Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lâm Bưu đã bức hại La Thụy Khanh như thế nào?

La Thụy Khanh khi là Bộ trưởng Bộ Công an

Sau năm 1964, do mâu thuẫn với La Thụy Khanh trong một số vấn đề lớn nên Lâm Bưu đã chuyển dần sang căm ghét và thù hằn với La Thụy Khanh. Lâm Bưu lộ rõ thái độ bất mãn đối với La Thụy Khanh bắt đầu từ Hội thao Võ thuật toàn quân năm 1964...

 La Thụy Khanh sinh ngày 31/5/1906 tại huyện Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên và tham gia phong trào học sinh yêu nước từ năm 1924. Năm 1928, La Thụy Khanh gia nhập đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc (TQ) tại Thượng Hải.

Trong cuộc Vạn lý Trường chinh, La Thụy Khanh đã đảm nhiệm chức vụ Tham mưu trưởng lực lượng tiên phong của Hồng quân. Sau khi Nhà nước TQ được thành lập, La Thụy Khanh đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an kiêm Phó chủ nhiệm Ủy ban Chính trị - Pháp luật.

Năm 1955, La Thụy Khanh được phong quân hàm Đại tướng và tháng 4/1955, được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng Quốc vụ viện. Tháng 9/1955, La Thụy Khanh được bổ nhiệm Tổng thư ký Quân ủy trung ương kiêm Tổng tham mưu trưởng và Phó bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau đó còn kiêm nhiệm chức Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp quốc phòng.

Lâm Bưu và La Thụy Khanh đã từng có quan hệ cấp trên cấp dưới trong một thời gian dài. Khi Lâm Bưu là Quân đoàn trưởng Quân đoàn Hồng quân số 4 thì La Thụy Khanh là Chính ủy Sư đoàn số 11. Lâm Bưu làm Quân đoàn trưởng Quân đoàn Hồng quân số 1 thì La Thụy Khanh là Cục trưởng Cục Cảnh vệ quân đoàn này.

Sau khi chuyển về Thiểm Tây, Lâm Bưu là Hiệu trưởng Đại học Hồng quân thì La Thụy Khanh là Trưởng ban Giáo vụ. Sau Hội nghị Lư Sơn năm 1950, Lâm Bưu đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay thế cho Bành Đức Hoài. Nguyên Tổng tham mưu trưởng Hoàng Khắc Thành do bị liệt vào “Tập đoàn phản đảng Bành Đức Hoài” nên đã bị miễn chức. Sau khi Lâm Bưu đề xuất ý kiến với Trung ương Đảng, La Thụy Khanh được điều chuyển từ vị trí Bộ trưởng Bộ Công an sang làm Tổng tham mưu trưởng.

Ban đầu mối quan hệ công việc giữa Lâm Bưu và La Thụy Khanh tương đối thuận lợi nhưng bắt đầu phát sinh mâu thuẫn nhỏ từ năm 1961. Sau năm 1964, do mâu thuẫn với La Thụy Khanh trong một số vấn đề lớn nên Lâm Bưu đã chuyển dần sang căm ghét và thù hằn với La Thụy Khanh.

Mùa thu năm 1965, Lâm Bưu đã nói với Đào Chú (Phó thủ tướng Quốc vụ viện) rằng: “Kể từ năm 1962, La Thụy Khanh đã dần bắt đầu xa cách, kìm hãm với tôi và đến năm 1965, họ La đã chính thức đối đầu với tôi”.

Lâm Bưu lộ rõ thái độ bất mãn đối với La Thụy Khanh bắt đầu từ Hội thao Võ thuật toàn quân năm 1964. Nhằm đẩy mạnh công tác huấn luyện bộ đội, mùa xuân năm 1964, Quân ủy trung ương quyết định tổ chức hoạt động hội thao võ thuật toàn quân. Trong vòng 3 tháng từ tháng 6 đến 8/1964, đã có 13 ngàn cán bộ, chiến sĩ thuộc 18 quân khu tham gia các hoạt động hội thao.

Trong hai ngày 15 và 16/6/1964, các lãnh đạo Nhà nước TQ gồm Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Chu Đức, Đổng Tất Vũ, Đặng Tiểu Bình đã kiểm duyệt hội thao võ thuật của lực lượng quân đội Bắc Kinh và Tế Nam.

Mao Trạch Đông đánh giá rất cao hoạt động hội thao võ thuật này và chỉ thị phải phổ cập những kinh nghiệm đúc kết được trong huấn luyện cho toàn quân. Tuy nhiên, quan điểm này lại khác với suy nghĩ của Lâm Bưu.

