Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

IMF: ‘Kinh tế thế giới đang khủng hoảng lòng tin’

Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế vẽ nên một bức tranh kém sáng sủa về kinh tế thế giới. Cụm từ “hết thời gian” được nhắc lại nhiều lần cho thấy sự cần thiết của những biện pháp giải cứu ở quy mô toàn cầu.
 

Báo cáo bán niên về thị trường tài chính thế giới vừa được IMF công bố nhận định hệ thống tài chính toàn cầu đang trải qua giải đoạn dễ bị tổn thương nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Sự phục hồi chậm chạp, thâm hụt ngân sách và nợ của các quốc gia cũng như động thái thiếu dứt khoát của các chính phủ khi can thiệp là những tác nhân chính đẩy hệ thống kinh tế - tài chính thế giới tới cận kề bờ vực tái khủng hoảng.

Đại diện IMF cho rằng kinh tế thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng lòng tin. Ảnh: AFP
Đại diện IMF cho rằng kinh tế thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng lòng tin. Ảnh: AFP

“Chúng ta đang ở giữa cuộc khủng hoảng về lòng tin. Nó diễn ra trên cả thị trường tài chính lẫn nền kinh tế thực”, cố vấn tài chính, trưởng ban tiền tệ và thị trường vốn IMF José Viñals bình luận. “Tất cả những nỗ lực để bình ổn thị trường tài chính trong vòng 3 năm qua gần như đã bị xóa sạch”, ông này nói thêm.

Tâm điểm của những bất ổn được IMF xác định ở 2 đầu tàu của kinh tế thế giới là châu Âu và Mỹ.

Tại cựu lục địa, cuộc khủng hoảng nợ công của các chính phủ đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của khu vực ngân hàng, chỉ phí vay tăng cao trong khi cổ phiếu ngân hàng ngày một mất giá.

IMF ước tính thiệt hại của các ngân hàng châu Âu kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu vào năm 2010 đã lên tới hơn 200 tỷ euro (khoảng 273 tỷ USD). Tổ chức này cho rằng các quốc gia trong khu vực đồng euro hiện cần nhiều hơn cả con số này để “hồi sức” cho hệ thống ngân hàng.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, mối quan ngại cũng được đặt nặng lên khả năng quản lý nợ lâu dài của Chính phủ Mỹ. Bằng chứng là việc Quốc hội Mỹ đã phải rất khó khăn khi cho phép nâng trần vay mượn cách đây không lâu. Đây có thể là một trong những nguy cơ tiềm tàng đối với kinh tế thế giới nếu không sớm được giải quyết.

Không chỉ chính phủ, bản thân từng gia đình Mỹ hiện cũng đang phải đau đầu để cân bằng tài chính của mình. Sức mua giảm, dẫn tới sản xuất đình trệ khiến nước Mỹ quay cuồng trong một vòng luẩn quẩn của tăng trưởng và khả năng điều tiết chi tiêu.

Quá trình phục hồi kinh tế trông cậy rất nhiều vào kích cầu tiều dùng. Ảnh: AFP
Quá trình phục hồi kinh tế trông cậy rất nhiều vào kích cầu tiều dùng. Ảnh: AFP

Đứng trước thực tế này, ngay trong ngày 21/9, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã công bố một gói kích thích kinh tế trị giá 400 tỷ USD với mục tiêu nhằm thằng vào việc hạ lãi suất. Đây cũng là biện pháp mà IMF khuyến cáo thực hiện trên phạm vi toàn cầu để cứu vãn sản xuất, tiêu dùng và trên hết là niềm tin của nhà đầu tư.

“Thời gian đắn đo đã kết thúc, đây là lúc hành động” - Đây là thông điệp chính được phát đi từ báo cáo của IMF. Tổ chức này đề xuất 5 giải pháp và các nhà điều hành, ngân hàng và các doanh nghiệp cần thực hiện ngay để tránh cho kinh tế thế giới rơi xuống bờ vực khủng hoảng.

Trước hết, Quỹ tiền tệ quốc tế cho rằng chính phủ các nước từ Mỹ, châu Âu đến Nhật cần có biện pháp trước mắt cũng như lâu dài để tái cân bằng ngân sách cũng như giảm nợ quốc giá.

Các ngân hàng tại châu Âu cần tìm cách cải thiện sức khỏe tài chính bằng cách tăng vốn, qua đó giúp họ có thể chống chịu tốt hơn trước những rủi ro của khách hàng, thậm chí là khả năng vỡ nợ của một số quốc gia. Chính phủ các nước và đặc biệt là Ngân hàng trung ương châu Âu cần đóng vai trò hỗ trợ tích cực hơn trong quá trình này.

Nước Mỹ cần mạnh dạn hơn nữa trong các chương trình hỗ trợ tiêu dùng, qua đó cải thiện sức sản xuất cũng như tăng tốc độ luân chuyển dòng tiền trong nền kinh tế.

Đối với các nền kinh tế mới nổi, cơ hội vẫn còn đối với việc tái cấu trúc nền kinh tế, cải thiện cán cân thanh toán cũng như đầu tư mạnh cho tăng trưởng bền vững. Điều này sẽ giúp họ chống chịu tốt hơn với những rủi ro trong tương lai, đặc biệt là những rủi ro tài chính.

