Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế 24h: Nguy cơ lạm phát hai con số

Lạm phát tại các nền kinh tế mới nổi có thể lên tới 2 con số, Mark Mobius, Chủ tịch Quỹ đầu tư vào các thị trường mới nổi Franklin Templeton dự báo. Theo ông, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của khu vực này trong năm nay có thể đạt 6%.

Mobius cho rằng, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn các quốc gia cùng hạng bậc ở những khu vực khác. Cụ thể, tăng trưởng GDP trung bình ở tất cả các nền kinh tế mới nổi là 5 - 6%, trong khi với châu Á sẽ cao hơn khoảng 1%.

Tăng trưởng kinh tế cũng như đà leo thang của giá hàng hóa và thực phẩm đang khiến lạm phát tại các nền kinh tế mới nổi tăng cao. Tuy nhiên, Mobius cho rằng trước đây các quốc gia này đã gánh chịu mức lạm phát lên đến hàng ngàn % như tại Brazil.

Cũng liên quan tới vấn đề lạm phát, tờ South China Morning Post của Hồng Kông cho biết, lần đầu tiên, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nhận định nền kinh tế nước này sẽ gặp khó khăn trong mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4% cho năm nay.

Phát biểu trước cộng đồng Hoa kiều ở London (Anh) cuối tuần qua, ông Ôn Gia Bảo cho biết, Chính phủ Trung Quốc đang tăng cường "cuộc chiến" chống lạm phát. Ông nhận định, CPI tháng 6 có thể tăng mạnh hơn nhưng sẽ chậm lại trong 6 tháng cuối năm. Theo đó lạm phát sẽ được giữ dưới mức 5%.

Trung Quốc đã cam kết coi cắt giảm lạm phát là một ưu tiên hàng đầu và trong báo cáo công tác chính phủ thường niên hồi tháng Ba vừa qua, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đặt ra mục tiêu lạm phát năm nay là 4%. Tuy nhiên, chỉ số CPI tăng liên tục trong các tháng qua và hứa hẹn sẽ còn tăng nữa trong tháng 6.

Tổ chức định mức tín dụng Moody’s vừa đưa ra nhận định rằng, kinh tế Nhật Bản có thể rơi vào “thập niên mất mát” thứ ba, với thêm 10 năm nữa tăng trưởng thấp. Điều này khiến nỗ lực giảm gánh nặng nợ của chính phủ phức tạp hơn.

Theo Moody's, kinh tế Nhật Bản cần tăng gấp đôi tốc độ phát triển để giúp chính phủ ra khỏi gánh nặng nợ khổng lồ. Động đất đã khiến nền kinh tế Nhật Bản đối mặt với nguy cơ sụt giảm. Do đó, hôm 31/5 vừa qua, Moody’s đã tuyên bố đưa xếp hạng tín dụng của Nhật Bản vào danh sách cần theo dõi.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến kinh tế của Nhật Bản trong năm năm tới chỉ tăng trưởng 1,2% mỗi năm, bằng một nửa các nền kinh tế phát triển khác, đồng thời đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế trung hạn của Nhật Bản là bi quan.

Cuộc giải cứu nợ công của Hy Lạp đang tới hồi gay cấn. Các nhà hoạch định chính sách nước này đang hối thúc thông qua kế hoạch ngân sách thắt lưng buộc bụng mới nhằm đổi lấy gói viện trợ tiếp theo từ bên ngoài. Trong khi đó, các hoạt động ở Hy Lạp gần như tê liệt do các cuộc đình công.

Hôm 28/6, cảnh sát chống bạo động Hy Lạp đã bắn đạn hơi cay vào 10.000 người biểu tình tụ tập bên ngoài trụ sở quốc hội sau khi các nhóm thanh niên ném bom xăng vào nhau trong bối cảnh cuộc tổng đình công nhằm phản đối chính phủ đang trên bờ vực phá sản ở nước này ngày càng trở nên tồi tệ.
 
Trước đó cùng ngày, đáp lại lời kêu gọi của các công đoàn Hy Lạp, hàng chục nghìn người tại hai thành phố lớn Athen và Salonique đã xuống đường biểu tình phản đối kế hoạch khắc khổ của chính phủ đang được quốc hội xem xét, mở đầu cho cuộc tổng đình công kéo đài 48 giờ đồng hồ.
 
Trước trụ sở quốc hội, người biểu tình giương cao các khẩu hiệu đòi cơ quan này không thông qua dự luật về các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ. Ngay từ sáng 28/6, giao thông công cộng tại Athen đã bị đình trệ hoàn toàn, nhiều chuyến bay phải hủy bỏ, điện bị cắt.

Trong khi đó, một quan chức châu Âu giấu tên tiết lộ rằng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang chuẩn bị "phương án B" cho Hy Lạp, đề phòng trường hợp Quốc hội nước này không thông qua chương trình "thắt lưng buộc bụng" mới.

"Phương án B" có thể tính đến việc tái khởi động Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF), được thiết lập để cứu trợ các nước rơi vào khủng hoảng nợ công trong Liên minh châu Âu, nhưng sẽ hết hiệu lực vào năm 2013.

Tuy nhiên, các nước thành viên Liên minh châu Âu khó chấp nhận giải pháp này nếu không có sự tham gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và chương trình "thắt lưng buộc bụng" mới của Hy Lạp.

Cũng liên quan tới vấn đề này, giới phân tích cho rằng, khủng hoảng nợ châu Âu sẽ đặt ra nhiều rủi ro đối với các quỹ đầu tư tương hỗ trên thị trường tiền tệ Mỹ, vì các ngân hàng lớn sẽ không thể hoàn thành được cam kết trong vòng 3 tháng tới nếu xảy ra tình trạng vỡ nợ tại khu vực này.

Tình trạng vỡ nợ có thể tác động đến các quỹ tiền tệ vì những quỹ này cho các ngân hàng châu Âu vay. Các nhà băng châu Âu lại dùng số tiền này cho Hy Lạp và các quốc gia khác trong khu vực vay. Theo Fitch Ratings, các quỹ tiền tệ Mỹ hiện nắm giữ khoảng 800 tỷ USD chứng khoán do các nhà băng châu Âu phát hành.

(VnEconomy)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Tâm điểm kinh tế tuần này: lại là Hy Lạp
  • Kinh tế 24h: Nguy cơ mất trắng 100 tỷ USD
  • Thế giới tuần 20-26/6: Giải cứu tương lai
  • Tương lai của quyền lực toàn cầu
  • Thế giới lo ngại một cuộc khủng hoảng kinh tế mới
  • Nguy cơ thiết hụt dầu sau động thái mở kho dự trữ của IEA
  • Tăng trưởng Xanh - chìa khóa cho an ninh lương thực
  • Kinh tế 24h: Hoảng hốt với tăng trưởng của Mỹ