Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế toàn cầu không đi xuống

Trong báo cáo định kỳ hai lần mỗi năm, hôm 26.5, tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo nền kinh tế thế giới đang hướng tới mức phát triển 4,75% trong năm nay và sau này, vượt hơn mức phát triển trước suy thoái, phần lớn nhờ các thị trường đang nổi lên.

Phát triển ở 30 nước công nghiệp hóa thành viên OECD dự kiến thấp hơn nhiều, chỉ 2,7%, nhưng vẫn cao hơn mức dự báo tháng 11 là 2,5%.


Theo OCED, kinh tế thế giới tăng trưởng nhờ vào các thị trường tại các nước mới phát triển mạnh.
Ảnh: TL

Là một diễn đàn nghiên cứu chính sách cho các quốc gia công nghiệp hóa, OECD cảnh báo là khủng hoảng nợ ở châu Âu và cơn sốt ở các thị trường đang nổi lên có thể gây nguy hiểm cho sự hồi phục toàn cầu. Tình trạng mất cân bằng toàn cầu – chủ yếu là mức thặng dư mậu dịch khổng lồ ở một số nền kinh tế đang nổi lên so với sự thâm hụt ở Mỹ - đang tăng nhanh trở lại. Sự mất cân bằng này thường được xem như một nguyên nhân chính của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Các dự báo nêu rõ những khác biệt trong nền kinh tế toàn cầu sau khi bật dậy năm rồi từ cơn suy thoái tệ hại nhất trong hơn nửa thế kỷ. Những rủi ro cho sự hồi phục toàn cầu có thể nhiều hơn, với tốc độ và tầm mức của dòng vốn ở các nền kinh tế thị trường đang nổi lên và sự bất ổn ở các thị trường đang gánh nặng nợ nần. Tình trạng quá nóng ở các nền kinh tế thị trường đang nổi lên, không thể loại trừ một kịch bản bùng phát-phá sản, đòi hỏi một chính sách siết chặt tiền tệ nhiều hơn nữa ở một số nước, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.

Khủng hoảng nợ công ở châu Âu, khởi đầu là Hy Lạp, đã làm các nhà đầu tư lo ngại tác động đến đà hồi phục kinh tế và đảo lộn các thị trường chứng khoán thế giới. Chỉ số thế giới MSCI giảm 10% trong năm nay, trong khi chỉ số S&P 500 ở Mỹ sụt 3,7% và chỉ số Euro Stoxx 50 giảm 14%.

Tuy nhiên, OECD dự báo các mức tăng trưởng tăng cao hơn mức dự kiến hồi tháng 11: nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,2% năm 2010 và năm sau thay cho mức dự báo hồi tháng 11 là 2,5%, 16 nước khu vực đồng euro tăng trưởng 1,2% so với dự báo trước đây là 0,9% trong khi nền kinh tế Nhật là 3% thay vì 1,8%.

OECD được thành lập năm 1961, trụ sở tại Paris (Pháp), hiện có 31 nước thành viên. Nhiệm vụ của OCED là tập hợp chính phủ các nước cam kết thực hiện dân chủ và nền kinh tế thị trường nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững, tăng mức sống, duy trì ổn định tài chính,..Trong hơn 40 năm qua, tổ chức này còn là một trong những nguồn số liệu thống kê kinh tế và xã hội lớn nhất và đáng tin cậy nhất thế giới.

Những con số này tương phản với bước phát triển tăng vọt ở các nền kinh tế đang nổi lên. Trong năm nay, Trung Quốc sẽ tăng trưởng hơn 11%, Ấn Độ 8,3% và Brazil 6,5%, và năm 2011, dự kiến Ấn Độ phát triển 8,5% trong khi Trung Quốc và Brazil sẽ chậm hơn, khoảng 9,7% và 5%, khi chính sách tiền tệ được thắt chặt để ngăn cơn sốt giá bất động sản và giữ lạm phát trong vòng kiểm soát.

OECD cho rằng, “Sự phát triển mạnh, bền vững và cân bằng hơn có thể đạt được thông qua một sự kết hợp các chính sách kinh tế vĩ mô, tỉ giá hối đoái và cơ cấu” Những nỗ lực đáp ứng nhu cầu nội địa của Trung Quốc đã giúp giữ cho thặng dư mậu dịch không trở lại mức kỷ lục những năm 2006 và 2007, trước khủng hoảng tài chính.

Theo những số liệu dự báo cho năm 2011, Hy Lạp là thành viên duy nhất của OECD được cho là sẽ suy thoái vào năm sau, và cần đến một gói hỗ trợ đến 110 tỉ euro trong vòng 3 năm để chi trả nợ. Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha dự báo sẽ là những quốc gia đạt hiệu quả kém thứ hai và thứ ba, tăng trưởng 0,8% và 0,9% năm 2011.

OECD cảnh báo mức nợ vay ở các nước OECD sẽ tăng khoảng 18% GDP từ năm 2012 trở đi trước khi ổn định lại, ngay cả khi thực hiện các biện pháp cắt giảm.

Báo cáo thêm rằng các ngân hàng ở các nước OECD vẫn “dễ tổn thương” bởi vì tác động dai dẳng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nguy cơ gia tăng do sự nới lỏng các biện pháp kích cầu của các ngân hàng trung ương. Về tình trạng nợ của khu vực đồng euro, OECD cho biết các biện pháp cần được củng cố để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng khác và cảnh báo sự hoảng loạn có thể làm suy giảm hoạt động khu vực tư nhân.

Ở một khía cạnh lạc quan hơn, OECD cho rằng một sự trỗi dậy về thương mại và phát triển kinh tế ở châu Á đang góp phần thúc đẩy phần còn lại của thế giới.

( Theo Võ Phương (theo The Economic Times, Sapa - AFP) // SGTT Online)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • OECD: Kinh tế thế giới không quay lại suy thoái
  • Vết nứt bên bờ biển Caspi
  • Vết xước mới
  • “Vỏ” mới... “ruột” không thay đổi
  • Quan hệ Trung - Mỹ: Tìm kiếm sự cân bằng mới
  • Phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ theo chiều hướng chậm dần
  • Quốc tế tuần 24-30/5: Cam kết và chờ đợi
  • Đối thoại kinh tế chiến lược Mỹ - Trung bắt đầu