Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tân Thủ tướng Anh David Cameron

Ưu tiên hàng đầu của chính phủ liên hiệp là kinh tế, cắt giảm thâm hụt ngân sách, cải cách giáo dục, hệ thống bầu cử...

Tân Thủ tướng Anh David Cameron hôm 12-5 bắt tay vào việc lập chính phủ mới sau khi Đảng Bảo thủ của ông đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực với Đảng Dân chủ Tự do một ngày trước đó. Thỏa thuận này đã đưa ông Nick Clegg, thủ lĩnh Đảng Dân chủ Tự do, trở thành phó thủ tướng Anh. Ngoài ra, 4 thành viên khác của đảng này cũng có tên trong nội các của Thủ tướng Cameron.

Theo đài BBC (Anh), ông Cameron đã chỉ định ông William Hague làm ngoại trưởng, ông George Osborne làm bộ trưởng tài chính, ông Liam Fox làm bộ trưởng quốc phòng và ông Andrew Lansley làm bộ trưởng y tế...

Tân Thủ tướng Anh David Cameron và phu nhân tại dinh thủ tướng ở London hôm 11-5.Ảnh: Reuters

Trong diễn văn đầu tiên sau khi trở thành thủ tướng,ông Cameron cho biết: “Tôi muốn thành lập mộtliên minh trọn vẹn và hợp lý giữa Đảng Bảo thủ và Đảng Dân chủ Tự do. Đây là một công việc khó khăn. Một sự liên hiệp sẽ đối mặt với đủ loại thách thức nhưng tôi tin rằng chúng tôi sẽ mang đến một chính phủ mạnh mẽ và ổn định mà đất nước cần”. Trong khi đó, ông Clegg tuyên bố: “Tôi hy vọng đây sẽ là khởi đầu cho một nền chính trị mới mà tôi luôn tin tưởng - nền chính trị đa dạng của số đông, là nơi quy tụ các chính trị gia có quan điểm khác nhau, vượt qua khác biệt để điều hành tốt vì lợi ích quốc gia”.

Đây là lần đầu tiên Đảng Bảo thủ và Đảng Dân chủ Tự do có thỏa thuận chia sẻ quyền lực ở cấp quốc gia, dẫn đến sự ra đời của một chính phủ liên hiệp lần đầu tiên ở Anh kể từ năm 1945. Thỏa thuận này đạt được sau các cuộc thương thảo diễn ra dồn dập trong 5 ngày giữa hai đảng này, cũng như giữa Đảng Dân chủ Tự do và Công Đảng. Kết quả đạt được khiến ông Gordon Brown từ chức thủ tướng trong ngày 11-5, mở đường cho Đảng Bảo thủ trở lại phố Downing sau hơn 13 năm vắng bóng.

Báo chí Anh, dù thở phào nhẹ nhõm khi tình trạng bế tắc sau bầu cử đã bị phá vỡ, vẫn cảnh báo rằng chính phủ liên hiệp có thể không tồn tại được lâu do phải đối mặt với không ít thách thức lớn. Theo BBC, hai đảng này cho biết ưu tiên hàng đầu của họ là vấn đề kinh tế và cắt giảm thâm hụt ngân sách đang ở mức cao kỷ lục. Ngoài ra, cải cách giáo dục, hệ thống bầu cử và làm trong sạch chính trường cũng là những vấn đề quan trọng không kém. Theo Reuters, rạn nứt có thể nảy sinh trong chính phủ liên hiệp do Đảng Bảo thủ và Đảng Dân chủ Tự do có những khác biệt về những vấn đề nói trên.

Ngoài ra, việc Anh có chính phủ mới cũng có thể dẫn đến những thay đổi trong quan hệ với các đồng minh nước ngoài. Cả ông Cameron và ông Clegg đều tỏ ý muốn có một quan hệ bớt khắng khít hơn với Mỹ so với chính phủ tiền nhiệm. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện chúc mừng ông Cameron và mời ông đến Washington vào mùa hè này.

Liên hiệp châu Âu (EU) cũng lên tiếng chúc mừng ông Cameron đồng thời thúc giục sự hợp tác của chính phủ mới ở Anh để giải quyết những thách thức chung mà khối này đang đối mặt. Theo hãng tin Reuters, nhiều nhà lãnh đạo EU lo ngại rằng Đảng Bảo thủ không ưa thích EU nhiều như Công Đảng.

Thủ tướng trẻ nhất từ năm 1812

Ở tuổi 43, ông David Cameron là thủ tướng Anh trẻ nhất kể từ năm 1812. Ông được bầu làm thủ lĩnh Đảng Bảo thủ vào tháng 12-2005. Tại hội nghị đảng vào năm đó, ông gây chú ý mạnh khi liên tục cho rằng mình là “người thừa kế” của cựu thủ tướng Tony Blair, người của Công Đảng.

Ông Cameron sinh ngày 9-10-1966 trong một gia đình giàu có ở London. Ông theo học tại Trường Đại học Eton và Oxford với các chuyên ngành triết học, chính trị và kinh tế.

 

(Theo Hoàng Phương // Nguoilaodong Online)

  • Vẫn nhớ người xưa
  • Chức vụ gây hại
  • Nữ tổng thống Costa Rica nhậm chức
  • Tổng thống Mỹ kiếm bộn hơn Tổng thống Nga
  • Bi kịch gia đình
  • "Vệ sỹ chống đạn" của lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức
  • Tổng thống bị tẩy chay
  • Ba người quyền lực nhất thế giới