Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phương Tây có rơi vào quỹ đạo Trung Quốc?

Sau 500 năm dưới sự thống trị của phương Tây, thế giới lại đang dần nghiêng về phương Đông.

 

Hiện tại, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc bằng 19% của Mỹ, so với 4% khi bắt đầu cải cách kinh tế hơn 30 năm trước.

Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore đều khởi động cuộc tiếp thu tư tưởng phương Tây từ đầu năm 1950; Đài Loan năm 1970; còn Hàn Quốc năm 1975. Theo hãng Conference Board, GDP đầu người của Singapore hiện cao hơn của Mỹ 21%, Hồng Kông thì tương đương, Nhật Bản và Đài Loan thấp hơn 25%, còn Hàn Quốc kém 36%.

Tại Trung Quốc đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lớn nhất và nhanh nhất thế giới. Trong khoảng 26 năm, GDP của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần. Anh mất tới 70 năm sau năm 1830 nới tăng được 4 lần. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, tỷ trọng GDP toàn cầu của Trung Quốc (tính theo giá hiện tại) sẽ vượt ngưỡng 10% vào năm 2013. Goldman Sachs tiếp tục dự báo GDP của Trung Quốc sẽ đứng trên Mỹ vào năm 2027, và vừa mới đây đã vượt qua Nhật Bản.

Nhưng xét trên một số khía cạnh, thế kỷ châu Á có lẽ đã đến từ bao giờ. Trung Quốc đang mấp mé vượt qua tỷ trọng chế tạo toàn cầu của Mỹ, và trong 10 năm qua đã lần lượt vượt qua Đức và Nhật Bản. Thành phố lớn nhất của Trung Quốc, Thượng Hải, đang đứng đầu thế giới là siêu thành phố lớn nhất, Mumbai xếp sau; chưa có thành phố nào của Mỹ sánh kịp.

Cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ giống như chất xúc tác đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực kinh tế thế giới từ Tây sang Đông. Với tỷ lệ nợ trên thu nhập trên 312%, Hy Lạp hiện đứng trước hoàn cảnh hết sức trớ trêu.

Nhưng theo Morgan Stanley, tỷ lệ nợ trên doanh thu của Mỹ đang là 358%. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính thanh toán lãi suất nợ liên bang sẽ tăng từ 9% doanh thu thuế liên bang lên 20% vào năm 2020, 36% năm 2030 và 58% vào năm 2040.

Có thể nói, Mỹ đã may mắn có được đặc quyền in ấn tiền tệ dự trữ thế giới hàng đầu, nếu không mọi chuyện đã tồi tệ hơn nhiều. Tuy nhiên, chính đặc quyền này cũng đang đứng trước sự tấn công mạnh mẽ từ phía chính phủ Trung Quốc.

Với nhiều nhà bình luận, chính “sáng kiến” sử dụng nới lỏng định lượng lần nữa của Cục dự trữ liên bang đã châm ngòi cho cuộc chiến tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc không hành động để chấp dứt sự thao túng tiền tệ của mình, tổng thống Obama tuyên bố hồi tháng 9 tại New York, “chúng tôi có những biện pháp khác để bảo vệ lợi ích của Mỹ”. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng chẳng chịu: “Xin đừng cố gây áp lực cho chúng tôi về vấn đề tỷ giá… Nhiều công ty xuất khẩu của chúng tôi sẽ phải đóng cửa, công nhân nhập cư sẽ phải quay trở về quê. Nếu Trung Quốc phải chịu những bất ổn xã hội và kinh tế, đó sẽ là thảm họa với cả thế giới”.

Thực tế, chiến tranh tiền tệ ngày nay còn diễn ra giữa tổng hợp hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ - và phần còn lại của thế giới. Nếu Mỹ in tiền trong khi Trung Quốc cứ bám chặt nội tệ lấy đồng đôla, cả hai sẽ cùng “ngồi mát”.

Kẻ chịu thiệt chính là những quốc gia như Indonesia và Brazil, những nước có tỷ giá hối đoái vận hành trên giá trị thương mại thực đã tăng giá liên tục từ tháng 1/2008, với tỷ lệ lần lượt là 18% và 17%.

Nhưng ai là người được trong mối quan hệ tay đôi này? Với sản lượng hiện tại của Trung Quốc tăng 20% so với mức trước khủng hoảng, còn của Mỹ đã giảm sút 2%, câu trả lời dường như đã rõ.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể giải thích rằng, “họ cần chúng tôi cũng như chúng tôi cần họ” và cảnh báo bằng cụm từ nổi tiếng của Lawrence Summers về sự “đảm bảo chắc chắn hủy diệt lẫn nhau về tài chính”. Nhưng Trung Quốc đã có cho riêng mình kế hoạch giảm thiểu sự phụ thuộc vào lượng dự trữ đôla và xuất khẩu được trợ cấp.


Nếu phải tóm tắt lại chiến lược mới của Trung Quốc, có thể nói gọn lại trong “bốn cái thêm” sau đây: Tiêu dùng nhiều hơn, xuất khẩu nhiều hơn, đầu tư ra nước ngoài nhiều hơn, và cải tiến nhiều hơn. Trong mỗi trường hợp, sự thay đổi chiến lược đều thu về những lợi ích địa chính trị tốt đẹp.

