Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Báo động về nguồn nước toàn cầu

Rác thải ngập con sông nhỏ ở khu lao độngnghèo của Thủ đô Nai-rô-bi (Kê-ni-a).

Nước, bao gồm cả nước ngọt và nước mặn, là nhu cầu thiết yếu đối với sản xuất và cuộc sống. Nước do thiên nhiên ban tặng, là nguồn tài nguyên vô tận và quốc gia nào cũng có. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế và xã hội, gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... khiến nguồn "vàng trắng" trở thành một vấn đề báo động toàn cầu.

Nhiều quốc gia, kể cả một số nước thuộc vùng nhiệt đới, thiếu nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt. Không ít nước rất khốn khổ vì quá nhiều nước, như lũ lụt, lở đất... Có những lúc, tại một số nước trong khi vùng này  bị khô hạn, vùng khác phải lo thoát nước đi. Kinh tế, đời sống và xã hội phát triển thì nhu cầu về nước càng nhiều. Trong khi, nguồn nước bị ô nhiễm ngày càng nguy hiểm. Sự biến đổi khí hậu toàn cầu làm đảo lộn  việc "phân phối" nguồn nước tự nhiên. Nước biển dâng cao do băng tan đe doạ các vùng ven biển, thậm chí "xóa sổ" một số quốc đảo. Những tai nạn trong khai thác dầu khí, vận tải... trên biển gây ô nhiễm nước biển.  Những cơn "hồng thủy", "thủy triều đen", "thủy triều đỏ" xuất hiện nhiều hơn và tác hại của chúng nghiêm trọng hơn. Ðây đó đã xảy ra mâu thuẫn và  xung đột tranh giành nguồn nước. Khoa học kỹ thuật hiện đại tạo ra những nguồn năng lượng thay cho than đá và dầu mỏ... nhưng chưa tìm ra chất gì sử dụng thay nước ngọt. Một số quốc gia giàu có đã xây dựng nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt nhưng cũng chỉ ở mức độ giới hạn vì vô cùng tốn kém.

Trước tình trạng đó, chính phủ nhiều nước kêu gọi tiết kiệm nước, sử dụng và khai thác nước hợp lý. Công nghệ xử lý nước thải được quan tâm nhiều hơn. Liên hợp quốc tổ chức "Tuần  Nước Thế giới" từ ngày 5 đến 11-9 hằng năm. Năm nay, nhân dịp sự kiện này,  tại Thủ đô Xtốc-khôm  của Thụy Ðiển, hơn 2.500 chuyên gia về nước từ 130 quốc gia trên toàn cầu tham dự các hội thảo, tọa đàm và hoạt động xoay quanh chủ đề "Thách thức của việc bảo đảm chất lượng nước",  tập trung tìm phương cách đối phó với tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng, đang tác hại ngày càng nhiều đến chất lượng nước trên hành tinh

Ban tổ chức Tuần  Nước Thế giới năm nay cảnh báo, do tác động của dân số gia tăng và tăng trưởng kinh tế, nước đang ngày càng bị lạm dụng. Quá trình đô thị hóa, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và biến đổi khí hậu càng ngày càng gây áp lực nặng nề lên khối lượng và chất lượng nguồn nước. Theo Viện Nước quốc tế Xtốc-khôm (SIWI), cơ quan tổ chức sự kiện này, tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang gia tăng ở mọi nơi trên Trái đất, với trung bình mỗi ngày khoảng hai triệu tấn chất thải sinh hoạt bị đổ ra sông, hồ và biển. Nghiêm trọng nhất là tại các nước đang phát triển, có đến 70% lượng chất thải công nghiệp không qua xử lý bị trực tiếp đổ vào các nguồn nước, khiến nguồn nước  cho sinh hoạt con người bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tại một số nước, có tới một nửa số bệnh nhân  phải vào điều trị tại bệnh viện là do không được tiếp cận những điều kiện vệ sinh phù hợp vì thiếu nước và các bệnh liên quan đến nước. Thiếu vệ sinh và thiếu nước sạch là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 1,6 triệu trẻ em mỗi năm.

Tại  các diễn đàn ở Xtốc-khôm, đại diện nhiều nước châu Phi báo động về thảm cảnh khan hiếm nước tại lục địa này. Nguồn nước ở đây vừa rất thiếu, lại rất thừa và bị ô nhiễm nặng nề do rác thải và sử dụng các chất hóa học vô tội vạ. Rất nhiều nước  lãng phí nguồn tài nguyên này do không có khả năng và kế hoạch "tích trữ nước".

Tổ chức FAO cảnh báo, trong 15 năm tới sẽ có gần hai tỷ người phải sống trong tình trạng bị thiếu nước. FAO đã kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng an toàn nguồn nước thải của các đô thị cho nông nghiệp. Nghiên cứu của FAO cho biết, đã có 50 nước trên thế giới sử dụng nước thải  qua xử lý để phục vụ sản xuất  nông nghiệp, vì nó vừa giải quyết được nạn ô nhiễm ở các đô thị, vừa giúp nông dân tránh được chi phí khai thác nước ngầm, còn nguồn chất hữu cơ có trong nước thải có thể giúp giảm chi phí về phân bón, điển hình là ở Tây Ban Nha và Mê-hi-cô.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố  báo cáo  về vấn đề này  với nhan đề "Giữ gìn nước cho tất cả mọi người", trong đó kêu gọi cộng đồng thế giới quản lý tốt hơn các nguồn nước trước nguy cơ khan hiếm nước trên toàn cầu. Báo cáo của WB nhấn mạnh, các nguồn nước phục vụ sinh hoạt của con người và sản xuất nông nghiệp đang bị giảm nghiêm trọng. Hiện có một phần sáu  số dân thế giới không được tiếp cận nguồn nước sạch và 30% không được tiếp cận các điều kiện vệ sinh cơ bản. Vì vậy, các nước cần thông tin và được thông tin tốt hơn về các nguồn nước quốc gia và quốc tế để quản lý các nguồn nước tốt hơn trên phạm vi quốc gia và toàn cầu. Nếu tình hình này không thay đổi, hơn một tỷ người trên thế giới sẽ lỡ cơ hội được hưởng các lợi ích của Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

(Theo Trịnh Minh Phương // Nhandan Online)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Đâu chỉ biển Hoa Đông nổi sóng
  • Có nên sớm kết thúc chương trình kích thích kinh tế?
  • Toàn cầu đứng trước thách thức lớn về nước sạch
  • Hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn
  • 5 lý do để Trung Quốc không thể vượt Mỹ
  • Ấn Độ chỉ trích Mỹ các biện pháp bảo hộ thương mại
  • Kinh tế Mỹ và châu Âu: Trước bờ vực tái khủng hoảng
  • Khủng hoảng thúc đẩy việc tổ chức lại nền kinh tế toàn cầu