Dự luật cải cách tài chính của Mỹ nhằm siết chặt quản lý các tập đoàn tài chính nước này được xem như đã thất bại bước đầu khi ngày 27-4 Thượng viện đã không thể thông qua việc đưa dự luật ra thảo luận với tỷ lệ bỏ phiếu 57/41, 2 phiếu trắng. Kết quả này khá bất ngờ đối với đảng Dân chủ vì họ dự đoán mình ít nhất sẽ được 59 phiếu và vì vậy chỉ cần vận động một phiếu của các nghị sĩ đảng Cộng hòa là đủ.
Bất ngờ vào phút chót khi hai nghị sĩ đảng Dân chủ bỏ phiếu chống lại dự luật. Báo chí Mỹ cho rằng ông Ben Nelson, nghị sĩ bang Nebraska thuộc đảng Dân chủ không thể bỏ phiếu thuận chỉ vì bị sức ép từ các trùm tài phiệt của bang này.
Các thể chế tài chính của Mỹ bị chỉ trích chính là kẻ đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, làm hàng trăm triệu người từ Mỹ đến châu Âu thất nghiệp, bị đẩy ra đường. Nguyên nhân là do những chiêu lừa dối như kiểu của Goldman Sachs, chiến lược kinh doanh thiếu tính ổn định, thậm chí như nhiều chuyên gia nói là liều mạng của hệ thống ngân hàng. Thế mà sau khi họ được nhà nước cứu trợ từ tiền thuế của người dân, thì lại lấy tiền đó thưởng cho các quan chức lãnh đạo của họ.
Người dân Mỹ đang rất bức xúc trước thái độ vô trách nhiệm và vô đạo đức của hệ thống ngân hàng và cho rằng đây không còn là lúc gióng lên hồi chuông báo động mà đã đến lúc hành động. Báo Washington Post kết hợp với Kênh truyền hình ABC tiến hành cuộc thăm dò dư luận cho thấy có đến 65% người dân Mỹ ủng hộ thắt chặt quy định đối với Phố Wall.
Tuy kết quả thăm dò được đưa ra trước cuộc bỏ phiếu và thông tin về kết quả điều tra ngân hàng Goldman Sachs cho thấy ngân hàng này từng trục lợi bằng cách lừa dối người dân Mỹ cùng các ngân hàng nước ngoài khác, nhưng các nghị sĩ Cộng hòa vẫn bỏ phiếu chống lại việc thảo luận dự luật. Dư luận Mỹ cho rằng các nghị sĩ Cộng hòa đã đứng bên cạnh các ngân hàng lớn và việc họ trì hoãn dự luật là nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng “chạy luật”.
Chính Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng phải thốt lên rằng ông vô cùng thất vọng vì sự thất bại này. Ông nói một vài nghị sĩ tin rằng việc cản trở dự luật là một chiến lược chính trị (cho cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 11 tới) và một số khác thì thấy việc trì hoãn là một cơ hội cho họ tổ chức thảo luận kín, nơi những người vận động hành lang ngành công nghiệp tài chính có thể giảm nhẹ các quy định trong dự luật hoặc thậm chí là giết chết nó.
Cuộc đấu tranh cho dự luật cải cách Phố Wall cũng tương tự như cuộc đấu tranh cho luật cải cách bảo hiểm y tế nhằm mang lại quyền lợi cho người lao động Mỹ. Những gì đang diễn ra ở cơ quan lập pháp Mỹ không chỉ đơn giản chỉ là cuộc đấu tranh xung quanh một đạo luật. Nó còn cho thấy cơ quan này bị ảnh hưởng rất lớn từ các tập đoàn kinh tế lớn. Thực tế đó chứng minh một sự thật hiển nhiên rằng chủ nghĩa tư bản luôn vì lợi ích của các ông chủ tư bản, hơn là vì lợi ích của nhân dân.
(Theo VIỆT TRUNG // SGGP online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com