Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mỹ thờ ơ với kế hoạch kích thích kinh tế của ông Obama

Kết quả một cuộc khảo sát toàn quốc công bố ngày hôm qua cho thấy kế hoạch kích thích kinh tế mà ông Obama đang thúc giục Thượng viện thông qua không được nhiều người dân ủng hộ.

Số người ủng hộ và phản đối kế hoạch trị giá 800 tỷ USD, được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện hôm nay, không chênh nhau là mấy - 54% và 45%.

 

Kế hoạch đã được Hạ viện thông qua cách đây hai tuần, mặc dù không được nghị sĩ nào thuộc phe Cộng hòa bỏ phiếu. Nếu không được phe Cộng hòa ủng hộ thì kế hoạch khó lòng được thông qua ở Thượng viện. Kế hoạch trình Thượng viện hôm nay là bản đã được sửa đổi, tập trung nhiều hơn vào giảm thuế và giải quyết khủng hoảng nhà đất.

 

64% số người được hỏi tin tưởng kế hoạch sẽ phát huy hiệu quả to lớn, trong khi 36% còn lại cho rằng nó chẳng có tác dụng gì nhiều.

 

Giới phân tích nhận định, người dân thờ ơ với kế hoạch này bởi họ không nhìn thấy lợi ích gì đáng kể từ đó.

 

Ngoài ra, 55% số người được hỏi cho rằng kế hoạch kích thích kinh tế quá tốn kém, trong khi khoảng 33% cho rằng con số đó là vừa phải.

 

Cuộc khảo sát được tiến hành cuối tuần qua, với sự tham gia của hơn 800 người trên khắp nước Mỹ.

 

Cũng ngày hôm qua, ông Obama đã lên truyền hình vào giờ cao điểm, phát biểu nhấn mạnh sự cấp bách của kế hoạch kích thích kinh tế.

 

Ông thúc giục Quốc hội Mỹ hành động khẩn trương, và cho rằng chỉ có chính phủ liên bang mới đủ lực phá vỡ vòng luẩn quẩn của nền kinh tế Mỹ.

 

“Sự thật là chúng ta không thể chỉ trông chờ vào chính phủ để tạo ra việc làm. Cần và phải có sự góp tay của khối tư nhân. Nhưng vào thời điểm đặc biệt này, khi khối tư nhân đang bị cuộc khủng hoảng làm cho suy yếu, chính phủ là thể chế duy nhất có đủ nguồn lực để phục hồi nền kinh tế.”

 

Ông phát biểu, mặc dù không hoàn hảo nhưng kế hoạch kích thích kinh tế sẽ giúp tạo ra bốn triệu việc làm.

 

Ông bày tỏ tin tưởng nước Mỹ sẽ giải quyết được các vấn đề kinh tế, nếu hành động quyết liệt và lấy Nhật Bản làm ví dụ để chỉ ra rằng nếu không hành động thì suy thoái sẽ còn dai dẳng.

 

“Chúng ta chứng kiến điều này đã xảy ra ở Nhật Bản những năm 1990. Vì Nhật Bản không hành động quyết liệt và kịp thời nên suốt thập kỷ 90, mà người Nhật gọi là thập kỷ mất mát, họ không đạt được con số tăng trưởng đáng kể nào.”

(theo báo Nhân dân)

  • Colombia và Peru bắt đầu vòng đàm phán FTA với EU
  • Báo in Mỹ tự cứu mình trong cơn khủng hoảng
  • Mỹ công bố chính sách ngoại giao
  • Mỹ sẽ lắng nghe thế giới
  • Mỹ hoãn công bố kế hoạch cứu trợ ngân hàng
  • Kế hoạch kích thích kinh tế Mỹ “qua cửa” Thượng viện
  • Hưu muộn - giải pháp của Mỹ thời khủng hoảng
  • Mỹ: Một số thành phố lớn có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm