Người Iraq đang đón mừng tháng chay Ramadan với hy vọng sẽ là dịp để họ thanh tịnh và không nghĩ gì đến tương lai của đất nước, một tương lai mà họ cho rằng rất mù mịt sau khi quân Mỹ đến chiếm đóng và nay tuyên bố sẽ ra đi. Nhưng có một điều mà họ phải nghĩ đến. Đó là câu hỏi: những gì đang diễn ra đằng sau kế hoạch rút quân vào cuối tháng này của chính quyền Barack Obama?
Có hai vấn đề được nhìn thấy rõ nhất trong kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi Iraq. Thứ nhất là việc lựa chọn rút khỏi chiến trường Iraq. Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ, ông Obama cam kết sẽ rút quân khỏi Iraq để tranh thủ lá phiếu của những cử tri phản đối chiến tranh (số này là đa số). Logic của ông Obama cũng dễ hiểu. Một cuộc chiến tranh là rất nặng nề đối với chiếc ghế tổng thống, nhất là cuộc chiến do nhiệm kỳ trước để lại. Trong khi ông Obama sẽ phải gánh trên vai đến hai cuộc chiến.
Nhưng vì sao ông đã chọn Iraq mà không chọn Afghanistan trong khi cuộc chiến của Mỹ ở đất nước Trung Á đã kéo dài hơn cuộc chiến ở đất nước vùng Vịnh? Chính quyền Obama tuyên bố tình hình Iraq đã tạm ổn, chính phủ đã “cứng cáp” và lực lượng vũ trang nước này đã có thể đảm bảo an ninh quốc gia, còn ở Afghanistan bất ổn hơn, chưa có lối thoát. Nhưng nếu xét từng khía cạnh, có lẽ hai quốc gia này chưa ai có thể được xem là ổn định. Vấn đề là tại vùng Vịnh, Mỹ có nhiều đồng minh thân cận trong khu vực và tham vọng đối với các giếng dầu ở Iraq xem như đã đạt được. Nếu Mỹ có rút một phần quân thì lợi ích và ảnh hưởng của họ vẫn được đảm bảo.
Trong khi đó tại Afghanistan, dường như Mỹ không có đồng minh đáng tin nào. Dù Pakistan được xem là đồng minh thân cận trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng như tiết lộ của WikiLeaks, các quan chức Mỹ không tin tưởng các cộng sự Pakistan.
Cạnh về phía Tây của Afghanistan là Iran, một cái gai không thể nhổ được của Mỹ và sẵn sàng chờ Mỹ rút quân để lan tỏa ảnh hưởng của mình. Các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ dù có những thỏa thuận quân sự, kinh tế với Mỹ nhưng vẫn còn là một dấu hỏi lớn đối với Mỹ bởi từng là anh em, đồng minh của Nga, và dù chính phủ có quan hệ tốt với Mỹ nhưng lực lượng đối lập luôn là những đồng minh của Nga. Bên cạnh đó Mỹ còn muốn tiếp tục thúc đẩy những cuộc cách mạng hoa hồng tại khu vực này trong tương lai.
Thứ hai là việc rút quân có thật sự như tuyên bố không? Trên thực tế có rất ít quan chức Mỹ tin rằng việc rút quân hoàn toàn là thực tiễn trong tương lai gần. Hiện nay thấy rõ rằng Mỹ không thể mang lại một nền hòa bình ổn định cho Iraq, bởi vì việc cơ bản nhất là thành lập chính phủ thôi mà đã hai lần không thành như mong đợi.
Theo nhà phân tích chính trị của hãng tin Nga RIA-Novosti, Andrei Fedyashin, kế hoạch rút 15.000 quân vào cuối tháng 8 này thật ra không phải là thử thách của quân đội Mỹ, bởi nơi này vẫn còn đến 50.000 quân. Và theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ thì sau khi 15.000 quân Mỹ rút sẽ có thêm 5.000 người thuộc các công ty an ninh tư nhân của Mỹ sẽ đến Iraq để bảo đảm an ninh chỉ riêng cho đội ngũ nhân viên ngoại giao Mỹ tại nước này. Như vậy sẽ còn có nhiều nhân viên an ninh Mỹ bảo vệ cho các cố vấn Mỹ, các nhà đầu tư, khai thác dầu… thì có lẽ con số người được vũ trang cũng tương đương số quân Mỹ rút, chỉ có điều không mang danh nghĩa quân đội.
Một kế hoạch rút quân sẽ rầm rộ, nhưng kế hoạch đưa thêm người sang sẽ lặng lẽ. Và cuối cùng sự hiện diện của Mỹ tại Iraq có lẽ không có gì thay đổi.
(Theo Việt Trung // SGGP Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com