Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tương lai của quyền lực toàn cầu

Trong thế kỷ 21, chính sách đối ngoại thông minh sẽ cần kết hợp giữa sức mạnh cứng của sự cưỡng chế và thanh toán với sức mạnh mềm của sự lôi cuốn và sức thuyết phục.

Quyền lực là khả năng tác động để người khác làm theo những gì mình muốn. Quyền lực có thể đạt được thông qua cưỡng chế và thanh toán, hay bằng sự hấp dẫn và sức thuyết phục. Vậy những nguồn lực nào sẽ tạo thành quyền lực trong thế kỷ này? Ở thế kỷ 16, khả năng kiểm soát thuộc địa và vàng bạc đã giúp Tây Ban Nha có được thế vượt trội; thế kỷ 17, Hà Lan được hưởng lợi từ sức mạnh thương mại và tài chính; thế kỷ 18, Pháp vượt lên nhờ dân số đông và quân đội lớn; thế kỷ 19, Anh dựa vào Cuộc cách mạng công nghiệp và hải quân để duy trì vị trí số một. Quan niệm phổ biến cho rằng nhà nước với quân đội mạnh sẽ chiếm ưu thế, nhưng trong thời đại thông tin của thế kỷ 21, có thể nhà nước (hay các chủ thể phi nhà nước) với những câu chuyện thú vị nhất sẽ giành chiến thắng. Đến giờ, việc đo lường cân bằng quyền lực toàn cầu đã khó, nhưng việc làm thế nào phát triển những chiến lược hiệu quả để tồn tại trong thế giới mới này càng khó hơn.

Hai sự thay đổi quyền lực quan trọng đang diễn ra trong thế kỷ này là chuyển dịch quyền lực (power transition) và phân tán quyền lực (power diffusion). Chuyển dịch quyền lực từ một nhà nước chủ yếu sang một nhà nước khác là một mô thức lịch sử quen thuộc, và theo giải thích của nhiều nhà phân tích, sự đi xuống của Mỹ tất yếu sẽ diễn ra, với nhiều điểm tương đồng lịch sử với Anh và Rome. Nhưng Rome vẫn duy trì thế vượt trội trong hơn 3 thế kỷ sau thời cực thịnh, và dù không phải chịu thách thức từ sự trỗi dậy của các nước khác, nhưng sau đó vẫn sụp đổ vì hàng nghìn "nhát cắt" bởi những xung đột quy mô lớn và các vụ tấn công từ bên ngoài của các bộ tộc man rợ. Những dự đoán phổ biến hiện nay đều nhận định Trung Quốc, Ấn Độ, hay thậm chí Brazil, sẽ vượt qua Mỹ trong vài thập niên tới, nhưng thưc tế mối đe dọa đáng ngại hơn lại đến từ những kẻ có dã tâm và chủ thể phi nhà nước hiện đại.

Sự thay đổi thứ hai là phân tán quyền lực. Dù nhà nước vẫn là những chủ thể chính yếu trên trường quốc tế, nhưng sân khấu cũng đã đông đúc hơn và khó kiểm soát hơn. Nhiều người có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại thông tin hơn. Những gì chúng ta thấy ở Trung Đông hiện nay là ví dụ cho thấy công nghệ liên lạc chi phí thấp có thể mở rộng quyền lực cho những thành phần yếu quyền trong xã hội trước đây. Quan hệ quốc tế không còn là chuyện của riêng của các chính phủ. Các cá nhân và tổ chức tư nhân - doanh nghiệp, NGO, những kẻ khủng bố - hiện đang đóng vai trò trực tiếp trong chính trị thế giới.

GS Joseph Nye, cha đẻ thuyết Quyền lực mềm criticalglobalisation.com

Ngày nay, sức mạnh toàn cầu được phân phối theo mô thức giống như trò cờ vua trên ba tầng khác nhau.

Ở bàn cờ đầu tiên, quyền lực quân sự vẫn mang tính đơn đơn cực, và Mỹ sẽ còn vượt trội trong tương lai gần. Nhưng ở bàn cờ thứ hai, quyền lực kinh tế đã thể hiện nhiều cực hơn trong hơn một thập niên trở lại đây, với Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, và Mỹ là những người chơi chính. Bàn cờ cuối cùng bao gồm một tập hợp các quan hệ xuyên quốc gia, nơi các tập đoàn đa quốc gia lưu chuyển khối lượng tiền của khổng lồ, nơi những kẻ khủng bố vận chuyển vũ khí, và những tin tặc đe dọa an ninh mạng.

