Tiếng tăm về sức mạnh Trung Quốc làm nảy sinh ra các phỏng đoán về tương lai. Một số lãnh đạo trẻ tuổi Trung Quốc dùng các dự đoán này để đòi chia sẻ quyền lực nhiều hơn ngay từ bây giờ, trong khi một số người Mỹ cho rằng cần chuẩn bị cho một cuộc đối đầu đang đến giống kiểu cuộc xung đột giữa Đức và Anh cách đây một thế kỷ.
Tuần Việt Nam giới thiệu bài phân tích về hiện tượng này của giáo sư Joseph Nye, trường đại học Harvard (Mỹ), tác giả cuốn "Tương lai quyền lực trong thế kỷ 21".
Nhiều người có thể hoài nghi về các phỏng đoán trên. Trước năm 1900, Đức đã vượt Anh trong lĩnh vực công nghiệp, và Kaiser (Quốc vương Đức) theo đuổi một chính sách đối ngoại mạo hiểm, đương nhiên dẫn tới xung đột với các cường quốc khác. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn kém xa Mỹ về kinh tế và quân sự, lại ưu tiên tập trung chính sách của mình vào nội địa và phát triển kinh tế.
Ngay cả khi GDP của Trung Quốc sẽ vượt của Mỹ vào năm 2030 (dự đoán của Goldman Sachs), hai nền kinh tế này ngang ngửa nhau về quy mô nhưng sẽ không tương đồng về cấu trúc. Trung Quốc vẫn có một khu vực nông thôn rộng lớn kém phát triển và sẽ bắt đầu phải đối mặt với các vấn đề về dân số - hệ quả tất yếu của chính sách sinh một con. Hơn nữa, vì các vùng nông thôn của họ đang trên đà phát triển nên tỷ lệ tăng trưởng có xu hướng chậm lại. Cứ cho là tăng trưởng của Trung Quốc sẽ đạt 6% còn Mỹ chỉ đạt 2% vào năm 2030, nhưng cho đến nửa cuối của thế kỷ này, Trung Quốc cũng sẽ chưa đuổi kịp Mỹ về thu nhập bình quân đầu người.
Thu nhập bình quân đầu người chính là một cách đo sự phức tạp của một nền kinh tế. Trong khi tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng của Trung Quốc cùng với quy mô dân số đông của nước này chắc chắn khiến họ vượt nền kinh tế Mỹ về số lượng, nhưng điều đó sẽ không còn đúng nếu xét về chất lượng. Hơn nữa, vì Mỹ khó mà giậm chân tại chỗ trong thời gian đó, nên Trung Quốc còn lâu mới có thể tạo thành một thách thức đối với Mỹ như nước Đức thời Kaiser đã đặt ra đối với Anh quốc khi họ vượt Anh đầu thế kỷ trước. Tuy nhiên, sự nổi lên của Trung Quốc cũng gợi lại lời cảnh báo của nhà sử học Thucydide rằng chính việc tin rằng sẽ xảy ra xung đột có thể là một trong những nguyên nhân chính gây ra xung đột.
![]() |
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã chuyển từ một nước xuất khẩu lớn thứ 9 thế giới lên vị trí đứng đầu, song mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu của họ sẽ có thể cần phải điều chỉnh trong bối cảnh cán cân tài chính và thương mại toàn cầu trở nên bấp bênh hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính. Dù Trung Quốc nắm giữ lượng lớn dự trữ ngoại tệ, nước này vẫn khó tăng đòn bẩy tài chính của mình bằng việc cho nước ngoài vay bằng đồng nội tệ, trừ phi họ có những thị trường tài chính vững chắc và cởi mở trong đó lãi suất do thị trường quyết định thay vì do chính phủ ấn định.
Năm 1974, Đặng Tiểu Bình phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc rằng: "Trung Quốc không phải là một siêu cường, và cũng không tìm cách để trở thành siêu cường". Thế hệ lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc, nhận thức rằng tăng trưởng nhanh là chìa khóa của giúp duy trì ổn định chính trị trong nước, nên đã tập trung vào phát triển kinh tế và cái mà họ gọi là một môi trường quốc tế "hài hòa" nhằm tránh làm đổ vỡ tăng trưởng của mình. Nhưng qua các thế hệ, quyền lực thường tạo ra sự ngạo mạn và điều này ngày càng tăng. Một số chuyên gia phân tích cảnh báo các quyền lực đang nổi luôn dùng thành quả kinh tế mới đạt được để thực hiện các mục tiêu chính trị, văn hóa và quân sự lớn hơn. Cứ cho là những dự đoán về các ý đồ của Trung Quốc như trên là đúng, cũng không thể chắc chắn rằng nước này sẽ có khả năng quân sự để thực hiện các kịch bản này. Châu Á có sự cân bằng quyền lực bên trong và như vậy, nhiều nước sẽ hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải đối đầu với các phản ứng của các nước khác, cũng như những ràng buộc do mục tiêu tăng trưởng của họ và nhu cầu tìm kiếm thị trường và nguồn tài nguyên bên ngoài của họ đặt ra. Quá hung hăng về quân sự có thể dẫn tới việc hình thành liên minh quân sự giữa các nước láng giềng của Trung Quốc, điều có thể làm suy yếu cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm của Bắc Kinh. Một thăm dò do Viện Pew thực hiện ở 16 quốc gia cho thấy đa số phản ứng tích cực trước sự nổi lên về kinh tế của Trung Quốc, chứ không phải sự nổi lên về quân sự. Việc Trung Quốc không trở thành một đối thủ cạnh tranh ngang sức ngang tài với Mỹ không có nghĩa là điều đó không tạo ra thách thức nào cho Mỹ ở châu Á, các nguy cơ xảy ra xung đột cũng không bị loại trừ. Nhưng Bill Clinton đã cơ bản đúng khi nói với Giang Trạch Dân năm 1995 rằng một Trung Quốc yếu sẽ khiến Mỹ sợ hơn một Trung Quốc mạnh. Xét những thách thức toàn cầu mà Trung Quốc và Mỹ phải đối mặt, hai nước này sẽ có lợi hơn khi phối hợp với nhau. Nhưng sự ngạo mạn và chủ nghĩa dân tộc của một số người Trung Quốc và nỗi sợ hãi vô văn cứ về một sự suy yếu của một số người Mỹ đang gây khó khăn hơn cho việc tiến tới tương lai này. Quốc Thái dịch
(Tác giả: JOSEPH NYE // TuanVietNam)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com