Ông Abhisit khẳng định, thành công lớn nhất của chính phủ do ông đứng đầu là những thành tựu trong việc ngăn chặn đà suy giảm và phục hồi nền kinh tế Thái-lan và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nước này.
Các giải pháp về kinh tế được Thủ tướng Abhisit ca ngợi là một thành công lớn của đảng Dân chủ (đảng chủ chốt trong liên minh cầm quyền). Liên minh đã triển khai được những gói kích thích kinh tế đầu tư cho sức mạnh đã giúp nền kinh tế nước này đối phó với tác động lớn của khủng hoảng tài chính toàn cầu làm nền kinh tế của đất nước chao đảo trong giai đoạn trước đó. Ông Abhisit cho rằng, khi nắm quyền lực, chính phủ phải đương đầu và giải quyết ba nguy cơ đe dọa nền kinh tế và xã hội Thái-lan: biến động giá dầu; nền kinh tế toàn cầu dễ đổ vỡ, và các nhiễu loạn chính trị trong nước.
Ông Abhisit cho rằng, nền kinh tế Thái-lan sẽ chuyển biến tích cực trong quý cuối năm nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 11 đã tăng 17 %, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Thái-lan đã đạt mục tiêu đề ra là 14 triệu lượt người trong năm nay, giảm số người thất nghiệp từ 700 nghìn người còn 400 nghìn hiện nay
Thủ tướng Thái-lan Abhisit nhấn mạnh, chính sách kinh tế, xã hội của nước này đang tiến hành là chuyển đổi từ một nhà nước dân túy sang một nhà nước phúc lợi xã hội thông qua các biện pháp toàn diện như giáo dục 15 năm miễn phí; trợ cấp cho người có thu nhập thấp; phụ cấp cho người già và đặc biệt là các chương trình bảo lãnh cho sản xuất nông nghiệp có lợi cho đa số người dân.
Trong bài phúc trình, Thủ tướng Abhisit thừa nhận, còn nhiều vấn đề chính quyền phải đối mặt như tham nhũng tăng, bạo lực ác liệt hơn ở miền nam, xã hội bị chia rẽ và quan hệ với láng giềng.
Các trường hợp lạm dụng quyền lực, đặc biệt là trong các quan chức cấp cao của cảnh sát, cũng như tham nhũng làm thiệt hại môi trường, làm giá, các dự án đầu tư, mua sắm công đang tăng và trở thành mối quan tâm lớn của công chúng nước này.
Về bạo lực trong ba tỉnh biên giới phía nam, Thủ tướng Abhisit nói rằng, các cuộc tiến công chưa được chấm dứt, bạo lực có chiều hướng tăng, bất chấp những nỗ lực của các cơ quan an ninh. Băng-cốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách đối với miền nam, thiết lập một văn phòng đặc biệt của chính phủ để giám sát các vấn đề và đẩy nhanh đầu tư phát triển kinh tế khu vực biên giới phía nam thành khu kinh tế đặc biệt để cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân địa phương.
Về chính sách đối ngoại, ông Abhisit nói rằng, chính phủ đã củng cố và tăng cường hệ song phương với các quốc gia láng giềng như Lào, Malaysia.
Quan hệ Thái-lan - Campuchia đang gặp khó khăn. Quan hệ hai nước đang trong tiến trình bình thường hóa sau những vụ đụng độ trên biên giới năm 2008. Nhưng đến tháng 8-2009, quan hệ Thái-lan- Campuchia bắt đầu xấu đi sau khi Campuchia bổ nhiệm cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra làm cố vấn kinh tế và từ chối dẫn độ theo đòi hỏi của Thái-lan. Thủ tướng Abhisit cho biết, Chính phủ Thái-lan tiếp tục duy trì quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước và tiếp tục những nỗ lực để tìm một giải pháp cho vấn đề này theo một cách mà sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng nào xấu đến nhân dân hai nước.
Về cuộc xung đột chính trị kéo dài, đã gây ra rạn nứt sâu rộng trong xã hội Thái-lan, ông Abhisit thừa nhận, nhiều người dân có thể cảm thấy rằng chính phủ chưa làm đủ việc cần thiết mặc dù đã có nhiều cố gắng trong giới chức trách. Ông kêu gọi người dân Thái-lan hỗ trợ chính phủ làm việc vì sự thống nhất và tiến bộ chung của đất nước.
Về kế hoạch tương lai của chính phủ, Thủ tướng Abhisit cho biết, trong năm 2010, sẽ tiếp tục bơm 200 tỷ baht (hơn 6 tỷ USD) của gói kích thích để thúc đẩy nền kinh tế nước này.