Điều lạ lùng là chính dân Ấn cũng chống lại ý tưởng có nước máy thường trực. Dân chúng tầng lớp trung lưu và giàu có đã tạo ra một thế giới nước sinh hoạt 24/24 giả tạo bằng những hệ thống bơm lọc, tích trữ đắt tiền đáp ứng được nhu cầu của mình. Dù có bất tiện, họ đã quen thuộc với thói quan liêu Ấn Độ và ngờ vực không biết việc cấp nước 24/24 sẽ đòi hỏi gì nữa ở họ. Dân nghèo đã tiêu tốn quá nhiều thời gian và thu nhập hạn hẹp của họ để có nước sinh hoạt. Đối với họ, những lời hứa cung cấp nước 24/24 dường như rỗng tuếch. Tại sao phải tiêu tốn nhiều thêm cho một điều không có khả năng thành hiện thực chứ?
Đâu cần có nước máy thường trực!
![]() Thiếu nước sinh hoạt và nước sạch là cuộc khủng hoảng thường trực của Ấn Độ. Cứ mỗi giờ lại có 40 trẻ em dưới năm tuổi chết vì nước ô nhiễm.Ảnh: TL |
Các thành phố Ấn đã phát triển quá nhanh so với khả năng đáp ứng của ngành cấp nước. Đường sá, xa lộ và giao thông đã trở thành một mê cung ác mộng và hạ tầng cấp nước dưới đất không đáng quan tâm bằng những con đường chằng chịt bên trên.
Đến thời điểm này, muốn phục hồi việc cấp nước thường trực 24/24 thì không một thành phố lớn nào ở Ấn Độ có thể làm cái việc đơn giản là mở máy nước suốt 24 giờ một ngày. Thực tế là mọi thành phố Ấn đều cung cấp nước luân phiên suốt ngày cho ai đó bằng cách cúp nước cả 90% khách hàng của thành phố để 10% còn lại có nước trong hai giờ.
Muốn cung cấp nước thường trực cho cả hệ thống như xưa, trước hết các đường ống chính phải có khả năng chịu được áp lực nước suốt 24 giờ. Chuyện rò rỉ không quan trọng khi nước chỉ chảy 90 phút mỗi ngày. Nhưng khi nước chảy thường trực trong lòng đường ống đã xuống cấp quá mức này thì đó là tai hoạ.
Khách hàng nào cũng cần có đồng hồ nước và nhiều người Ấn có quan hệ lại không hề có đồng hồ nước. Hết thảy các công ty cấp nước đều phải thay đổi hạ tầng – các hệ thống van và kiểm soát – của một hệ thống nước máy từ lâu đã thích ứng với chuyện cung cấp gián đoạn, và nhiều công ty phải tăng công suất máy bơm lên gấp bội mới có thể tạo áp lực nước đều khắp thành phố liên tục suốt 24 giờ mỗi ngày. Khách hàng cũng phải thay đổi các hệ thống nước đã tự lắp trong nhà, tháo gỡ các máy bơm tự động, và từ bỏ các bồn tích trữ nước.
Trong năm 2009, ngân sách cần thiết để bảo trì và nâng cấp hạ tầng cấp nước tại Mỹ có dự tính mức phát triển đến năm 2014 là 255 tỉ USD. Như vậy mỗi người dân Mỹ mỗi năm phải đóng 170 USD tiền nước để giúp duy trì tốt hệ thống cấp nước. Tốn kém như thế thì ở Ấn Độ ai mà cần có nước máy 24/24 chứ?
Lỗi hệ thống
Tình trạng xuống cấp từ từ của hệ thống cấp nước đô thị ở Ấn Độ có phần nào đó giống như cách người Ấn ứng xử với những dòng sông linh thiêng. Nước là quà tặng của thần linh và các nữ thần sông nước sẽ tự giải quyết những chất thải ô nhiễm do con người thải ra sông. Tương tự, hạ tầng cung cấp nước là một quà tặng. Hệ thống nước máy được lắp đặt từ thời Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh. Việc của chính phủ là cung cấp nước, bản thân nước cần phải duy trì giá rẻ, còn các đường ống, máy bơm và nhà máy xử lý sẽ tự nó trường tồn.
Kết quả là các dịch vụ cấp nước Ấn Độ tính tiền nước rất thấp và để cho quá nhiều nước thất thoát mà không thu được tiền. Ở Delhi lượng nước máy bị thất thoát bằng lượng nước sử dụng. Nước thất thoát nhiều đến nỗi tiền thu về không đủ trang trải chi phí hoạt động cơ bản – tiền lương và tiền điện. Ở Delhi, tiền nước của khách hàng chỉ trang trải được 60% chi phí hoạt động của công ty cấp nước thủ đô DJB. Chính quyền phải bù vào phần chi phí thiếu hụt. Với mức thâm thủng chi phí khổng lồ này, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi việc bảo trì, nâng cấp và mở rộng hệ thống nước máy tốn kém không phải là những hoạt động ưu tiên của các dịch vụ cấp nước.
V.S. Chary là chuyên gia về hệ thống cấp nước ở đại học Hành chính Ấn Độ. Ông quyết tâm phục hồi cả dịch vụ cấp nước thường trực 24/24 lẫn niềm tin của dân Ấn rằng được cấp nước sinh hoạt 24/24 là quyền cơ bản mà họ phải được hưởng.
“Rất dễ sa vào thói quen cấp nước gián đoạn như cũ”, Chary nói: “Tức là từ 24 giờ hàng ngày xuống 19 hay 14 giờ, rồi bốn giờ buổi sáng và bốn giờ buổi tối, hay chỉ cấp nước bất cứ lúc nào dịch vụ xoay xở được. Dễ sa vào nếp cũ nhưng khó quay lại việc cấp nước thường trực và liên tục. Khó cả về vật lý lẫn tâm lý”.
Ấn Độ đã sa vào cuộc khủng hoảng nước tự tạo vì quản lý kém và chính bản thân dân Ấn không hiểu được các dịch vụ cấp nước cần được hỗ trợ những gì. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt này là một vấn đề chỉ có ở Ấn Độ và khi kinh tế càng tăng trưởng thì vấn đề này thay vì được giải quyết lại càng trầm trọng thêm.
Người Ấn đã thấm thía bài học về nước. Những vấn đề về nước sẽ càng tồi tệ hơn, phức tạp hơn, và tốn kém hơn nếu cứ trì hoãn. Chary tức giận: “Chuyện này đâu có phải phức tạp như khoa học không gian! Tất cả chỉ là hệ thống máy bơm và đường ống mà thôi!”
( Theo TRẦN NGỌC ĐĂNG (DỊCH) // Báo Sài gòn tiếp thị Online )
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com