Bên cạnh đó là những thách thức khác như bệnh dịch và biến đổi khí hậu. Ở tầng cuối này, quyền lực bị phân tán, nên nếu nói thế giới mang tính đơn cực, đa cực, cường quyền hay đế quốc đều sẽ đều không có nghĩa.

Khi nói đến chính trị xuyên quốc gia - bàn cờ sau cùng - cuộc cách mạng thông tin đang xóa dần đi những rào cản tham gia vào chính trị toàn cầu. Bốn mươi năm trước, liên lạc tức thì trên toàn cầu vẫn có thể thực hiện được nhưng vô cùng đắt đỏ, và chỉ sử dụng hạn chế ở cấp độ chính phủ và các doanh nghiệp lớn. Điện đàm nay đã miễn phí trên Skype. Khi tôi còn làm ở Bộ Ngoại giao Mỹ, những năm 1970, Mỹ và Liên Xô đã phải chi tiền tỷ cho các bức ảnh vệ tinh có độ phân giải 1 m. Ngày nay, ai cũng có thể tải về những bức ảnh chất lượng cao từ Google Earth, miễn phí. Năm 2001, một tổ chức phi nhà nước giết hại nhiều người Mỹ hơn những gì chính phủ Nhật đã làm trong vụ tấn công Trân Châu Cảng. Và thậm chí, với mỗi đại dịch lây lan do chim, người du lịch, số người chết có thể còn nhiều hơn cả trong thế chiến thứ nhất hay thứ hai. Quyền lực sẽ ngày càng được thực thi trong phạm vi tương tác mạng rộng lớn hơn.

Trong môi trường này, Mỹ không thể đạt được mục tiêu của mình chỉ bằng hành động riêng lẻ. Đơn cử, sự ổn định tài chính toàn cầu có ý nghĩa quan trọng đối với sự thịnh vượng của Mỹ, nhưng Mỹ sẽ không thể duy trì được sự ổn định ấy nếu không có sự phối hợp từ những nước khác. Điều tương tự cũng diễn ra trong vấn đề biến đổi khí hậu. Biên giới giữa các quốc gia trở nên mờ nhạt hơn, các nước phải sử dụng quyền lực mềm để xây dựng các mạng lưới và thể chế nhằm ứng phó với những mối đe dọa chung. Như vậy, quyền lực trở thành trò chơi có tổng lớn hơn 0. Hãy thôi nghĩ tới chuyện áp đặt quyền lực lên người khác. Chúng ta (Mỹ) thay vào đó nên tính toán làm sao để dụng quyền lực tiến tới những mục tiêu cùng với người khác.

Nước Mỹ có xu hướng tập trung vào quyền lực cứng để cưỡng chế và thanh toán. Điều này phần nào phản ánh văn hóa chính trị và thể chế của Mỹ. Không chính trị gia nào muốn "nhu" và với Quốc hội Mỹ, tăng ngân sách cho Lầu Năm Góc dễ hơn cho Bộ Ngoại giao. Khuynh hướng này càng được củng cố hơn bởi những tri thức phổ biến hiện nay. Cách tiếp cận phổ biến đối với các vấn đề quốc tế là Chủ nghĩa hiện thực, với những tên tuổi nổi tiếng như Thucydides và Machiavelli. Với những người hiện thực chủ nghĩa, thế giới là chính phủ, và các nhà nước có chủ quyền phải dựa vào những công cụ, trong đó có lực lượng quân sự, để đảm bảo sự độc lập của mình. Người theo Chủ nghĩa hiện thực ngày nay cũng có cái nhìn từ nhiều hình thái và quy mô khác nhau, nhưng đều có xu hướng coi chính trị thế giới là chính trị quyền lực.

