Sau một tuần có mặt ở bãi biển Martha’s Vineyard, Tổng thống Mỹ Barack Obama và gia đình đã trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh các cuộc thăm dò cho thấy, cảm tình dân chúng Mỹ dành cho ông vẫn cao, nhưng niềm tin họ đặt vào chương trình hành động của ông đang giảm.
Báo cáo của The Rasmussen Reports cho biết số người không tán thành đường lối làm việc của ông đã tăng lên đến 41%, chỉ có 27% hết lòng ủng hộ. Ngay chính tờ The Washington Post thường nghiêng về cánh Dân chủ cũng nói lúc ở Nhà Trắng được 100 ngày ông được 60% cử tri nhiệt liệt hoan nghênh, bây giờ con số này đang trên đà tụt dốc, chỉ còn 49%.
Ủng hộ giảm
Những con số vừa được phổ biến cách đây vài ngày khiến một vài nhà quan sát chính trị ở thủ đô phải lên tiếng, trong đó đáng chú ý nhất là nhận định của phân tích gia Charlie Cook: “Số người ủng hộ giảm đi sẽ gây những ảnh hưởng bất lợi cho cả tổng thống lẫn quốc hội đang dưới quyền điều khiển của đảng Dân chủ”. Nặng nề hơn nữa là phân tích của chiến lược gia Cộng hoà Joseph Pounder, hiện đang đặc trách chương trình tái ứng cử cho các chính trị gia cùng đảng ở bang Texas. Ông Pounder tin rằng mùa hè năm nay thay vì là những tháng tạo cơ hội cho các ông bà Dân chủ tươi cười hớn hở, ngược lại toàn những nỗi gian nan, đặc biệt là gian nan cho chính ông chủ Nhà Trắng.
Nếu nhìn lại chặng đường dẫn ông Obama về Washington D.C, ai cũng thấy tháng 8 không phải là tháng thuận lợi cho ông. Hai năm trước đây, tất cả thăm dò đều bảo người nắm chìa khoá phòng bầu dục là bà Hillary Clinton, số phiếu cử tri Mỹ dành cho bà Clinton hơn số phiếu dành cho ông Obama tới 30%. Cách đây đúng 12 tháng, cả nước Mỹ giật mình vì sự xuất hiện đầy bất ngờ và quyến rũ của bà Sarah Palin, đứng phó cho ông John McCain, quên hẳn bài diễn văn nảy lửa ông Obama đọc trước đại hội đảng tại Denver, trong đó có lời cam kết sẽ đưa nước Mỹ vào một kỷ nguyên mới, bỏ hẳn một quá khứ có quá nhiều sai sót.
Nhưng cuối cùng, ông Obama vẫn vượt qua được mọi khó khăn chính trị. Bất kể ủng hộ bên Dân chủ hay nghiêng về phía Cộng hoà, các nhà phân tích chính trị ở thủ đô đồng ý với nhau, những con số của các bảng thăm dò và dư luận đồn đãi không thể “hạ gục” được Obama. Cũng vì thế, ông phát ngôn viên Bill Burton tỉnh queo bảo: “Không có thời gian để xem con số lên xuống. Những trở ngại đang xảy ra chẳng khiến chúng tôi phải lo âu, đặc biệt trong khoảng thời gian ông Obama phải dồn hết nỗ lực để kêu gọi dân chúng và các chính trị gia hai đảng ủng hộ kế hoạch cải tổ y tế mà ông mong thực hiện. Nếu kế hoạch này dễ ăn thì các vị tổng thống tiền nhiệm đã làm từ lâu rồi, đâu còn chờ tới phiên ông Obama”.
Đòn quyết định: cải tổ bảo hiểm y tế
Dù Nhà Trắng mạnh miệng như thế, nhưng các vị dân cử cùng đảng với ông Obama vẫn chưa thấy an tâm. Thông thường khi uy tín của ông số một giảm, đương nhiên những ông bà nghị sĩ, dân biểu trong đảng cũng thấy ghế ngồi có vẻ lung lay. Đặc biệt tập thể cử tri Mỹ xưa nay nổi tiếng thích những con số và những con số được đưa ra không có gì hay ho lắm: chỉ có 31% cử tri ủng hộ hoạt động của lập pháp, tới 62% thở than các ông bà nghị Dân chủ chẳng làm nên trò trống gì cả!
Hiểu được mối lo nên cả ông chủ tịch khối đa số thượng viện Harry Reid lẫn ông trưởng ban điều hành đảng Chris Van Hollen ở hạ viện đều lên tiếng trấn an mọi người. Mới cuối tuần rồi khi nói chuyện với báo giới, ông Van Hollen lớn tiếng chê bai cánh Cộng hoà chuyên đánh đòn xấu vẽ nên hình ảnh một chính quyền Dân chủ làm việc không hữu hiệu để doạ dân chúng. Ông Reid cũng từng đưa ra lập luận tương tự, nói thêm cứ đợi đến ngày quốc hội trở lại làm việc sẽ biết tay nhau ngay. Vẫn ông Reid nói: “Đòn của đảng Cộng hoà chỉ là đòn gió đánh vào khoảng không. Sẽ có ngày gậy ông đập lưng ông cho mà xem”.
Lập luận của lãnh đạo Dân chủ ở quốc hội được sự ủng hộ triệt để của ông Phil Singer, chủ tịch công ty tư vấn chính trị Marathon Strategies và có thời là cố vấn báo chí cho bà Hillary Clinton. Ông Singer nhắc nhở đừng quên ông Obama từng trải qua những tháng 8 kinh hoàng và luôn luôn bật dậy vào đầu tháng 10. Ông Singer dự đoán trong 30 ngày tới, tất cả nhân viên của ông Obama sẽ bắt tay vào một cuộc vận động chính trị mới, xem những thành quả năm đầu chính là di sản sếp họ để lại cho nước Mỹ, đặc biệt là kế hoạch cải tổ bảo hiểm y tế mà ông Obama từng bảo bằng mọi giá phải đạt cho được. Khi được hỏi về các con số không mấy thuận lợi cho cá nhân tổng thống và cho đảng Dân chủ, ông Singer phá ra cười, bảo: “Mấy con số thống kê, thăm dò này chẳng ăn thua gì đâu. Cách đây hai năm tôi theo phò bà Clinton, lúc đó thăm dò nào cũng bảo bà chủ tôi sẽ làm chủ Nhà Trắng”.
( Theo Nguyên Đức (Washington D.C) // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com