Cuối cùng, quá trình tái xây dựng hệ thống quy chuẩn và pháp luật kinh tế toàn cầu cần được đẩy nhanh hơn nữa để khắc phục những nhược điểm, vốn là nguyên nhân gây là khủng hoảng suốt giai đoạn vừa qua.

Nhật Minh // VN Express

 -------------------------------------------------

Paul Krugman: “Kinh tế sẽ suy yếu, nếu tiếp tục bị rút máu”
 

Giáo sư Paul Krugman, người từng đoạt giải Nobel kinh tế , đã đổ lỗi cho chính sách thắt chặt tài chính tiền tệ cản trở đà phục hồi kinh tế thế giới. 
Giáo sư Paul Krugman, người đoạt giải Nobel kinh tế 2008
“Nhật báo Kinh tế” Đài Loan ngày 20/9 đăng lại bài của Giáo sư Paul Krugman, giảng dạy  tại Trường đại học Princeston, người được giải thưởng Nô ben kinh tế năm 2008 cho rằng Kinh tế Mỹ và thế giới sẽ chậm phục hồi và phát triển nếu vẫn tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ hiện nay.

Trong bài  “Kinh tế sẽ suy yếu nếu tiếp tục bị rút máu” đăng trên chuyên mục “Vấn đề Kinh tế” của tờ New York Times, Giáo sư Paul Krugman viết: Trước đây trong giới y học, từng có các bác sĩ chủ trương rút bớt máu bệnh nhân để trị bệnh. Nhưng hiện nay đa số y bác sĩ đều cho rằng rút bớt máu có thể làm tác nhân gây bệnh càng hoành hành, bệnh nhân càng suy nhược và lâu hồi phục sức khỏe. 

Nhưng điều bất hạnh hiện nay là hầu hết các nhà quyết sách kinh tế ở các nước lại áp dụng biện pháp rút bớt máu kinh tế. Rút bớt máu kinh tế chẳng những làm dân chúng đau khổ mà còn làm xói mòn cơ sở phát triển kinh tế bền vững của đất nước. 

Khi kinh tế lâm vào suy thoái và khủng hoảng, những người chủ trương chính sách thắt chặt kinh tế tài chính ở Mỹ và các nước Châu Âu thắng thế, nên hơn một năm rưỡi qua, chính sách này được thực hiện rộng khắp các nơi. Lập luận của những người này là nếu các nước đều thực hiện chính sách khắc khổ, cắt giảm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng thì sẽ giảm được thâm hụt ngân sách. Từ đó, nhà nước lấy lại niềm tin trong dân chúng và kinh tế nhanh chóng phục hồi.

Vậy là cả Châu Âu thực hiện thắt chặt. Những nước kinh tế vẫn đang phát triển lành mạnh thì thắt chặt đôi chút gọi là “thắt chặt ôn hòa”, còn những nước có vấn đề lớn như Hy Lạp, Ireland, Tây Ban Nha, Italia thực hiện “thít chặt”, đại cắt giảm chi tiêu. 

Tại Mỹ từ năm 2009, chính phủ liên bang thực hiện biện pháp “thắt chặt ôn hòa”, nhưng chính quyền các bang lại “thít chặt”. Nhìn tổng thể, chính sách của Mỹ đại thể cũng giống như các nước Châu Âu.

Kết quả hơn một năm rưỡi  qua cho thấy niềm tin chẳng thể lấy lại, mà còn tụt sâu xuống đáy vực. Các doanh nghiệp và  người tiêu dùng đều lo ngại, việc làm chẳng có, tỉ lệ thất nghiệp vẫn cao. Tăng trưởng kinh tế nói chung đều chậm lại và tỉ lệ thất nghiệp ở hai bờ Đại Tây Dương vẫn ở mức báo động nguy hiểm. Trước tình hình này, một số nhà hoạch định chính sách biện minh cho biện pháp thắt chặt nhằm mục tiêu lâu dài chứ không phải chú trọng trước mắt. Lập luận này của họ không đúng. Bởi vì, kinh tế hiện nay ngày càng suy yếu thì làm gì có tương lai cho 10 năm sau. Thực tế cho thấy tình trạng suy yếu của nền kinh tế Mỹ và Châu Âu đã bước vào năm thứ 4. Những vấn đề kinh tế ngắn hạn do hậu quả chính sách này đã làm xói mòn cơ sở phát triển kinh tế lâu dài các nước.

