinh doanh, giúp thương mại điện tử của nước này phát triển với tốc độ chóng mặt.

Tăng trưởng nhanh

Cô Zhang Qiaoli, đanga sở hữu một cửa hàng kinh doanh trực tuyến, sử dụng phòng ngủ để chứa những đôi giày thời trang. Gian hàng của cô chỉ là một trong số hơn 5 triệu cửa hàng trực tuyến trên khắp Trung Quốc. Cô Zhang mua hàng hóa bán sỉ và dùng trang web Taobao để kinh doanh.

Taobao thuộc sở hữu của tập đoàn thương mại khổng lồ Alibaba. Mọi người đều có thể sử dụng miễn phí các gian hàng trực tuyến với khoảng 800 triệu dòng sản phẩm từ thực phẩm, quần áo đến các thiết bị công nghệ. Taobao hiện có khoảng 50 triệu lượt truy cập một ngày và đứng đầu trong số các điểm đến của các tín đồ mua sắm trực tuyến Trung Quốc.

Những người kinh doanh như cô Zhang chỉ cần làm việc tại nhà và hoàn toàn có thể chăm sóc con cái. Cô Zhang cho biết: “Tất nhiên là có sự cạnh tranh gay gắt vì có hàng trăm cửa hàng mới được mở mỗi ngày trên Taobao. Tôi cấn thu thập kinh nghiệm và thúc đẩy việc kinh doanh từng bước.”

Tại Trung Quốc, các công ty trực tuyến đang tìm cách làm thế nào để thương mại điện tử một cách hiệu quả, hoặc sẽ thất bại giống như eBay của Mỹ đã từng bị Taobao đánh bại năm 2006.

Năm 2010, công nghiệp kinh doanh trực tuyến của Trung Quốc đạt doanh thu 80 tỉ đô la Mỹ, tăng 87% so năm 2009. Theo Tập đoàn Boston Consulting, 420 triệu người sử dụng internet của Trung Quốc giành khoảng 1 tỉ giờ trực tuyến mỗi ngày. Mua sắm trực tuyến hiện chiếm khoảng 5% doanh số bán lẻ của Trung Quốc, trong đó có 70% giao dịch được thực hiện qua trang web của Taobao.

Xu hướng tiêu dùng mới

Thương mại điện tử đang thay đổi cách thức người tiêu dùng Trung Quốc suy nghĩ về mua săm: đó là trực tuyến thay vì mua sắm theo cách truyền thống. Nó là một trải nghiệm thú vị mới mà nhiều người muốn trải qua.

Tuy nhiên, ở Trung Quốc, niềm tin là một thứ hàng hiếm. Có hàng loạt vụ mua bán trực tuyến giả mạo và người mua cũng thường phải chịu ấm ức vì mua phải hàng giả hoặc kém chất lượng.

Nhưng không vì thế mà thương mại điện tử bị ảnh hưởng nhiều. Ngược lại, hoạt động này ngày càng phát triển bởi sự thuận tiện và nhiều lợi ích khác. Thậm chí, người ta còn so sánh mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc phát triển còn nhanh hơn một cái kích chuột.

HanHan's World là công ty nhỏ bán vỏ bọc Iphone. Nhưng một nhóm nhân viên ít người luôn bận rộn vì phải trò chuyện với khách hàng tiềm năng thông qua công cụ nhắn tin nhanh và trò chuyện bằng hình ảnh của trang web. Khách hàng có thể kiểm tra giá cả và chi phí của công ty.

Người bán cũng trao đổi bí quyết với các cửa hàng khác, thảo luận về xu hướng và đánh giá về sản phẩm và dịch vụ của nhau. Truyền thông và sự tương tác cao cũng giúp tạo ra niềm tin cho người mua. Ông Duncan Clark, một chuyên gia trong ngành công nghiệp thương mại điện tử, nói: “Khả năng kết nối xã hội kết hợp với thương mại điện tử - nơi mọi người có thể đánh giá nhà cung cấp, đưa ra thông tin cho những người mua khác. Điều đó thực sự đang giúp khắc phục những yếu kém”.

Thay đổi để cạnh tranh

Các nhà bán lẻ thương mại điện tử lớn như DangDang đang nổi lên với mô hình kinh doanh tương tự như Amazon. Dangdang có một kho hàng cực lớn ở phía nam Bắc Kinh với khả năng vận chuyển 100.000 kiện hàng mỗi ngày. Ở Trung Quốc, sự cạnh tranh chủ yếu tập trung ở việc áp dụng công nghệ vào công việc như thế nào. Các công ty phải tìm cách tiếp cận thị trường một cách nhanh chóng và ít tốn kém. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải tận dụng lợi thế của người đến sau bằng cách lấy những câu chuyện kinh doanh thành công của các công ty đi trước làm bài học và suy nghĩ cách thực hiện hoặc áp dụng hiệu quả hơn.

Với thị trường rộng lớn nhưng cạnh tranh cao, nhiều doanh nghiệp giờ đây tập trung vào quản lý và tài chính. Sự yếu kém trong chuỗi cung ứng chính là nút thắt của các doanh nghiệp thương mại điện tử ở đây. Đa số doanh nghiệp là những công ty địa phương và năng lực phân phối vẫn còn hạn chế nhưng lại phải đảm bảo chuyển hàng đến từng khách hàng đơn lẻ trên khắp Trung Quốc. Đó thực sự là thách thức và bài toán lớn.

Tuy thị trường rộng lớn và phát triển nhanh nhưng để chiếm được thị phần không dễ. Do đó, các công ty lớn đều cố gắng tăng cường năng lực cạnh tranh bằng cách mở rộng cơ sở, nhà kho, các trung tâm phân phối. Chẳng hạn như DangDang, nhà bán sách lớn nhất Trung Quốc, chọn cách yêu cầu nhà cung cấp chuyển hàng đến các trung tâm phân phối trên cả nước để có thể giao hàng một cách nhanh nhất.

Quay trở lại với “ngôi sao đang lên” Taobao, để kịp thời đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trực tuyến, Taobao đã tách các bộ phận thành ba công ty riêng lẻ:

- eTao, công cụ tìm kiếm mua sắm, giúp khách hàng dễ dàng tìm được người bán mong muốn.

- Taobao Mall, nơi trưng bày hàng hóa trực tuyến miễn phí cho khoảng 700.000 công ty bao gồm cả những nhãn hiệu hàng đầu của nước ngoài.

- Taobao marketplace miễn phí cho những người buôn bán nhỏ kinh doanh, Taobao chỉ kiếm lợi nhuận từ quảng cáo.

Các chuyên gia nhận định các mô hình kinh doanh như Taobao, Dangdang đang phát triển nhanh và ngày càng lớn mạnh hơn về quy mô nên rõ ràng thật khó để dự đoán nền công nghiệp thương mại điện tử Trung Quốc sẽ tăng trưởng đến đâu trong tương lai.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // BBC)

  • Tổng thống Singapore có quyền gì?
  • Trung Quốc đặt điều kiện với châu Âu
  • Cuộc cách mạng thầm lặng ở châu Á
  • Indonesia sẽ là nước sản xuất cacao lớn nhất châu Á
  • Malaysia siết chặt các quy định về sản xuất tổ yến
  • “Ngôi” giàu nhất Trung Quốc có chủ mới
  • Châu Á nô nức đón mừng Tết Trung thu
  • Sức ép lạm phát tại Trung Quốc giảm trong tháng 8