Hôm nay, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama. Trong chuyến công du Nhật Bản lần này của ông Lý, một trong những chủ đề hội đàm chính là sáng kiến thành lập Cộng đồng Đông Á (EAC) của Thủ tướng Hatoyama. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sẽ gặp nhau vào ngày 10.10 tới đây ở Bắc Kinh. Một trong nội dung quan trọng của cuộc gặp được dự đoán là ý tưởng thành lập EAC.
Đầu tuần trước, tại Thượng Hải, ngoại trưởng Nhật Katsuya Okada và người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì cam kết cùng làm việc để tạo lập EAC. Bộ Ngoại giao Nhật Bản không công bố chi tiết về ý tưởng thành lập như: EAC sẽ gồm những nước nào, quá trình thành lập ra sao... Bộ Ngoại giao Nhật Bản chỉ thông báo hai vị ngoại trưởng đồng ý cộng đồng chung sẽ tăng cường hợp tác trên lĩnh vực năng lượng và môi trường.
Ý tưởng thành lập EAC bắt đầu gây chú ý từ trung tuần tháng 9 vừa qua, khi Thủ tướng Nhật Hatoyama chính thức đặt vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, khi hai người tham dự cuộc họp của đại hội đồng Liên hiệp quốc, ở New York. Theo đề nghị của ông Hatoyama, tương lai của EAC có thể giống như hình mẫu Liên minh châu Âu (EU) và xác định đó là “cực thứ ba” của kinh tế thế giới, cùng với Mỹ và EU.
Hãng thông tấn Kyodo, Nhật Bản ngày 1.10 cho rằng, EAC là một trong những chính sách ngoại giao của tân Thủ tướng Nhật Bản Hatoyama, quan trọng không kém việc nhìn nhận mối quan hệ Nhật – Mỹ. Đằng sau chiến lược này là ý đồ đối kháng với hai nước Trung Quốc, Ấn Độ đang không ngừng trỗi dậy, để duy trì ảnh hưởng của Nhật tại châu Á. Theo một số chuyên gia, hai nước Trung Quốc – Hàn Quốc, thành viên trong ý tưởng này mặc dù cho đến nay đều tỏ ra hoan nghênh, nhưng mỗi bên đều có kế hoạch riêng.
Nhật có hai lý do để đề nghị thành lập EAC. Thứ nhất, đó là tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhanh chóng của các nước châu Á, đặc biệt là sự phục hồi nhanh chóng và vững chắc của khu vực châu Á trong cuộc đại khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu trong năm qua. Điều này cho thấy châu Á là mảnh đất màu mỡ của Nhật Bản không thể bỏ qua. Thứ hai, đối tác thân cận nhất của Nhật Bản hiện nay là Mỹ lại đang quá tập trung đến cuộc chiến chống khủng bố, nên những lo âu của Nhật Bản với các vấn đề thời sự nóng bỏng thế giới không được Mỹ chia sẻ đúng mức. Bên cạnh đó, tại châu Âu, việc Đức và Pháp bắt tay nhau hợp tác, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của cả cộng đồng Liên minh châu Âu. Đây cũng là một bài học cho châu Á nói chung, Đông Á nói riêng.
( Theo Kim Dung // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com