Rừng Amazon với 60% diện tích khu rừng này thuộc về lãnh thổ Brazil. Đây là một khu bảo tồn thiên nhiên trên thế giới, là khu dự trữ sinh quyển cho loài người. Và “lá phổi” này gắn liền với hình ảnh một phụ nữ được mọi người trân trọng dành cho danh hiệu “Nữ anh hùng Trái đất”. Đó chính là cựu Bộ trưởng Môi trường của Brazil, bà Marina Silva.
“Nữ anh hùng Trái đất”
Marina Silva sinh ngày 8-2-1958, trong một gia đình thổ dân nghèo của bộ lạc ở Seringal Bagaco, miền Tây bang Acre (Brazil). Gia đình có đến 11 người con ấy sống trong khu vực rừng thiêng nước độc, heo hút. Nhà láng giềng gần nhất với gia đình này cũng cách nhà họ khoảng một giờ đi bộ xuyên rừng già. Bệnh tật là thứ ám ảnh với những ai sống ở Amazon. Hai cô em gái Silva cũng chết bởi sởi và sốt rét.
Mẹ mất năm Silva 11 tuổi và cô bé Silva đã phải lội bộ gần 15km mỗi ngày để cùng cha cạo mủ cao su kiếm sống. Không biết chữ, Silva chỉ biết làm toán nhẩm nhờ được bố dạy để không bị nhóm lái cao su ăn chặn.
![]() |
Bà Marina Silva (giữa) cùng trẻ em tại thành phố Curitiba, Brazil trong một đợt vận động bảo vệ môi trường năm 2006. |
Sau trận bệnh thập tử nhất sinh vì bệnh viêm gan, Silva rời nhà năm 16 tuổi và một mình đón xe buýt lên thành phố Rio Branco để tìm thầy thuốc. Tại đây, bà đã ghi danh vào khóa học do Giáo hội Công giáo tổ chức và mong muốn được trở thành một nữ tu. Suốt khoảng thời gian ấy, bà tự nuôi sống bản thân bằng nghề hầu bàn để có tiền đi học. Vào những kỳ nghỉ hè, Silva về nhà và lại giúp bố cạo mủ. Năm 26 tuổi, Silva tốt nghiệp cử nhân sử và trở thành giáo viên, và từ bỏ ý định làm nữ tu ban đầu.
Chính tuổi thơ cơ cực, mưu sinh vất vả cùng với những kiến thức góp nhặt được từ trường học, Marina Silva đã nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của tình trạng phá hoại rừng đang trên đà gia tăng nhanh chóng tại Brazil. Vì thế, bà đã đứng lên thành lập phong trào biểu tình ôn hòa nhằm chống lại các hành động khai thác gỗ bừa bãi cũng như việc thiêu đốt rừng vì các mục đích khác. Những nỗ lực ấy nhằm yêu cầu chính phủ ra tay mạnh trong cuộc chiến bảo vệ lá phổi xanh, hệ sinh thái Amazon.
Năm 1994, bà trở thành nghị sĩ quốc hội và bà được LHQ gọi là “Nhà vô địch Trái đất” (Champion of the Earth). Sau đó, bà được mời vào vị trí Bộ trưởng Môi trường của Brazil năm 2002 và bà đã nỗ lực hết mình để thực hiện kế hoạch quốc gia nhằm chống nạn phá rừng. Kết quả là một khu bảo tồn quốc gia với diện tích lên đến 160.000ha, mang tên Cerrado ra đời. Năm 2004, bà Marina Silva đã khánh thành ngân hàng DNA về các loại cây đầu tiên ở Brazil nhằm đánh dấu cho Tuần lễ môi trường thế giới. Bà cũng đã trồng một giống cây mới mang tên Tibouchina marinae. Sự ra đời của ngân hàng DNA này được xem như một giải pháp nhằm giữ lại và phát triển những loài cây hiếm.
Niềm hy vọng của đảng Xanh
Khi còn là sinh viên, Marina Silva gia nhập đảng Cộng sản Cách mạng và gặp Chico Mendes, cũng là công nhân cạo mủ cao su hoạt động tích cực trong phong trào bảo vệ môi trường. Chính Chico Mendes là người định hướng cho bà Silva đến với chính trị. Sau khi được bầu vào ủy viên hội đồng Rio Branco, bà Silva là người thợ cạo mủ cao su đầu tiên Brazil trở thành thượng nghị sĩ.
Năm 1996, bà cùng Cristina Narbona Ruiz (Bộ trưởng Môi trường Tây Ban Nha) được trao Giải môi trường Goldman (Goldman Environmental Prize). Năm 2007, bà được LHQ phong danh hiệu “Nhà vô địch Trái đất”. Năm 2009, bà được trao Giải môi trường Sophie. Chỉ trong thời gian ngắn ngồi ghế Bộ trưởng Môi trường, bà Silva đã giúp tình trạng phá rừng Amazon giảm đến 60%. Hơn 700 người bị bắt và hơn 1.500 công ty bị đóng cửa vì liên quan đến nạn khai thác rừng bừa bãi (từ năm 2003-2007) đã cho thấy sự quyết liệt của bà.
Trong 3 năm cuối ở vị trí Bộ trưởng Môi trường, Marina Silva giúp Trái đất tránh được lượng khí thải 520 triệu tấn CO2. Thế nhưng, tháng 5-2008, Marina Silva từ chức Bộ trưởng Môi trường vì cho rằng Chính phủ bắt đầu nhân nhượng trước sức ép của nhiều thế lực cũng như chạy theo quyền lợi kinh tế, thả lỏng mục tiêu bảo vệ môi trường.
Ngoài sứ mệnh của một nhà bảo vệ môi trường rất tích cực, bà cũng là người xúc tiến các kế hoạch để phát triển môi trường bền vững. Bà đã mạnh dạn đấu tranh cho công bằng xã hội, nhất là cho những bộ lạc, thổ dân vẫn còn ít được quan tâm tại Brazil. Bà cũng chính là người ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến kết nối mạng internet vệ tinh cho 150 bộ lạc và cộng đồng dân tộc thiểu số sống trong vùng Amazon.
Theo bà, internet không những giúp cho người dân nơi đây giao tiếp với thế giới bên ngoài mà họ còn nhanh chóng báo với cảnh sát khi xảy ra hiện tượng phá rừng và chỉ có họ mới bảo vệ tốt nhất khu vực mà họ đang sinh sống. Tháng 8-2009, bà Silva tuyên bố rời Đảng Công nhân để gia nhập Đảng Xanh, nơi bà sẽ đại diện ra tranh cử tổng thống Brazil vào tháng 10-2010.
Lịch sử của Brazil với chính thể Cộng hòa Tổng thống chưa từng có nữ tổng thống cũng như chưa từng có tổng thống là người da màu. Chiến dịch tranh cử tổng thống của quốc gia Nam Mỹ năm 2010 sẽ tạo ra sự cạnh tranh cam go giữa hai phụ nữ. Đó là bà Marina Silva và nữ đổng lý văn phòng tổng thống, bà Dilma Rousseff, là người được Tổng thống Lula da Silva chọn làm người kế nhiệm. Hy vọng ứng cử viên Marina Silva của đảng Xanh trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Brazil có lẽ là điều mà nhiều người dân của đất nước Nam Mỹ này đang mong đợi.
(Theo THIÊN NHƯ // SGGP online // NY Times)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com