![]() |
Tại Cairo, Tổng thống B. Obama tìm cách khôi phục quan hệ hòa bình giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây. Ảnh: Swamppolitics.com |
Thứ Sáu tuần trước tại Oslo, Na Uy, Hội đồng giải Nobel công bố người nhận giải Nobel Hòa bình năm 2009 là Tổng thống Mỹ Barack Obama do các cố gắng của ông trong quan hệ ngoại giao quốc tế và tăng cường hợp tác giữa các dân tộc trên thế giới.
Bất ngờ
Hội đồng giải Nobel cho rằng, đến nay rất hiếm có một nhân vật nào tạo được không khí đầy hy vọng cho tương lai và gây sự chú ý của cả thế giới như Obama.
Từ hơn 100 năm nay Hội đồng giải Nobel tìm cách hỗ trợ các ý tưởng hòa bình trên chính trường quốc tế. Ông Thorbjörn Jagland, Chủ tịch Hội đồng giải Nobel, cho rằng viễn tưởng về một thế giới không vũ khí hạt nhân do Obama đề xuất là một yếu tố quan trọng trong quyết định trao giải thưởng Nobel Hòa bình. Mặc dù Obama nhậm chức chưa lâu, nhưng ông đã thay đổi không khí đang căng thẳng trên chính trường quốc tế. Chỉ riêng sự kiện này cũng đủ để trao giải thưỏng hòa bình cho Obama.
Tuy nhiên quyết định chọn Obama trong số 205 người được đề nghị đã gây ngạc nhiên không ít trong giới quan sát, kể cả với Nhà Trắng. Robert Gibbs, người phát ngôn của Obama, chỉ trả lời bằng một tiếng “Wow” (Ồ! Ðáng mừng) trước các câu hỏi của giới báo chí. David Axelrod, Trưởng nhóm chiến lược của Obama, cho rằng: “Tổng thống Obama cũng rất bất ngờ” và chính bản thân Obama, sau khi được tin từ Oslo cũng đã xác nhận, “thật sự mà nói, tôi chưa xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình”.
Ông cho rằng, giải thưởng này không chỉ riêng cho mình ông mà cho tất cả những người đấu tranh giảm trang bị vũ khí trên thế giới, cho một môi trường trong sạch và nền dân chủ; ông nhận giải Nobel Hòa bình và xem nó như một lời kêu gọi để thực hiện các mục tiêu đưa ra. Cũng trong bài phát biểu này Obama đề nghị “các nước cùng nhận lãnh trách nhiệm đấu tranh cho hòa bình, vì không nước nào hay tổng thống nào một mình có thể thực hiện được“.
Phản ứng
Quyết định của Hội đồng giải Nobel không chỉ mang đến sự vui mừng mà đồng thời gây ra nhiều lời phê bình, nhất là tại Mỹ. Ðảng Cộng hòa chỉ trích giải Nobel Hòa bình cho Obama: “Tổng thống Obama đã làm được gì cho nước Mỹ, chắc chắn ông sẽ không nhận được giải thưởng về việc tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ hay giải quyết vấn đề ngân sách quốc gia”. John McCain, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa đã từng giễu cợt Obama là một “PopStar” (sao nhạc Pop), khi ông nói chuyện trước hơn 200.000 người tại Berlin trong thời gian tranh cử tổng thống, cho rằng Tổng thống Obama phải hiểu, dân chúng Mỹ sẽ kỳ vọng nhiều hơn ở ông.
Ký giả của đài CNN - Christiane Amanpour đưa ra câu hỏi “giải thưởng cho cái gì đây?”. Trong khi tạp chí Wall Street Journal bình luận, giải Nobel Hòa bình cho Obama là không bình thường thì tờ Washington Post cho rằng, quyết định trao giải thưởng cho Obama quá sớm và có thể trở thành một thứ áo trói buộc. Nó sẽ làm ông khó xoay trở trong các quyết định chính trị và đưa ra một giả dụ “nếu vì quyền lợi của nước Mỹ, chính phủ cần một cuộc chiến tranh chống Iran, liệu Tổng thống Obama mang trên mình giải Nobel Hòa bình, có thể thực hiện nhiệm vụ này được hay không?”.
Theo tờ Guardian (Anh Quốc), trên thực tế Obama nhận giải hòa bình vì ông không phải là Tổng thống Bush. Tuần báo Der Spiegel (Ðức) đưa ra câu hỏi “Tổng thống Barack Obama cầm quyền từ chín tháng nay, với các cuộc gặp gỡ ngoại giao ông đã gỡ rối nhiều cuộc xung đột trên thế giới. Các cố gắng này có giá trị đặc biệt, nhưng có đủ không?”.
Kích thích
Câu hỏi này cũng đã được Hội đồng giải Nobel đặt ra, và sau đó đã quyết định trao giải thưởng Nobel Hòa bình cho Obama để kích thích, như trong quá khứ hội đồng đã từng trao giải hòa bình cho Thủ tướng Ðức Willy Brandt, mặc dù ý tưởng sống chung hòa bình của Willy Brandt chưa thực hiện được.
Hơn nữa, vừa nhậm chức xong Obama đã “hành động” ngay đối với các “lò lửa chính trị” đang sôi bỏng trên thế giới; ông đã ra lệnh giảm và rút quân ra khỏi Iraq. Ông tìm cách đối thoại với Iran và Triều Tiên về các chương trình hạt nhân. Ðối với Nga, Obama cho thấy các dấu hiệu giảm căng thẳng quân sự và tuyên bố không thực hiện chương trình tên lửa tại châu Âu của chính phủ Bush. Chương trình này đã làm Nga cảm thấy bị đe dọa và dự định sẽ tăng cường quân sự.
Cao điểm của Obama trong tháng đầu nhậm chức là hai buổi nói chuyện tại Praha (Cộng hòa Czech) và Cairo (Ai Cập). Ở Cairo, Obama bắt tay với thế giới Hồi giáo để thực hiện hòa bình. Tại Praha, ông đề nghị một thế giới không vũ khí hạt nhân.
Mặc dù nhiều mục tiêu chính trị chưa thực hiện được như hiệp định quốc tế bảo vệ bầu khí quyển hãy còn xa vời, nhà tù Guantanamo không đóng cửa như Obama muốn trong vòng một năm, Triều Tiên và Iran tiếp tục chương trình hạt nhân, Chính phủ Israel tiếp tục cho phép lấn đất của người Palestine, cuộc chiến tranh tại Afganistan vẫn mãnh liệt... Nhưng đây là những sự kiện cần thời gian để giải quyết. Giải Nobel Hòa bình sẽ gây cho Barack Obama nhiều khó khăn hơn trong việc thực hiện các mục tiêu nói trên. Nó là một vinh dự nhưng đồng thời là một gánh nặng cho ông.
(Theo Trang Quan Sen (CHLB Đức) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com