Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ế vé World Cup, Nam Phi lo sốt vó

Một fan người Algeria khoe tấm vé xem trận cầu giữa đội nhà và Ai Cập tại World Cup 2010 - Ảnh: AP.

Là nước chủ nhà của Cúp bóng đá thế giới (World Cup) 2010, Nam Phi đã chi 4,6 tỷ USD để chuẩn bị cho “bữa tiệc” này, bao gồm việc xây dựng và nâng cấp 10 sân vận động đẳng cấp quốc tế. Điều Nam Phi cần lúc này là một số lượng khổng lồ du khách, nhưng kỳ vọng của họ có vẻ như sẽ khó được đáp ứng.

Tờ Business Week cho biết, ban đầu, Chính phủ Nam Phi đặt mục tiêu sự kiện thể thao có lượng khán giả đông đảo nhất hành tinh sẽ đem đến cho họ 450.000 du khách quốc tế, qua đó giúp tạo ra công ăn việc làm cho 1/4 số người hiện đang thất nghiệp hiện nay ở nước này. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, khi sắp tới ngày bóng lăn trong trận khai mạc World Cup 2010 (11/6), các nhà trách của nước chủ nhà đã phải hạ mức kỳ vọng của mình xuống.

Con số du khách quốc tế mà Nam Phi dự kiến sẽ đặt chân tới nước này để chiêm ngưỡng các trận túc cầu trong khuôn khổ World Cup hiện chỉ còn 350.000 người. Một số ý kiến thậm chí còn cho rằng, đây là một con số có phần quá lạc quan, vì từ tháng 3 tới nay, mới chỉ có khoảng 100.000 vé máy bay quốc tế được đặt trước cho sự kiện này.

Tương tự, ước tính về đóng góp của bữa tiệc bóng đá lớn nhất thế giới vào GDP của Nam Phi cũng được cắt giảm tới một nửa, xuống còn 0,5%. “Khi chúng tôi được trao quyền đăng cai World Cup vào năm 2004, tình hình kinh tế hoàn toàn khác. Giờ chúng tôi phải điều chỉnh lại các kỳ vọng và cần phải thực tế”, ông Makhenkesi Stofile, Bộ trưởng Bộ Thể thao Nam Phi, phát biểu hôm 19/3.

Lượng du khách thấp sẽ là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của Chính phủ Nam Phi nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế vốn vừa mới thoát lần suy thoái đầu tiên trong 17 năm của nước này. Đó cũng sẽ là một điều đáng buồn đối với Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và ông Sepp Blatter, người đứng đầu Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) - hai người luôn lên tiếng khẳng định rằng World Cup lần đầu được tổ chức tại lục địa đen sẽ gặt hái thành công.

Những thống kê liên quan tới World Cup tại Nam Phi tới thời điểm này không phải là những con số tuyệt vời.

Match Services, một công ty Thụy Sỹ mà FIFA ký hợp đồng để cung cấp vé và dịch vụ lưu trú cho sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh, mới chỉ cung cấp được quyền đặt phòng trước cho hơn 450.000 đêm lưu trú. Theo FIFA, lượng đặt trước các gói dịch vụ dành cho doanh nghiệp như các nhà tài trợ và các đối tác của sự kiện mới chỉ đạt 50% mục tiêu, vì nhiều đơn vị đã trả lại hàng ngàn vé hạng cao cấp.

Nói về lý do ngại tới Nam Phi xem bóng đá mùa hè này, nhiều “tín đồ” của môn túc cầu giáo cho biết họ dè dặt vì mức chi phí cao phải trả cho những chuyến bay dài và chỗ ở khách sạn. “Toàn bộ chuyến đi kéo dài hai tuần sẽ khiến mỗi người trong chúng tôi tốn hơn 3.000 USD. Số tiền đó là quá nhiều”, anh David McNally, một kế toán ở Swindon, Anh, người có ý định tới Nam Phi cùng bạn bè để xem World Cup, cho hay.

Tuy nhiên, ngoài khu vực châu Phi, tới thời điểm hiện nay, Mỹ là quốc gia có lượng mua vé xem World Cup nhiều nhất, với 108.000 vé đã được mua. Điều này cho thấy, người Mỹ đã thích bóng đá hơn trước. Để tăng thêm sức hấp dẫn đối với các khán giả từ Mỹ, FIFA đã gây áp lực buộc hãng hàng không Emirates, nhà tài trợ của World Cup, cắt giảm giá cho chuyến các bay khứ hồi của hãng này từ New York tới Johannesburg xuống còn 2.000 USD, từ mức 3.000 USD.

Theo nhận định của Business Week, trong trường hợp khả quan nhất, Nam Phi cũng khó có thể lặp lại được thành công của World Cup 2006 diễn ra tại Đức. Thống kê của Chính phủ Đức cho thấy, với sự kiện năm đó, Đức đã thu hút được 2 triệu du khách quốc tế, đem đến cho ngành du lịch doanh thu 400 triệu USD, ngành bán lẻ 2,7 tỷ USD.

“World Cup tổ chức tại châu Âu luôn được lợi vì có tới hơn một nửa số đội bóng tham gia đến từ các quốc gia ngay ở châu lục này”, ông Jaime Byrom, Chủ tịch công ty Match, nhận xét.

Mặc dù các nhà chức trách Nam Phi vẫn đang kỳ vọng lượng du khách đặt mua vé tới xem World Cup sẽ tăng vọt vào phút cuối khi các công ty du lịch hạ giá tour, các chuyên gia vẫn cho rằng, tốt hơn hết, họ nên kiềm chế hy vọng.

(Theo Kiều Oanh // Vneconomy)

  • Nam Phi có sáng kiến mới chống săn bắn tê giác
  • Sự trỗi dậy ngọt ngào của châu Phi
  • Châu Phi: Nghèo đói trên núi vàng
  • Châu Phi bắt đầu 'ớn' đầu tư Trung Quốc?
  • Mỹ Latin bùng nổ trong khủng hoảng
  • Đổ xô đến châu Phi kinh doanh rượu bia
  • Trung Quốc muốn gì ở châu Phi?
  • Trung Quốc xây “thành phố ma” giữa lòng châu Phi
  • Nigeria: Dân tuyên chiến với chủ mỏ Trung Quốc
  • Câu chuyện về trẻ em đi lính ở châu Phi: Kỳ 1: Những 'cỗ máy giết người' tuổi vị thành niên
  • Thảm sát tại Nigeria
  • Châu Phi kỳ vọng vào "sự bùng nổ du lịch"
  • Con đường hòa bình ở Darfur (Sudan) còn khúc khuỷu
  • Haiti: Động đất 30 giây, thiệt hại 60% GDP
  • Xômali: Thách thức vẫn hiện hữu
  • Phép mầu ở Haiti