Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế 24h qua: “Bệnh nhân” tiếp theo là ai?

Italy sẽ là quốc gia tiếp theo cầu cứu sự giúp đỡ tài chính của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Chủ tịch Felix Zulauf của hãng quản lý tài sản Zulauf cho biết tại Edinburg. Theo ông, Italy chứ không phải Tây Ban Nha sẽ cần nguồn lực bên ngoài để xử lý vấn đề nợ công.

"Tôi thấy có một lượng lớn tiền gửi bị thất thoát. Đó là một cuộc khủng hoảng ngân hàng diễn ra chậm chạp, mà tại Italy, hệ thống ngân hàng chính là đối tượng đã mua nhiều trái phiếu chính phủ", ông nói. Theo Zulauf, các ngân hàng đã mua từ 60 - 90% trái phiếu phát hành trong các năm gần đây.

Với tốc độ mở rộng của bảng cân đối kế toán trong hệ thống ngân hàng Italy, thì các ngân hàng sẽ không thể tiếp tục làm điều đó, "và tôi thắc mắc ai sẽ mua những trái phiếu này”, ông nói. Theo ông, điều này sẽ gây áp lực đối với lợi tức trái phiếu Chính phủ Italy và có thể đẩy nước này vào một cuộc suy thoái.

“EU đang cố gắng áp dụng chương trình cắt giảm chi tiêu hết sức khắc nghiệt và điều này sẽ dẫn đến suy thoái lâu dài. Tôi sẽ gọi đây là một cuộc khủng hoảng và cuối năm nay Italy, Tây Ban Nha cũng như một số quốc gia Eurozone khác sẽ tiếp tục tăng trưởng âm”, Zulauf cho biết.

Hôm qua, Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc đã công bố các chỉ số kinh tế của nước này trong tháng 4/2011, trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo chính về lạm phát, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đã giảm 0,1% so với tháng trước đó.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,5% so với tháng 3/2011. Sản lượng giá trị gia tăng công nghiệp tăng 13,4% và doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái. 4 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng tăng 16,5%.

Nguồn vốn đầu tư vào tài sản cố định ở Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm tăng 25,4%, riêng tháng 4/2011 tăng trên 3% so với tháng 3. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết, các khoản vay ngân hàng mới trong tháng 4 là gần 740 tỷ Nhân dân tệ (114 tỷ USD), giảm 20,8 tỷ Nhân dân tệ so với cùng kỳ.

Tính đến hết năm tài khóa 2010 (kết thúc ngày 31/3/2011), nợ công của Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục 924.000 tỷ Yên (hơn 11.000 tỷ USD). Như vậy, dư nợ bình quân đầu người của Nhật Bản hiện lên tới gần 90.000 USD.

Căn cứ số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, trong tài khóa 2010, nợ tồn đọng của nước này, trong đó có trái phiếu chính phủ và các khoản vay, tăng khoảng 500 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do Chính phủ phát hành thêm trái phiếu để trang trải chi phí an sinh xã hội đang ngày càng tăng.

Bộ Tài chính Nhật Bản dự báo, nợ công của nước này sẽ đạt ngưỡng 12.000 tỷ USD vào cuối tài khóa hiện tại (tháng 3/2012), vì Chính phủ có thể sẽ phải phát hành trái phiếu để tài trợ cho dự thảo ngân sách bổ sung lần thứ hai, phục vụ việc tái thiết sau thiên tai hôm 11/3.

Cùng ngày, Bộ Tài chính Nhật Bản thông báo, dự trữ ngoại hối của nước này tăng 1,7% lên mức cao kỷ lục 1.135,55 tỷ USD trong tháng 4. Các tài sản dự trữ chính thức tăng tháng thứ 2 liên tiếp và vượt mức cao kỷ lục xác lập vào tháng 10/2010 là 1,118.12 tỷ USD.

Theo cơ quan trên, Chính phủ Nhật Bản và ngân hàng trung ương nước này đã chi tổng cộng 692,5 tỷ Yên để cùng G7 can thiệp vào thị trường tiền tệ, thông qua việc mua đồng USD nhằm hạ giá đồng Yên hôm 18/03, hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu khỏi bị thiệt hại nặng nề do đồng Yên tăng giá.

Trong danh sách 20 ngân hàng hàng đầu thế giới, được tạp chí Thị trường Bloomberg ngày nay bình chọn, có tới năm trong số sáu nhà băng lớn của Canada: Ngân hàng Quốc gia Canada, Ngân hàng Thương mại Hoàng gia Canada, Ngân hàng Toronto-Dominion, Ngân hàng Hoàng gia Canada và Ngân hàng Montreal.

Bloomberg cho biết, xếp hạng của họ dựa trên năm tiêu chí là vốn cấp 1 (vốn nòng cốt của các ngân hàng); tỷ lệ các tài sản không hoạt động trên tổng tài sản; tỷ lệ dự trữ thất thoát cho vay trên số tài sản không hoạt động; các khoản tiền gửi và hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden đã tỏ ra lạc quan, sau vòng đàm phán thứ hai với đảng Cộng hòa về vấn đề giảm thâm hụt ngân sách dài hạn, trong bối cảnh Nhà Trắng và Hạ viện đang tranh cãi về việc chính phủ tăng vay mượn để giải quyết tình trạng thiếu tiền mặt.

Ông Biden cho biết, cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa mới đây thu được ít kết quả cụ thể, song mỗi đảng đã thể hiện tinh thần thẳng thắn, chân thành, nêu bật các vấn đề và đàm phán một cách nghiêm túc.

Đảng Cộng hòa yêu cầu phải cắt giảm chi tiêu mạnh hơn nữa, để họ có thể chấp thuận yêu cầu của Nhà Trắng về việc nâng nợ trần lên mức 14,29 nghìn tỷ USD.

Sau thời hạn này, nếu mức nợ trần vẫn giữ nguyên, Chính phủ của Tổng thống Barack Obama có thể sẽ không trả được đúng hạn một số khoản nợ, một động thái có thể dẫn đến tình trạng rối loạn tài chính và ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Thâm hụt thương mại của Mỹ lên cao nhất trong 9 tháng. Cụ thể, thâm hụt thương mại tháng 3 lên tới 48,2 tỷ USD từ 45,2 tỷ USD trong tháng 2. Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,9%, trong khi xuất khẩu tăng tới 4,6%, lớn nhất kể từ tháng 3/1994.

(VnEconomy)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Kinh tế 24h qua: Tỷ phú đã “ngán” vàng?
  • “Đừng cuồng si tỉ lệ tăng trưởng”!
  • Kinh tế toàn cầu “ngấp nghé bờ khủng hoảng”
  • Đầu tư vào Nga là hợp thời!
  • Kinh tế thế giới trong tuần: Lạm phát át tỉ giá
  • Kinh tế 24h qua: Bão càn quét nước Mỹ
  • Lý Quang Diệu: “Thế giới ổn định cần một nước Mỹ lớn mạnh”
  • Kinh tế 24h qua: Họa vô đơn chí