Phương Tây đã phát triển một số nền tảng cơ bản trong gần 500 năm cuối thế kỷ 20, những nền móng giúp họ vượt mặt phương Đông trong phát triển kinh tế.
LTS: VEF trân trọng giới thiệu bài viết mới nhất của Niall Ferguson, cây bút bình luận lịch sử kinh tế hàng đầu thế giới hiện nay. Ông là giáo sư sử học Đại học Harvard và giáo sư quản trị kinh doanh tại Trường Kinh doanh Harvard. Cuốn sách mới nhất Niall Ferguson viết có tựa đề "Sự tiến hóa của đồng tiền: Lịch sử tài chính của thế giới" đã trở thành một tác phẩm kinh điển về lịch sử tiền tệ thế giới".
Hội nghị thượng đỉnh G20 Seoul mới đây ghi nhận những áp lực không nhỏ đối với chính quyền Mỹ. Tổng thống Obama hy vọng đạt được một sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc - nhưng tất cả những gì ông đạt được chỉ là chút thay đổi nhỏ.
Có lẽ Bộ trưởng Thương mại Mỹ Timothy Geithner cũng trong cảnh "khó xử" tương tự khi Trung Quốc khước từ kiến nghị quy định mức trần trong mất cân bằng tài khoản vãng lai toàn cầu.
Còn chủ tịch Cục dự trữ liên bang Ben Bernanke, ngay sau khi tuyên bố tiếp tục "nới lỏng định lượng" để khởi động lại nền kinh tế Mỹ, đã nhận được lời quở trách quyết liệt từ một nhà bình luận hàng đầu Trung Quốc là "thiếu kiểm soát" và "vô trách nhiệm".
Đến đây, chúng ta bắt gặp hai câu hỏi thú vị trong lịch sử kinh tế học ngày nay: Tại sao phương Tây thống trị không chỉ Trung Quốc mà còn cả thế giới trong năm thế kỷ sau khi Tử Cấm Thành được xây xong? Và liệu thời kỳ thống trị của phương Tây cuối cùng sẽ kết thúc?
Trong một báo cáo, Xia Bin, cố vấn ngân hàng trung ương Trung Quốc, và đồng tác giả Guan Hanhui, đã bác bỏ quan điểm thường thấy cho rằng Trung Quốc xếp ngang hàng về kinh tế với phương Tây cho tới năm 1800.
Hai ông chỉ ra, tổng sản phẩm nội địa bình quân đầu người của Trung Quốc bắt đầu đình trệ từ thời nhà Minh (1402-1626) và thấp hơn đáng kể so với nước Anh tiền công nghiệp.
Nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu là nông nghiệp tuy năng suất thấp nhưng cũng đóng góp tới 90% cho GDP quốc gia. Và một thế kỷ sau năm 1520, tiết kiệm quốc gia của Trung Quốc thực tế đã âm.
Mấy trăm năm sau, Trung Quốc tiếp tục kiệt quệ, và trong thế kỷ 20 thậm chí còn thoái lui, trong khi thế giới các nước nói tiếng Anh, theo sát bởi các nước Tây Bắc Âu, lại phất lên mạnh mẽ. Năm 1820, GDP bình quân đầu người của Mỹ gấp đôi Trung Quốc; đến năm 1879 đã gấp năm lần; và đến năm 1913 thì đã gấp gần 10 lần.
Dù xảy ra cơn suy thoái kinh hoàng, Mỹ vẫn không bị phá hủy nhiều như những năm tháng khốn khổ giữa thế kỷ 20 của Trung Quốc. Trung Quốc đã chìm trong nội chiến rồi đến bị Nhật xâm lược, đói kém, cùng một cuộc cách mạng văn hóa bất thành.
Năm 1968, dân Mỹ trung bình giàu gấp 33 lần dân Trung Quốc, tính theo ngang giá sức mua. Còn tính theo giá trị đồng đôla hiện nay, khoảng cách lúc đỉnh điểm lên tới 70 lần.
Sự mất cân bằng toàn cầu đó kết quả của hàng thế kỷ phân kỳ kinh tế và chính trị. Điều đó diễn ra ra sao? Và liệu nó đã chấm dứt?
Có thể tạm kết luận phương Tây đã phát triển những "ứng dụng sát thủ" mà phần còn lại thiếu:
Cạnh tranh: Châu Âu đa dạng về chính trị, và trong mỗi nền quân chủ hay cộng hòa lại có nhiều thực thể cạnh tranh nhau.
Cách mạng khoa học: Tất cả những đột phá thế kỷ 17 trong toán học, thiên văn học, vật lý, hóa học và sinh học đều diễn ra ở Tây Âu.
Pháp quyền và chính phủ đại diện: Hệ thống tối ưu về trật tự xã hội và chính trị này nổi lên tại thế giới các nước nói tiếng Anh, dựa trên quyền sở hữu trí tuệ và đại diện chủ sở hữu tài sản trong các cơ quan lập pháp được bầu ra.
Y học hiện đại: Toàn bộ những tiến bộ y học thế kỷ 19 và 20, bao gồm cả việc kiểm soát các bệnh nhiệt đới, đều do Tây Âu và Bắc Mỹ đạt được.
Xã hội tiêu dùng: Cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra tại nơi có nguồn cung các công nghệ thúc đẩy năng suất và nhu cầu mua sắm hàng hóa nhiều hơn, tốt hơn, và rẻ hơn, bắt đầu với các sản phẩm vải cotton.
Tích lũy giá trị: Người phương Tây là những người đầu tiên trên thế giới kết hợp được sâu rộng giữa lao động với tỷ lệ tiết kiệm cao, cho phép tích lũy vốn bền vững.
Sáu yếu tố trên là chìa khóa để phương Tây vượt lên. Phương Đông bắt đầu "công cuộc" học hỏi phương Tây để bay cao chỉ từ thời Minh Trị ở Nhật Bản (1867-1912). Nhưng đây không phải quá trình lúc nào cũng suôn sẻ.
Nhật Bản không hề biết điều gì trong văn hóa phương Tây là yếu tố mang tính quyết định, vì thế họ đã sao chép tất cả mọi thứ, từ trang phục, đầu tóc phương Tây cho tới xây dựng hệ thống thuộc địa. Nhưng nỗ lực của họ không may lại diễn ra đúng vào thời điểm khi chi phí thực dân hóa bắt đầu vượt quá lợi phẩm. Các cường quốc châu Á khác - đặc biệt là Ấn Độ - cũng đã lãng phí mấy thập niên "mò mẫm".
Tuy nhiên, từ đầu những năm 1950, nhóm các quốc gia Đông Á đã theo chân Nhật Bản, sao chép lại mô hình phương Tây, bắt đầu với ngành dệt và thép và leo lên cao hơn trong chuỗi giá trị.
Việc "tải về" các ứng dụng phương Tây giờ cũng có tính chọn lựa hơn. Cạnh tranh và chính phủ đại diện không đóng góp nhiều trong sự phát triển của châu Á, mà thay vào đó họ tập trung vào khoa học, y tế, xã hội tiêu dùng và tích lũy giá trị.
Hiện nay, Singapore xếp hạng thứ ba trong đánh giá về tính cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới. Hồng Kông xếp thứ 11, sau đó đến Đài Loan (13), Hàn Quốc (22), và Trung Quốc (27).
Đây gần như là thứ tự về mặt lịch sử, các quốc gia và vùng lãnh thổ này đã Tây hóa nền kinh tế của mình.
Tác giả: ĐÌNH NGÂN (THEO WSJ) // VEF
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com