Bằng cách tiêu thụ nhiều hơn, Trung Quốc có thể giảm bớt thặng dư thương mại, và trong quá trình này, sẽ đưa mình trở thành đối tác thương mại lớn, đặc biệt là với các thị trường mới nổi khác. Trung Quốc vừa vượt qua Mỹ trở thành thị trường ôtô lớn nhất thế giới (14 triệu chiếc so với 11 triệu chiếc bán ra mỗi năm) và nhu cầu này được dự đoán sẽ tăng gấp 10 lần trong những năm tới.

Tới năm 2035, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, Trung Quốc sẽ sử dụng 1/5 năng lượng toàn cầu, tăng 75% so với năm 2008. Nước này hiện chiếm 46% tiêu dùng than toàn cầu năm 2009, Viện Than thế giới ước tính, và mực độ tiêu thụ nhôm, đồng, nickel và chì cũng tương đương. Năm ngoái, Trung Quốc sử dụng gấp đôi lượng phôi thép so với Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản cộng lại.

Những con số như thế có nghĩa là các nhà xuất khẩu những mặt hàng trên và nhiều hàng hóa khác sẽ thu lợi rất lớn. Trung Quốc hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia, năm 2009 chiếm 22% xuất khẩu từ nước này.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng mua tới 12% hàng xuất khẩu của Braril và 10% của Nam Phi. Trung Quốc cũng trở thành khác hàng lớn đối với các sản phẩm chế tạo cao cấp từ Nhật Bản và Đức.

Trước đây Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm chế tạo giá rẻ. Và hiện nay, vì Trung Quốc đóng góp tới 1/5 cho tăng trưởng toàn cần, nên nước này đã trở thành thị trường mới năng động nhất cho hàng hóa của các nước khác. Và điều này giúp họ có thêm nhiều bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng tỏ ra khá bối rối trước sự biến động thất thường của giá cả hàng hóa thế giới. Để đảm bảo, Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Riêng tháng 1/2010, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc đã đạt 2,4 tỷ USD vào 420 doanh nghiệp nước ngoài tại 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu tại châu Á và châu Phi.

Lĩnh vực đầu tư nhiều nhất là khai mỏ, giao thông và hóa dầu. Tại châu Phi, Trung Quốc đã có những bước đi hết sức vững chắc. Trung Quốc thường thỏa thuận trao đổi đường cao tốc và các đầu tư cơ sở hạ tầng khác để được thuê lâu dài các mỏ hay đất nông nghiệp, mà không hề đòi hỏi bất cứ điều kiện nhân quyền hay chính trị nào khác.

Đẩy mạnh đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên ở nước ngoài không chỉ là chiến lược đa dạng hóa để giảm rủi ro khi đồng đôla mất giá. Nó còn cho phép Trung Quốc củng cố quyền lực tài chính, không chỉ thông qua các quỹ đầu tư nhà nước nhiều ảnh hưởng.

Đây cũng là cách Trung Quốc biện minh cho kế hoạch mở rộng hải quân đầy tham vọng của mình, như để bảo vệ và giữ an toàn những tuyến giao thông quan trọng của nước này. Trung Quốc đã tuyên bố Biển Đông là “lợi ích quốc gia cốt lõi”.

Trung Quốc còn đang đổi mới ngành càng mạnh mẽ và đang trở thành nhà sản xuất turbine gió và quang điện thế hàng đầu thế giới. Năm 2007, Trung Quốc đã vượt qua Đức về ứng dụng bằng sáng chế mới. Đây là một phần trong câu chuyện rộng hơn về sự trỗi dậy của phương Đông.

Năm 2008, lần đầu tiên số lượng ứng dụng bằng sáng chế ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc cao hơn của phương Tây.

Thế lưỡng nan đối với quyền lực buổi xế chiều luôn hết sức đau đớn. Trong quá khứ, cái giá của việc chống lại sự trỗi dậy của Đức là quá lớn đối với Anh; Anh đã phải ngậm ngùi bước sau cái bóng của Mỹ.

Vậy liệu Mỹ sẽ kiềm chế hay giúp đỡ Trung Quốc? Các cuộc khảo sát cho thấy dân Mỹ cũng đang lưỡng lự không kém vị tổng thống. Trong khảo sát mới đây của Pew Research Center, 49% người tham gia trả lời họ không muốn Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành siêu cường chính của thế giới, nhưng 46% có quan điểm đối lập.

Chiến tranh lạnh đã diễn ra hơn bốn thập kỷ, và Liên Xô chưa bao giờ đến dần mức có thể vượt qua Mỹ về kinh tế. Nhưng những gì thế giới sắp trải qua đây có lẽ sẽ là cái kết cho 500 năm thống trị của phương Tây. Lần này, thách thức từ phương Đông hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết, cả về kinh tế lẫn chính trị.

Những người tại Bắc Kinh không phải là những bậc thầy. Nhưng có một điều chắc chắn: Họ không còn là những người học việc nữa.

Tác giả bài viết Niall Ferguson là giáo sư sử học Đại học Harvard và giáo sư quản trị kinh doanh tại Trường Kinh doanh Harvard.

 

Tác giả: ĐÌNH NGÂN (THEO WSJ) // VEF

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'