Đến năm 2020, khoảng 50% GDP thế giới sẽ do các thị trường đang phát triển mang lại.
Đó chính là “Dự báo sự phát triển của các thị trường mới nổi” do công ty kiểm toán Ernst & Young phối hợp với Viện Kinh tế Oxford công bố mới đây.
Trong danh sách của Ernst & Young có 25 thị trường hàng đầu với tỷ lệ phát triển cao nhất. Trước hết, đó là các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) và các nước khác của Đông Âu, Mỹ Latinh, Châu Á và Trung Đông. Tính trung bình, nền kinh tế của các nước này tăng trưởng 5,8% mỗi năm.
Đứng đầu danh sách là Qatar, còn tất cả các nước BRICS đều lọt Top 10. Kinh tế các nước này đã tăng tốc một vài năm trước đây và liên tục duy trì tỷ lệ phát triển cao.
Chuyên gia Mikhail Golovin - lãnh đạo Trung tâm toàn cầu hóa và hội nhập của Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga - cho biết: “Thị trường mới nổi thực sự là một trong những lực lượng dẫn đầu về tăng trưởng
kinh tế thế giới. Và điều này đã xảy ra trước khủng hoảng, khi mà họ thực tế đã là động lực thúc đẩy kinh tế thế giới. Trong giai đoạn khủng hoảng, khi kinh tế các nước phát triển suy thoái, nhiều thị trường mới nổi tiếp tục phát triển. Sau khủng hoảng, thị phần các thị trường mới nổi và các nước phát triển về sức mua gần như tương đương nhau, tức là khoảng 50% GDP toàn cầu.”
Tất nhiên, trong số các nước thị trường mới nổi thì nhóm BRICS chiếm một vị trí đặc biệt. Các chuyên gia của Goldman Sachs dự đoán rằng, đến năm 2050, kinh tế của BRICS sẽ lớn hơn kinh tế của nhóm nước giàu nhất (G-7). Hiện nay, BRICS đang nắm giữ một số chức năng kinh tế quan trọng và thậm chí cả các chức năng chính trị, vì lợi ích tất cả các thị trường mới nổi.
Chuyên gia Michael Golovin nói thêm: “Tất nhiên, đây là những mô hình phát triển kinh tế hoàn toàn khác nhau. Đó là Trung Quốc với nền kinh tế đa dạng, dần dần chuyển từ ngành công nghiệp có giá trị thặng dư thấp sang các ngành công nghiệp tiên tiến hơn. Đó là Ấn Độ, nơi mà mức sống của người dân còn khá thấp trong khi công nghệ cao phát triển. Đó là Nga, với mô hình nền kinh tế thiên về nguyên liệu. Nét chủ yếu đã kết hợp các nước này là kích thước nền kinh tế của họ. Điều đó cho phép họ thể hiện mình trong vai trò đầu tàu tăng trưởng cho các thị trường mới nổi tại nhiều diễn đàn chính trị và kinh tế thế giới, để có thể thúc đẩy những thay đổi trong hệ thống kinh tế toàn cầu.”
Các chuyên gia lưu ý rằng các thị trường đang phát triển nổi lên một phần là do kinh tế của các nước phát triển suy giảm.
Nhà phân tích Alexander Trifonov nhận xét: “Thị phần trong nền kinh tế toàn cầu của các nước phát triển gồm Liên minh Châu Âu, Mỹ và có thể cả Nhật Bản sẽ giảm và sẽ không vượt quá 40-50%. Người ta không thể bỏ qua những thay đổi về chất có thể xảy ra trong nền kinh tế toàn cầu, vì điều đó không thể tránh khỏi. Và điều này sẽ khiến cho kinh tế các nước đang phát triển tăng trưởng, nhất là các quốc gia thành viên nhóm BRICS. Mức suy giảm của BRICS là không đáng kể, vì các nước thành viên có nền kinh tế thực”.
Các chuyên gia không loại trừ khả năng các thị trường mới nổi (đặc biệt là các nước BRICS) cứu vãn kinh tế thế giới, trong trường hợp xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính nữa. Các biện pháp hợp lý kết hợp với môi trường phát triển kinh tế thuận lợi ở các nước BRICS đang thực sự khiến họ trở thành niềm hy vọng của kinh tế thế giới.