Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thúc đẩy xu hướng liên kết kinh tế và chính trị trên thế giới

Trong bối cảnh năm 2009, thế giới trải qua cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều nước và khu vực trên thế giới đều coi trọng tăng cường hợp tác, liên kết quốc tế và khu vực về kinh tế và chính trị.
 
Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc thúc đẩy xu hướng liên kết kinh tế và chính trị trong năm qua là một trong những nhân tố giúp các nước và khu vực vượt qua khó khăn, bảo đảm ổn định về chính trị, xã hội để phát triển bền vững.

Ðưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống

Tại các hội nghị cấp cao diễn ra trong năm 2009, các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN) tiếp tục khẳng định quyết tâm đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống và đẩy mạnh thực hiện lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội vào năm 2015. Có thể nói, việc cam kết xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN năm 2015 không chỉ thể hiện tầm nhìn của ASEAN, mà còn là kết quả phát triển của ASEAN hơn bốn thập kỷ qua, thể hiện quyết tâm hội nhập sâu rộng của các nước thành viên, tạo tiền đề cơ bản cho cộng đồng, xây dựng một ASEAN vững mạnh, hài hòa, hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển và phồn vinh. Cùng với Hiến chương, ASEAN đã đề ra lộ trình thực hiện đến năm 2015 và những năm tiếp theo cho cả ba trụ cột là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội. 

Các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí tăng cường kết nối ASEAN, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin; thúc đẩy hợp tác về giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và giao lưu nhân dân; tăng cường trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó chú trọng tăng cường phối hợp chính sách và hợp tác ứng phó các thách thức mang tính toàn cầu.

 Các tiến trình hợp tác khu vực do ASEAN khởi xướng và giữ vai trò chủ đạo, như ASEAN+1 (ASEAN với từng nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), ASEAN+3, (ASEAN với ba nước nói trên), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Ðông Á (EAS)... đã trở thành những khuôn khổ quan trọng trong hợp tác và liên kết khu vực. Các bên đối thoại của ASEAN tiếp tục hỗ trợ ASEAN hợp tác, liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình hợp tác khu vực. Giữa tháng 11-2009, tại Thủ đô Singapore, nhân dịp Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 17 (APEC - 17), lần đầu các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ nhóm họp, thảo luận chủ đề "Quan hệ đối tác tăng cường vì hòa bình và thịnh vượng bền vững", nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm.

Năm 2010 là năm bản lề quan trọng để ASEAN đẩy mạnh các nỗ lực xây dựng Cộng đồng trong 5 năm còn lại. Ðồng thời, đây cũng là năm Hiệp hội đẩy nhanh hoàn tất đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho Cộng đồng ASEAN. Năm 2010 đánh dấu 15 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Từ ngày 1-1-2010, Việt Nam tiếp nhận cương vị Chủ tịch ASEAN. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu bật trọng tâm ưu tiên và chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam là "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động". Mục tiêu ưu tiên là góp phần tăng cường đoàn kết và liên kết ASEAN; Hoàn tất việc đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống; Ðẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; đồng thời mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các bên đối tác, qua đó, nâng cao vai trò và vị thế của ASEAN.

Tiến tới mục tiêu nhất thể hóa châu Âu

Năm 2009 ghi nhận những bước phát triển quan trọng của Liên hiệp châu Âu (EU) cả về đối nội và đối ngoại: Hiệp ước Lisbon, văn kiện đầy tham vọng về cải cách thể chế EU đã được toàn bộ 27 nước thành viên thông qua; Những rạn nứt, căng thẳng trong các mối quan hệ giữa EU với Mỹ, Nga từng bước được loại bỏ. Những bước tiến ở châu Âu không nằm ngoài xu hướng liên kết khu vực, đa phương trong quan hệ quốc tế đang nổi lên mạnh mẽ trên thế giới.