Ngay từ năm 1960, Lâm Bưu đã đưa ra quan điểm 4 trọng tâm cần lưu ý nhất với huấn luyện quân đội: đó là nhân tố con người, công tác chính trị, công tác tư tưởng và tư tưởng sống. Vì vậy hoạt động hội thao võ thuật toàn quân đã thể hiện sự không nhất trí với quan điểm của Lâm Bưu nên Lâm Bưu luôn thể hiện thái độ yên lặng và bàng quan với hoạt động này.

Tuy nhiên, Lâm Bưu cũng không bỏ qua và đã cho Diệp Quần đi điều tra ở một số đơn vị quân đội. Khi phát hiện thấy ở một số đơn vị, hoạt động huấn luyện võ thuật chỉ mang tính hình thức chủ nghĩa, Lâm Bưu đã mượn đó để chỉ trích hoạt động hội thao võ thuật toàn quân chỉ là quan điểm quân sự thuần túy và xung đột với vấn đề chính trị.

Tháng 11/1964, trong hội nghị công tác tổ chức toàn quân, Lâm Bưu đã đưa ra quan điểm yêu cầu Đảng ủy quân sự các cấp cần đặt công tác chính trị vào vị trí trọng tâm. Với áp lực của Lâm Bưu, hoạt động hội thao võ thuật của toàn quân đã phải hủy bỏ. La Thụy Khanh lại không đồng ý với ý kiến phê bình này của Lâm Bưu mà cho rằng công tác huấn luyện quân sự năm 1964 đã có những kết quả tốt nhất kể từ khi thành lập nước.

La Thụy Khanh nhiều lần đưa ra ý kiến rằng: “Nếu chỉ đơn thuần làm tốt công tác chính trị còn những việc khác đều không tốt thì đó chỉ là kiểu chính trị rỗng tuếch. Nếu công tác huấn luyện bộ đội không tốt thì chỉ làm lãng phí và thậm chí mất nước nếu có chiến tranh”. 

La Thụy Khanh (người chống gậy) sau khi được khôi phục danh dự.

Cũng chính vì mâu thuẫn này mà Lâm Bưu cho rằng La Thụy Khanh có ý đồ khác và nảy sinh ý định đánh đổ La Thụy Khanh. Tháng 5/1964, khi Mao Trạch Đông đưa ra vấn đề bồi dưỡng lớp lãnh đạo kế cận và yêu cầu mỗi người lãnh đạo đều phải chuẩn bị cho mình một người kế nhiệm đồng thời phải bồi dưỡng thế hệ tiếp sau nữa.

La Thụy Khanh đã có báo cáo với Lâm Bưu về vấn đề thay thế cán bộ lãnh đạo đã cao tuổi và trong đó có ý rằng, những cán bộ cao tuổi nên chủ động nhường quyền lãnh đạo cho người trẻ hơn. Lâm Bưu vốn đa nghi nên ngay lập tức nghĩ rằng ý kiến đó của La Thụy Khanh là nhằm ám chỉ ông ta nên rút lui. Vì vậy Lâm Bưu càng thêm quyết tâm loại bỏ La Thụy Khanh ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của TQ.

Để thực hiện mục đích này, Lâm Bưu đã chỉ thị cho một số tay chân như Lý Tác Bằng chuẩn bị tài liệu để vu cáo La Thụy Khanh và đồng thời cho Diệp Quần (vợ Lâm Bưu) báo cáo riêng với Mao Trạch Đông.

Ngày 30/11/1965, Diệp Quần đã xin gặp Mao Trạch Đông tại Hàng Châu và báo cáo về La Thụy Khanh. Trong buổi nói chuyện kéo dài 3 tiếng đồng hồ này, Diệp Quần đã nói với Mao Trạch Đông rằng: “La Thụy Khanh nắm quyền lớn về quân đội và công an nên nếu xảy ra sự cố thì hậu quả sẽ rất lớn. Chủ nghĩa cá nhân của La Thụy Khanh đã phát triển thành dã tâm lớn với mục tiêu là chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng của Lâm Bưu và tiếp sau đó là những vị trí cao hơn”

(Theo Quang Hải // Báo Công an nhân dân Online)

  • Tô vẽ lý lịch
  • Ông thầy Nhật về tỉnh lẻ
  • Từ hoa hậu đến nữ hoàng ma túy
  • Nhường chức
  • Nữ hoàng Thái Bình Dương
  • Nghiện thuốc lá
  • Phu nhân nghiêm khắc
  • Nguyên thủ trở thành "mèo con" trong vòng tay mẹ