Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mỹ đang đùa với lửa?

Trong nhiều năm, các bộ trưởng tài chính Mỹ nhắc đi nhắc lại rằng Mỹ cam kết áp dụng chính sách đồng USD mạnh. Tuy nhiên, khi đồng USD trượt xuống sát các mức thấp nhất mọi thời đại, chính quyền Tổng thống Obama lại “im hơi lặng tiếng”. Lần cuối cùng mà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner sử dụng cụm từ “đồng USD mạnh” là vào tháng 11/2010. Nếu nhìn lại các bài phát biểu và cơ sở dữ liệu thông tin, dường như ông Geithner không có gì để nói về vấn đề này.

Trong khi đó, mức lãi suất thấp kỷ lục, chương trình mua trái phiếu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), thâm hụt ngân sách lớn và chính sách việc làm dựa vào tăng trưởng xuất khẩu của Nhà Trắng là các nguyên nhân khiến đồng USD rớt giá.

Tất cả các yếu tố này khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư và chuyên gia tiền tệ nghĩ rằng Washington đang dần chấp nhận sự mất giá từ từ của đồng nội tệ với hy vọng giúp nền kinh tế phục hồi mạnh sau khi thoát khỏi khủng hoảng tài chính.

“Không có chứng cứ rõ ràng nào về vần đề này trong bất kỳ nhận định hay phát biểu chính thức nào từ các quan chức hàng đầu, nhưng thực tế là Mỹ đang cho phép hoặc cố ý cho phép đồng USD mất giá”, ông Allen Sinai, nhà kinh tế trưởng phụ trách các vấn đề toàn cầu của Decision Economics tại Boston nhận định.

Ông cho cho biết, giá trị của đồng USD đang sụt giảm do chính sách tiền tệ siêu nới lỏng được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) áp dụng trong hơn 2 năm qua. Các thị trường sẽ không mua vào USD khi lãi suất ở mức gần 0% và nền kinh tế chỉ tăng trưởng với tốc độ bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc. Đây là một lựa chọn khá dễ dàng đối với nhà đầu tư.

Hôm 21/4, chỉ số đồng USD, thước đo của đồng tiền này so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, đã giảm xuống 73,735, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2008 và nhiều khả năng tiếp tục rớt xuống mức thấp kỷ lục 70,698 vào tháng 3/2008. Trong khi đó, đồng EUR tăng vọt lên mức cao 16 tháng so với đồng USD lên trên 1.46 USD/EUR.

Cuối năm ngoái, ông Geithner nhất quyết phủ nhận việc theo đuổi chính sách tiền tệ nhằm giảm giá đồng USD.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ sử dụng đồng USD như một công cụ nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh. Tôi rất vui mừng khẳng định rằng đồng USD mạnh là mối quan tâm của Mỹ,” ông Geithner khẳng định tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính của Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.

Dù vậy, một điều không thể phủ nhận là các thị trường tài chính đang chứng kiến sự mất giá khá mạnh của đồng USD so với các đồng tiền khác do yêu cầu từ chính sách thương mại.

Ông David Gilmore, một đối tác tại FX Analytics, Connecticut cho rằng: “Điều này đã được đề cập ẩn ý trong lời kêu gọi gia tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của chính quyền Tổng thống Obama. Đây là điều không thể xảy ra nếu không có sự rớt giá của đồng USD”.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ Mỹ liên tục thúc ép các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc cho phép đồng nội tệ tăng giá càng củng cố cho nhận định này.

Đa số các ý kiến tranh luận về sự trượt giảm của đồng USD đều xuất phát từ chính sách giữ lãi suất thấp để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế của FED sau cuộc khủng hoảng 2007-2009. Đồng USD đã trượt giảm 6,2% so với 6 loại tiền tệ chính khác trong năm nay.

Chính sách này đã từng đối mặt với làn sóng chỉ trích từ các cường quốc kinh tế mới trên thế giới như Mỹ Latinh và châu Á. Các quốc gia này cho rằng chính sách tiền tệ của Mỹ khiến lạm phát toàn cầu leo thang và ảnh hưởng không tốt đến các nỗ lực cân bằng nền kinh tế toàn cầu.
Các báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp lạc quan được công bố trong tuần cho thấy đồng đồng USD yếu đã giúp các công ty Mỹ dễ dàng hơn khi bán thuốc, hóa chất và thực phẩm cho các thị trường nước ngoài.

Một nhà kinh tế từng làm việc cho Nhà Trắng kết luận rằng: “Theo tôi, Mỹ không chủ ý theo đuổi chính sách đồng USD yếu nhưng thực tế là mức lãi suất thấp và chính sách kích thích tiền tệ đã khiến đồng USD mất giá. Đây chắc chắn là một cơ chế có thể dẫn đến chính sách đồng USD yếu”.
Một chiến lược như thế sẽ gây ra những rủi ro rất lớn, đặc biệt là rủi ro lạm phát.

