Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển nông nghiệp, chìa khóa giảm đói nghèo ở châu Phi

Vùng đất nông nghiệp phía nam
sa mạc Sa-Ha-Ra.
 - Trong khi nhiều nước châu Á những năm qua đã vươn lên trở thành cường quốc về nông nghiệp, thì ở châu Phi, lục địa có rất nhiều tiềm năng về thiên nhiên và con người thì nông nghiệp chưa phát triển. Hội nghị các bộ trưởng tài chính, kế hoạch kinh tế và phát triển của châu Phi do LHQ và Liên minh châu Phi (AU) chủ trì mới đây, đã khẳng định cam kết của các nước châu Phi tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp và dành nguồn ngân sách tương xứng cho khu vực kinh tế sống còn này, coi đây là chìa khóa giúp xóa đói, giảm nghèo.

 Trong số một tỷ người trên thế giới bị đói có tới 265 triệu người sống tại châu Phi. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ đói nghèo ở châu Phi cao là do người dân châu lục này chưa biết tận dụng lợi thế thiên nhiên ưu đãi và nguồn nhân lực dồi dào để phát triển nông nghiệp. Nông nghiệp ở châu Phi chưa phát triển bởi phần lớn người dân  phụ thuộc vào thiên nhiên, chưa biết sử dụng phân bón. Chỉ có 4% diện tích đất nông nghiệp ở lục địa đen được tưới nước. Trong khi đó, theo các chuyên gia,  sử dụng phân bón sẽ giúp sản lượng ngũ cốc có thể tăng gấp 12 lần, từ 500 kg lên sáu tấn/ha. Với khoảng từ 80 đến 100 triệu nông dân sở hữu đất nông nghiệp ở khu vực Ðông Phi và 25 triệu nông dân ở Nam Phi, nông nghiệp được coi như giải pháp thiết thực bảo đảm an ninh lương thực ở khu vực phía đông và vùng Sừng châu Phi. LHQ và AU đã kêu gọi các nước châu Phi cần đưa nông nghiệp trở thành trung tâm của chính sách phát triển của đất nước, nhằm tạo việc làm và đối phó hiệu quả cuộc khủng hoảng lương thực, mối đe dọa thường trực của châu lục này. Các nước châu Phi nhất trí thúc đẩy Chương trình ưu tiên phát triển nông nghiệp toàn diện đã được thỏa thuận tại Hội nghị cấp cao AU ở Thủ đô Ma-pu-tô của Mô-dăm-bích năm 2003 nhằm đạt mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực toàn châu lục trong vòng năm năm tới; coi nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, cơ sở hạ tầng là động lực quan trọng của phát triển.

LHQ và AU kêu gọi các nước châu Phi thực hiện các biện pháp cụ thể như hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho nông dân, thúc đẩy toàn châu lục phát triển công nghiệp sản xuất phân bón, thực hiện các bước đi ổn định thị trường nông sản, vật tư phục vụ nông nghiệp và nông dân nhằm tăng cường sức cạnh tranh của nông sản châu Phi. Những biện pháp này cần được thực hiện trong bối cảnh các chiến lược bao quát và thích hợp để tạo việc làm, bảo vệ môi trường, thích nghi với biến đổi khí hậu, bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững của châu Phi.
 
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) cho biết, dự án phát triển nông nghiệp trên cơ sở tín dụng đã được triển khai thành công ở Ni-giê và có thể nhân rộng mô hình này sang các nước Tây Phi khác như Buốc-ki-na Pha-xô, Ma-li và Xê-nê-gan. Chuyên gia về tài chính nông thôn của FAO A.Ô-lốp-xơn cho rằng, tăng sản lượng lương thực không phải là biện pháp duy nhất để tăng cường an ninh lương thực. Hệ thống tín dụng dựa trên hàng gửi trong kho có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện cuộc sống của người nông dân. Từ năm 1999, FAO đã triển khai dự án tín dụng dựa trên hàng gửi trong kho ở Ni-giê. Theo đó, nông dân không phải bán hoa màu ngay sau vụ thu hoạch, thời điểm giá nông sản thường thấp. Họ có thể đưa hoa màu, nông sản vào kho chứa và nhận tiền tín dụng của ngân hàng. Nhờ thế nông dân có tiền để mua hạt giống, phân bón và công cụ sản xuất phục vụ mùa gieo trồng kế tiếp, trong khi hoa màu của họ được giữ trong kho chờ khi giá nông sản tăng cao hơn trên thị trường.  Với cách làm này, ngân hàng cũng được lợi nhờ lãi suất tín dụng. Kết quả đánh giá dự án này của FAO cho thấy, thu nhập của các hộ nông dân tham gia chương trình đã tăng từ 19 đến 113% trong mỗi vụ kéo dài sáu tháng. Tín dụng của ngân hàng đã giúp nông dân mua được các loại nguyên liệu đầu vào tốt hơn, nhờ đó sản lượng vụ mùa tiếp theo của họ cũng cao hơn, khoảng 120%. Nếu triển khai tốt, mô hình này cho phép nông dân vừa tăng sản lượng vừa tăng thu nhập và là giải pháp có lợi cho cả nông dân lẫn ngân hàng. FAO hy vọng việc mở rộng mô hình dự án này có thể giúp làm dịu khủng hoảng lương thực đang trầm trọng ở khu vực Tây Phi do lượng mưa trong những năm qua rất thấp. Tuy nhiên, tín dụng dựa trên hàng gửi trong kho chỉ thích hợp ở những nơi có hiệp hội nông dân hoạt động tốt và các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính tại địa phương quan tâm loại hình kinh doanh này. Mô hình này cũng chỉ phát huy tác dụng ở những khu vực mà thị trường thường theo quy luật giá nông sản thấp ngay sau vụ thu hoạch và tăng lên trong vài tháng sau đó.

(Theo Hà Lâm // Báo Nhân dân điện tử)

  • Nam Phi có sáng kiến mới chống săn bắn tê giác
  • Sự trỗi dậy ngọt ngào của châu Phi
  • Châu Phi: Nghèo đói trên núi vàng
  • Châu Phi bắt đầu 'ớn' đầu tư Trung Quốc?
  • Mỹ Latin bùng nổ trong khủng hoảng
  • Đổ xô đến châu Phi kinh doanh rượu bia
  • Trung Quốc muốn gì ở châu Phi?
  • Trung Quốc xây “thành phố ma” giữa lòng châu Phi
  • Châu Phi “khát” điện hạt nhân
  • Xung đột chủng tộc đe dọa World Cup 2010
  • Căng thẳng chủng tộc ở Nam Phi
  • Các nước mới nổi tăng đầu tư vào châu Phi
  • Ế vé World Cup, Nam Phi lo sốt vó
  • Nigeria: Dân tuyên chiến với chủ mỏ Trung Quốc
  • Câu chuyện về trẻ em đi lính ở châu Phi: Kỳ 1: Những 'cỗ máy giết người' tuổi vị thành niên
  • Thảm sát tại Nigeria