Ngày 1-12-2009, Hiệp ước Lisbon chính thức có hiệu lực, mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của EU, đưa EU tiến gần hơn mục tiêu nhất thể hóa châu Âu. Từ đây, EU xuất hiện trên vũ đài quốc tế với "hình ảnh chung" và "tiếng nói chung". Cơ chế Chủ tịch luân phiên, áp dụng trước đây  không phát huy được vai trò của EU, được thay bằng chức Chủ tịch EU, đại diện cao nhất của EU tại các diễn đàn quốc tế. Ba cơ quan, gồm Ủy ban châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng EU và Nghị viện châu Âu được mở rộng, theo hướng tăng quyền hạn và chức năng, đưa quá trình quyết định chính sách của EU đơn giản hơn và loại bỏ tình thế khó khăn trước đây, khi một chính sách không thông qua được do một thành viên phủ quyết. Hiệp ước Lisbon cũng đặt cơ sở để EU tái khởi động các kế hoạch mở rộng khối... EU lần đầu có chức Chủ tịch (nhiệm kỳ hai năm rưỡi), do cựu Thủ tướng Bỉ Herman Van Rompuy đảm nhiệm và Ðại diện cấp cao về chính sách đối ngoại (chức vụ được xem như Bộ trưởng Ngoại giao EU), do bà C.Ashton người Anh nắm giữ. 

Các nhà phân tích cho rằng, đối với giới lãnh đạo châu Âu, Hiệp ước Lisbon là bước tiến quan trọng để EU trở nên hiệu quả, có trách nhiệm hơn và nâng cao vai trò trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Việc Hiệp ước Lisbon được toàn bộ 27 quốc gia EU phê chuẩn đã cho thấy xu thế liên kết, hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các thành viên. Xu thế này cũng được thể hiện trong các cam kết chung của EU về phối hợp các biện pháp phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, cũng như thống nhất quan điểm của EU tại hai hội nghị cấp cao Nhóm G-20, tổ chức tại Luân Ðôn (Anh) và Pittsburgh (Mỹ) tháng 4 và 9-2009.

Xu thế hợp tác, liên kết, thúc đẩy đa phương trong quan hệ quốc tế còn  thể hiện trong nỗ lực của EU hàn gắn và khởi động lại những mối quan hệ chiến lược với các đối tác quốc tế. Trung tuần tháng 11-2009, Hội nghị cấp cao EU-Nga được tổ chức ở Thủ đô Stockholm của Thụy Ðiển, xem xét toàn diện mối quan hệ đối tác chiến lược EU-Nga, quan trọng nhất là ký Hiệp định hợp tác, đối tác mới và thảo luận đề xuất của Tổng thống Nga D.Medvedev về an ninh châu Âu. Gác lại những tranh cãi gay gắt chung quanh cuộc xung đột vũ trang tại khu vực Kavkaz tháng 8-2008, hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác về năng lượng, khôi phục kinh tế hậu khủng hoảng và thiết lập cơ cấu mới cho an ninh châu Âu. Ðầu tháng 11-2009, Hội nghị cấp cao Mỹ - EU lần đầu kể từ khi Tổng thống Mỹ B.Obama nhậm chức, cũng được tổ chức tại Washington (Mỹ), nhằm tăng cường quan hệ giữa hai bờ Ðại Tây Dương trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, thương mại và các vấn đề quốc tế. Tại Hội nghị cấp cao Trung Quốc - EU diễn ra ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), hai bên cũng nhất trí tăng cường quan hệ trên các phương diện chiến lược, toàn diện và ổn định...

Củng cố hợp tác, liên kết khu vực Mỹ la-tinh

Nét nổi bật trong chính sách đối ngoại năm 2009 của Chính phủ cánh tả các nước Mỹ la-tinh là tăng cường quan hệ hợp tác và liên kết, tích cực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Tại các cuộc gặp cấp cao song phương và khu vực, các nhà lãnh đạo Mỹ la-tinh luôn kêu gọi và khẳng định sự cần thiết tăng cường hợp tác, liên kết khu vực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định xã hội và nâng cao khả năng đối phó những thách thức của thời đại. Mỹ la-tinh chủ trương xây dựng một mô hình liên kết khu vực mới với bản sắc riêng, tôn trọng những quan điểm khác biệt, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của các dân tộc, củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực.

(Theo BaoNhandan)

  • Hoàng tử William ngủ ngoài đường
  • Ấn Độ: Thống đốc bang từ chức vì bê bối tình dục
  • Hoàng tử Anh bị hói đầu di truyền
  • Thủ tướng Italia thề đánh bại mafia vào năm 2013
  • Thủ tướng Ý bị tấn công, mặt đầy máu
  • Ông Berlusconi không được xuất viện sớm
  • Nhìn lại năm đầu tiên của Obama trên cương vị tổng thống: tiến bộ nhưng con đường dài và khó khăn vẫn còn ở phía trước
  • Bớt quyền để giữ quyền