Đối với nhiều người, chương trình mua trái phiếu Chính phủ của FED cũng tương đương với việc nước này tăng cường in tiền, và do đó phá giá đồng nội tệ.

Hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa Steve Stivers cho rằng: “Khi FED in tiền, giá trị đồng USD sẽ suy yếu và châm ngòi cho lạm phát cao”.

Tương tự, Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Jim DeMint vào tháng trước cũng cho rằng: “Chương trình nới lỏng định lượng hay tiền tệ hóa các khoản nợ đã gây ra một số quan ngại về giá trị của đồng USD trong dài hạn”.

Thật vậy, Tổng thống Obama đã nghiêm khắc lên tiếng chỉ trích khi giá xăng đầu tại Mỹ tăng vọt, một phần là do nhà đầu tư có thể vay mượn với lãi suất thấp tại Mỹ để đầu tư vào dầu thô và các hàng hóa khác. Hôm 21/4, ông đã yêu cầu một số cơ quan liên bang tiến hành điều tra các vụ lừa đảo trên thị trường năng lượng.

Dĩ nhiên, không có quan chức nào trong chính quyền Obama có thể chính thức thừa nhận đồng USD đang mất giá.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc cho phép đồng USD giảm giá chậm hơn không phải là một chính sách đáng sợ trừ khi đà sụt giảm của đồng tiền này gây nên tình trạng hỗn độn.

Ông C. Fred Bergsten, Giám đốc nhóm chuyên gia nghiên cứu của Viện Peterson tại Washington nhận định: “Đây là một phần cần thiết trong quá trình tái cân bằng toàn cầu và tái cân bằng trong nước vì Mỹ từng thừa nhận rằng nước này cần giảm sự phụ thuộc vào chi tiêu tiêu dùng và tập trung nhiều hơn vào đà tăng trưởng nhờ xuất khẩu”.

Là một nhà bình luận nổi tiếng về chính sách tỷ giá, ông Bergsten cho biết kể từ năm 2002 đến nay, đồng USD đã trải qua thị trường giá giảm kéo dài 9 năm, trừ các đợt phục hồi mạnh khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ vào năm 2008 và vào năm ngoái khi khủng hoảng nợ châu Âu bước vào giai đoạn nước sôi lửa bỏng.

Điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều hoạt động tái cân bằng tỷ giá đã được thực hiện, ngoại trừ sự thiếu liên kết giữa giá trị của đồng Nhân dân tệ và đồng USD. Ông Bergsten ước tính đồng Nhân dân tệ vẫn còn bị định giá thấp khoảng 20%.

Trên các thị trường tài chính, các thành phần tham gia thị trường dự báo đồng USD sẽ tiếp tục sụt giá, một phần do mối hoài nghi rằng chính quyền Obama và Đảng Cộng hòa sắp đạt được thỏa thuận về cách thức cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Ông Mohamed El-Erian, đồng Giám đốc đầu tư của PIMCO, quỹ đầu tư trái phiếu hàng đầu thế giới với tổng số tài sản đang quản lý ở vào khoảng 1.2 ngàn tỷ USD tài sản và hiện đang đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Mỹ, cho biết: “Sự thiếu vắng của các vấn đề trên thế giới, lịch sử và tình hình của nền kinh tế cho thấy quan điểm chính sách tài chính và tiền tệ sẽ tiếp tục gây sức ép lên đồng USD”.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nổi tiếng Jim Rogers cảnh báo rằng nhà đầu tư sẽ ngừng  mua các tài sản ngày càng rủi ro của Chính phủ Mỹ thậm chí khi lợi nhuận tăng cao hơn so với hiện nay.

Nhận định trên mục Reuters Insider, ông cho biết: “Mọi người nhận ra rằng việc cho Chính phủ Mỹ vay tiền trong 30 năm với lãi suất từ 3-6% là một điều ngớ ngẩn”.

(Vitinfo)

  • Có thật Mỹ đang suy thoái không?
  • BP đồng ý chi 1 tỷ USD để khắc phục sự cố tràn dầu
  • Chính phủ Mỹ có thể phá sản không?
  • Brazil: Ngành công nghiệp chịu thiệt hại từ hàng giá rẻ châu Á
  • Obama: Đầu cơ đẩy giá dầu tăng cao
  • J. Rogers: “Mỹ sẽ tái khởi động cỗ máy in tiền trong 2 năm tới”
  • Mỹ bị cảnh báo về tụt hạng uy tín
  • Thời đại Mỹ nới lỏng tiền tệ có thể sẽ chấm dứt