Điểm lại nền kinh tế Mỹ cho thấy ngành chế tạo thông thường mức tăng trưởng hàng năm từ 2% - 3%. Do thắt chặt tiền tệ, nên so với tháng 12/2007 đã sụt giảm tới 5%, nhiều doanh nghiệp giảm công suất và tốc độ bị suy yếu do chính sách thắt chặt đã nhanh hơn rất nhiều so với dự kiến của nhà quyết sách. Ngành chế tạo suy giảm kéo theo ngành khác cũng suy giảm theo, nhất là các ngành dịch vụ, từ đó số lượng người bổ sung vào đội quân thất nghiệp càng tăng lên. Chẳng hạn ở Mỹ, do chính sách cắt giảm chi tiêu ngân sách ngành giáo dục đã làm hàng trăm nghìn giáo viên mất việc. Tương lai phát triển lâu dài của nền kinh tế đất nước bị bao phủ mây đen, nợ công tăng lên. Bởi vậy, chúng ta có thể rút ra kết luận là: Chính sách này đã phản tác dụng, tăng trưởng kinh tế thấp trong tương lai cũng có nghĩa là thuế thu được cũng giảm sút, chi tiêu của nhà nước sẽ càng khó khăn. Bởi vậy, giải pháp của chúng ta là phải ra sức thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, nó chẳng những đảm bảo cho tương lai phát triển mà còn đảm bảo giải quyết vấn đề trước mắt. Nhà nước, các ngân hàng cần tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp mới là lối thoát cho nền kinh tế trì trệ hiện nay. Rất nhiều nhà lý luận cũng như các chủ doanh nghiệp của Mỹ và Châu Âu đều chủ trương như vậy.

Thực tế trên đã làm một số nhà quyết sách thức tỉnh. Điển hình là Tổng thống Obama vừa đưa ra phương án chính xác về giải quyết việc làm, coi đây là cái nút đầu tiên cần tháo gỡ. Tại Châu Âu, nhiều Hội doanh nghiệp, cùng một số ngân hàng đã bắt đầu kêu gọi các nhà lãnh đạo cần chuyển hướng sang quyết sách lấy tăng trưởng làm chủ đạo, sửa lại quyết sách sai lầm hiện nay. Nhưng phải nói rằng sự chuyển biến này không phải là dễ dàng, nên nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn thời gian tới và kinh tế chưa thể nhanh chóng phục hồi.

Kiều Tỉnh // Tầm nhìn

 --------------------------------------------
 

IMF dự báo lạm phát Việt Nam năm 2011 là 19%

Theo báo cáo triển vọng kinh tế thế giới vừa mới công bố, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến lạm phát của Việt Nam sẽ là 19% năm 2011 và 12,1% năm 2012.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ảnh: Bloomberg.com
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ảnh: Bloomberg.com

Mức tăng trưởng dự báo cho nền kinh tế Việt Nam năm 2011 là 5,8% cùng với lạm phát kỳ vọng 19%. Năm 2012, dự kiến khả năng kiềm chế lạm phát của Việt Nam sẽ tốt hơn, mức tăng giá sẽ trong khoảng 12% và tăng trưởng kinh tế là 6,3%.

Nhóm các quốc gia đang phát triển tại châu Á bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philipines, Việt Nam được dự đoán tăng trưởng năm 2011 đạt 6,4% và năm 2012 là 6,1%. Con số dự báo đã được điều chỉnh giảm so với mức mà IMF đưa ra vào tháng 6/2011 với tốc độ tăng là 6,6% năm 2011 và 6,4% năm 2012.

Cũng trong báo cáo này, IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 4% trong cả 2 năm 2011 và 2012. Đồng thời, IMF cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế nếu các nhà lãnh đạo phương Tây không thể đưa nền kinh tế của nước mình trở lại đúng quỹ đạo.

Dự báo tăng trưởng năm 2011 của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng được điều chỉnh giảm với mức 1,5% cho Mỹ và 9,5% cho Trung Quốc. Lo ngại về sự gia tăng nợ công của chính quyền địa phương tại Trung Quốc là nguyên nhân khiến IMF đưa ra con số dự báo giảm so với mức 9,6% cho năm 2011 và 9,5% cho năm 2012 đã thông báo vào tháng 6 vừa qua.

Tăng trưởng khu vực châu Âu được dự báo chỉ còn 1,6% vào năm 2011 và 1,1% vào năm 2012. Nhóm các quốc gia phát triển nhất thế giới (G7) được kỳ vọng tăng trưởng GDP khoảng 0,5%, thấp hơn 0,2% so với dự báo tháng 6/2011.

Trong báo cáo của mình, IMF cảnh báo các nền kinh tế mới nổi về sự lây lan của khủng hoảng nợ tại châu Âu có thể ảnh hưởng tới các quốc gia này trong thời gian tới. Đồng thời, IMF khuyến cáo các quốc gia tại châu Á về tình trạng thâm hụt ngân sách, và cho rằng nó sẽ có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển lâu dài của các nước này.

Quỳnh Anh (Theo Bloomberg/IMF)// VNexpress

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Cam kết của WB và IMF không là thuốc đặc trị
  • Chủ tịch FED: 'Mỹ cần học hỏi các nền kinh tế mới nổi'
  • Khủng bố vẫn đe dọa nghiêm trọng như 10 năm trước
  • Cuộc chiến thịt gà Mỹ - Trung “khai hỏa”
  • Wall Street Journal đánh giá cao kinh tế Việt Nam
  • Olympic London 2012: thời cơ cho doanh nghiệp Anh
  • BRICs sẽ cứu châu Âu?
  • BRICS liên kết cứu châu Âu?