Sau chiến thắng bầu cử, hôm nay (28-9), Angela Merkel trở lại văn phòng Thủ tướng Đức vẫn trên cương vị cũ nhưng bà phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ việc đưa nền kinh tế Đức thoát khỏi khủng hoảng tới sứ mệnh quân sự của nước này ở Afghanistan. "Tôi nghĩ chúng ta thực sự có quyền ăn mừng vào tối nay", Merkel tươi cười rạng rỡ nói với những người ủng hộ. "Nhưng tôi muốn nói với tất cả mọi người ở đất nước này rằng tôi muốn trở thành Thủ tướng của tất cả người Đức... Chúng ta còn rất nhiều việc ở phía trước". Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã chịu tác động nặng nề hơn cả từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và rơi vào tình trạng suy thoái tệ hại nhất kể từ Thế chiến II. Thất nghiệp, chủ đề được Merkel xác định là "ưu tiên giải quyết hàng đầu", đang đứng ở mức 8,3% nhưng dự kiến sẽ tăng cao trong vài tháng tới. Trong khi đó, công cuộc vực dậy nền kinh tế đã để lại một lỗ hổng lớn trong ngân sách tài chính công của Đức. Trong 4 năm qua, đảng CDU/CSU đã rơi vào thế bí trong một liên minh lớn nhưng "dị mộng" với Đảng Dân chủ Xã hội cánh tả (SPD). Lần này, đảng của bà Merkel có một liên minh đối tác "vừa ý" hơn trong chính phủ liên minh, đó là đảng Dân chủ Tự do (FDP) thiên về thương mại. Nữ Thủ tướng Đức hy vọng chính phủ mới sẽ giúp bà thực thi các chương trình cải cách "sống còn" để đưa nền kinh tế thoát khỏi khó khăn. "Mục tiêu chính của chúng ta đã đạt được, đó là một sự thay đổi chính phủ. Đối với tôi, đó thực sự là điều tuyệt vời", bà Merkel phát biểu trên truyền hình Đức. Và mặc dầu giành được chiến thắng, nhiều người cho rằng, số phiếu ủng hộ 33% - kết quả tồi tệ nhất của phe hữu trong 60 năm qua - là một đòn đau đối với vị nữ Thủ tướng. Merkel không cải thiện được tình trạng yếu kém của đảng mình từ cuộc bầu cử năm 2005, khi đảng này cũng chỉ giành được 35%. "Tôi luôn nói rằng nếu Merkel được 34% số phiếu hoặc ít hơn thì đó là một vấn đề đối với bà ấy", Gerd Langguth, giáo sư về khoa học chính trị thuộc Trường Đại học Bonn, nói. Giành được 23%, phe Dân chủ Xã hội (SPD) trở thành phe đối lập sau 11 năm tham gia chính phủ - bốn năm với Merkel và 7 năm trong một liên minh với Đảng Xanh thời Gerhard Schroeder. Trong khi đó, FDP thu về 15% số phiếu, trở lại chính phủ sau 11 năm vắng bóng, hy vọng sẽ cùng với CDU thực thi các chính sách cắt giảm thuế và đảo ngược quyết định từ bỏ điện hạt nhân vào năm 2020 của ông Schroeder. Trong cuộc bầu cử năm 2005, FDP chỉ được 9,8%. Nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng America Merrill Lynch, ông Holger Schmieding, cho rằng thời kỳ đầu của nội các mới sẽ "không phải là một cuộc cách mạng". Thời báo tài chính Deutschland cũng nhất trí với quan điểm này: "Sẽ là một sai lầm nếu trông chờ Thủ tướng Đức cùng với chính phủ mới tạo ra một sự thay đổi lớn". Đức hiện nay đang mang trên vai gánh nặng về chăm sóc y tế, giáo dục và an sinh xã hội mà tất cả đều rất cần được cải tổ. Bên cạnh đó là tình trạng dân số già hóa nhanh chóng cùng với trọng trách thực hiện các mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính. Không chỉ có vậy, tỷ lệ nghèo đói và thất nghiệp ở miền Đông Đức, nơi bà Merkel lớn lên, hiện đang ở mức cao hơn nhiều so với miền Tây. Ở bên ngoài, sứ mệnh quân sự của Đức tại Afghanistan không được dân chúng ủng hộ và có thể trở thành bài toán đau đầu đối với Merkel trong những năm tới nếu như tình trạng bất ổn tiếp tục leo thang ở bắc Afghanistan, nơi 4.200 binh sĩ Đức đang đóng quân. Đó là chưa kể sự hiện diện của lính Đức ở Afghanistan kéo theo hàng loạt lời đe dọa nhằm vào Berlin của các phần tử Hồi giáo cực đoan, trong đó có trùm khủng bố Osama bin Laden. Thủ tướng Đức Angela Merkel mừng chiến thắng sau khi các cuộc thăm dò sau bỏ phiếu cho thấy bà giành đủ số phiếu để thành lập một liên minh mới với Đảng Dân chủ Tự Do.
(Theo Bao Binh Duong)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com