Trong thế kỷ 21, chính sách đối ngoại thông minh sẽ kết hợp giữa quyền lực cứng và quyền lực mềm. Ảnh: Chronicle

Ở mặt nào đó họ đúng, nhưng có lẽ họ nhìn nhận về quyền lực có phần nông cạn. Một Chủ nghĩa hiện thực thực dụng hay thường thức nên đánh giá toàn bộ các yếu tố cấu thành quyền lực, bao gồm cả tư tưởng, sức thuyết phục, sự lôi cuốn bắt nguồn từ văn hóa, giá trị và chính sách của một quốc gia được những bên khác nhìn nhận là chính đáng. Nhiều nhà hiện thực chủ nghĩa cổ điển trước đây hiểu vai trò của quyền lực mềm tốt hơn một số "hậu bối" trong thời đại ngày nay.

Chủ nghĩa hiện thực thể hiện đầy đủ một số khía cạnh của quan hệ quốc tế. Nhưng nhà nước không còn là chủ thể quan trọng duy nhất trong các vấn đề quốc tế; an ninh quân sự không còn là kết quả quan trọng duy nhất mà họ theo đuổi; và vũ lực không phải là công cụ tốt nhất, duy nhất và lúc nào cũng có thể sử dụng để đạt được kết quả như ý muốn. Thực tế, quan hệ giữa các quốc gia phát triển hậu công nghiệp là một trong những mối phụ thuộc lẫn nhau đầy phức tạp. Mạng lưới các muối quan hệ sâu sắc xuyên quốc gia giữa các xã hội dân chủ có nghĩa là sự thiếu vắng bất cứ chính phủ quan trọng nào đều có những ảnh hưởng rất khác trong những bối cảnh như vậy so với những dự đoán của chủ nghĩa hiện thực.

Không phải chỉ riêng với quan hệ giữa các nước phát triển thì quyền lực mềm mới đóng vai trò quan trọng. Trong thời đại công nghệ thông tin, truyền thông trở nên quan có ý nghĩa hơn và các kết quả đạt được sẽ không chỉ phụ thuộc vào những nước có quân đội mạnh mà còn bởi những nước có những câu chuyện hấp dẫn hơn. Trong đối phó với chủ nghĩa khủng bố, cần phải đưa ra một lý do chính nghĩa lôi kéo được những người theo đạo Hồi chính thống. Cần phải sử dụng sức mạnh quân sự để chống lại Osama bin Laden. Mỹ không thể hấp dẫn hắn ta, nhưng công cụ quyền lực mềm là cần hiết để định hướng những mối quan tâm ("giành lấy trái tim và tình cảm") của đa số người trong thế giới Hồi giáo, qua đó hạn chế khả năng cực đoan hóa.

Trong thế kỷ 21, chính sách đối ngoại thông minh sẽ cần kết hợp giữa sức mạnh cứng của sự cưỡng chế và thanh toán với sức mạnh mềm của sự lôi cuốn và sức thuyết phục. Không còn phù hợp nếu định nghĩa "cường quốc" là nước có khả năng giành chiến thắng trong chiến tranh (như nhận xét của sử gia A.J.P. Taylor). Thành công không chỉ phụ thuộc chiến thắng quân sự mà còn phải nhờ vào vào câu chuyện có sức lôi cuốn. Các nhà lãnh đạo Mỹ và nhiều học giả có vẻ chưa quen với thực tế mới này. Đây là lúc họ phải thay đổi.

Joseph S. Nye Jr., giáo sư Quan hệ Quốc tế Đại học Harvard, là tác giả cuốn sách Tương lai của Quyền lực, vừa được PublicAffairs xuất bản năm nay.

--------------------------------------------------------------------------
Tác giả: Đình Ngân (Theo Chronicle)  // Theo VEF

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Thế giới lo ngại một cuộc khủng hoảng kinh tế mới
  • Nguy cơ thiết hụt dầu sau động thái mở kho dự trữ của IEA
  • Tăng trưởng Xanh - chìa khóa cho an ninh lương thực
  • Kinh tế 24h: Hoảng hốt với tăng trưởng của Mỹ
  • Cần một hệ thống thương mại đa phương cởi mở
  • Ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa vào năm 2030
  • Kinh tế thế giới liệu có nguy cơ tái khủng hoảng?
  • Kinh tế 24h: Fitch lại reo rắc sự sợ hãi