Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hỗ trợ của IMF thường là những liều thuốc đắng

Hiện IMF đã cam kết cho một số nền kinh tế vay hàng chục tỉ USD để cứu đồng tiền của họ. Liệu Việt Nam có cần một sự hỗ trợ như vậy hay không? Mời bạn đọc theo dõi phần giải đáp của chuyên viên kinh tế Huỳnh Bửu Sơn.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã để lại những hệ quả nghiêm trọng đối với hệ thống tài chính ngân hàng trên toàn thế giới, hầu như không có một quốc gia nào là ngoại lệ. Sự sụp đổ của một số ngân hàng đầu tư và các quỹ đầu tư lớn, cũng như sự bốc hơi hàng chục ngàn tỉ USD tại các thị trường chứng khoán có tầm vóc quốc tế đã tạo ra một hiệu ứng dây chuyền đe dọa làm sụp đổ không những các tập đoàn tài chính khổng lồ tại các nước Âu - Mỹ mà còn ảnh hưởng đến hệ thống tài chính ngân hàng tại các nước khác.

Hệ quả trước mắt và trực tiếp nhất là sự khan hiếm thanh khoản, đặc biệt là sự khan hiếm đồng USD, điều này đặt hệ thống ngân hàng các nước trước nguy cơ mất khả năng thanh toán quốc tế. Chính vì vậy, Mỹ và các cường quốc kinh tế châu Âu đã phải chuẩn bị những kế hoạch ứng cứu tài chính hàng ngàn tỉ USD cho hệ thống tài chính ngân hàng của mình.

IMF, với tư cách là người bảo vệ hệ thống tiền tệ thế giới cũng đang chuẩn bị kế hoạch hỗ trợ của mình đối với các quốc gia hội viên với mức độ ưu tiên khác nhau dành cho những nước nào bị đe dọa khẩn trương nhất. Hiện nay, chưa có thông tin chính thức nào về việc Việt Nam có yêu cầu hỗ trợ hay không, và cũng chưa có nguồn tin xác định việc IMF có chuẩn bị gói ứng cứu tương tự cho Việt Nam hay không.

Tuy nhiên, do quy mô tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu quá lớn, gần như không chừa một nền kinh tế nào, nên khả năng IMF dự phòng một kế hoạch hỗ trợ như vậy cho các nước có hoàn cảnh giống như Việt Nam không phải là không thể xảy ra.

* Nếu quả thực có số tiền này, thì việc sử dụng như thế nào sẽ đạt hiệu quả cao nhất?

- Kinh nghiệm về những kế hoạch ứng cứu đột xuất hay những chương trình hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế của IMF cho thấy các khoản tài trợ này luôn được tính toán một cách chặt chẽ, phù hợp với các nguyên tắc căn bản của IMF và có những mục tiêu rõ ràng, với những điều kiện giải ngân rất ngặt nghèo.

Những biện pháp hỗ trợ của IMF thường được coi là những liều thuốc đắng và không ít trường hợp bị các quốc gia tiếp nhận chỉ trích là gây ra những khó khăn khác cũng không kém nghiêm trọng cho nền kinh tế các nước đó.

Một trong những yêu cầu căn bản của IMF đối với các quốc gia tiếp nhận hỗ trợ là việc thực thi nghiêm ngặt chính sách thắt lưng buộc bụng (cả nhà nước lẫn người dân), tăng thuế, tăng lãi suất, giảm công chi, giảm đầu tư công và có thể phá giá đồng nội tệ.

Chính những yêu cầu này, nếu được thực thi một cách đầy đủ, thường tạo ra tình trạng thất nghiệp cao trong đoản kỳ. Tuy nhiên, chúng cũng giúp cấu trúc lại nền kinh tế, tạo ra những cân đối vĩ mô cần thiết, nhất là tạo được động lực thị trường, điều mà các chuyên gia IMF tin rằng sẽ giúp cho nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn và có tính cạnh tranh hơn.

Một mục tiêu quan trọng khác của chương trình tài trợ tái cơ cấu kinh tế của IMF đối với các nước tiếp nhận hỗ trợ là phát triển khu vực kinh tế tư doanh, một khu vực mà các chuyên gia IMF tin rằng hoạt động hiệu quả hơn, năng động hơn, có tính cạnh tranh hơn và do đó, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế.

Do vậy, có lẽ chúng ta không cần phải băn khoăn nhiều trong việc đồng tiền hỗ trợ có được sử dụng hiệu quả hay không, vì hiệu quả ở đây được quyết định bởi chính chương trình ứng cứu của IMF, không phải do nước chủ nhà quyết định. Vấn đề đáng quan tâm hơn là cần phải thương thảo với IMF như thế nào để các điều kiện tài trợ bớt ngặt nghèo, phù hợp với quyền lợi chung, thiết thân và hợp lý của nền kinh tế nước chủ nhà.


(Theo TTO)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'