Sau thảm họa kép động đất, sóng thần hôm 11/3 làm hàng chục nghìn người chết và mất tích, rồi tới khủng hoảng hạt nhân làm ảnh hưởng mạnh tới uy tín của Nhật Bản, vài ngày nay, Nhật Bản lại phải đối mặt với nhiều khó khăn mới trên lĩnh vực kinh tế.
Theo số liệu được Bộ Tài chính Nhật Bản công bố hôm qua (27/4), cán cân thương mại đầu tháng 4/2011 của xứ sở hoa anh đào bị thâm hụt, do xuất khẩu giảm sau khi thiên tai kép ảnh hưởng mạnh tới hoạt động sản xuất, đặc biệt là các ngành ôtô, linh kiện điện tử.
Thâm hụt thương mại của Nhật Bản trong 10 ngày đầu tháng 4 lên tới gần 169 tỷ Yên (tương đương 2,07 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu giảm 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1.494 tỷ Yên, nhập khẩu tăng 0,2% lên mức 1.663 tỷ Yên.
Cùng ngày, tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) đã hạ triển vọng nợ đồng nội tệ của Nhật Bản từ “ổn định” xuống “tiêu cực”. Động thái này cho thấy S&P có thể hạ bậc tín nhiệm của Nhật Bản nếu tình hình tài chính của nước này trầm trọng hơn so với dự báo.
S&P ước tính chi phí liên quan đến thảm họa hôm 11/03 sẽ khiến thâm hụt ngân sách đến năm 2013 của Nhật Bản tăng thêm 3,7% GDP. Dù vậy, tổ chức này cho biết, xếp hạng tín nhiệm của Nhật Bản được hỗ trợ tại mức AA- nhờ số tài sản bên ngoài dồi dào, hệ thống tài chính tương đối mạnh và nền kinh tế đa dạng.
Trước đó một ngày, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết, các cơ sở sản xuất linh kiện và nguyên liệu thô của nước này ở khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất sóng thần hồi tháng 3 sẽ được khôi phục vào mùa thu năm nay.
Kết quả khảo sát từ ngày 8 - 15/4 do METI tiến hành đối với 55 hãng chế tạo lớn tại 7 tỉnh bị ảnh hưởng nặng của thảm họa động đất, sóng thần cho thấy, 85% các công ty sản xuất vật liệu và 71% công ty sản xuất linh kiện có thể đảm bảo nguồn cung vào tháng 10/2011.
Ngược chiều với Nhật Bản, kinh tế Hàn Quốc quý 1 vừa qua tăng trưởng nhanh nhất trong 3 quý, nhờ lĩnh vực xuất khẩu được mở rộng mạnh. Số liệu này càng củng cố những tin đồn trên thị trường rằng, ngân hàng trung ương nước này (BOK) có thể nâng lãi suất sớm nhất là vào tháng tới.
Theo ước tính chính thức của BOK, GDP 3 tháng đầu năm của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á tăng 1,4% so với quý trước, cao hơn so với dự báo tăng 1,3% của giới phân tích trong cuộc thăm dò dư luận của hãng tin Reuters. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý 1 tăng 4,2%.
Kể từ tháng 7/2010 đến nay, BOK đã 4 lần nâng lãi suất thêm tổng cộng 1% từ mức thấp kỷ lục 2%. Hôm 10/3, BOK nâng lãi suất từ 2,75% lên 3% để ngăn chặn lạm phát. Dự kiến, cuộc họp chính sách tháng tới của BOK sẽ diễn ra vào ngày 13/5.
Hôm qua (27/4), Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục từ 0 - 0,25% và cho biết chương trình mua trái phiếu trị giá 600 tỷ USD (QE2) sẽ kết thúc đúng như dự kiến vào ngày 30/6.
FED cho rằng lạm phát đã bắt đầu gia tăng và đà phục hồi của nền kinh tế diễn ra với “tốc độ vừa phải”. Tuy nhiên, FED vẫn cho rằng, đà gia tăng của lạm phát chỉ là tạm thời và thị trường việc làm vẫn là một lĩnh vực đáng lo ngại.
Các quyết định trên đều đúng như dự báo. Ngôn ngữ trong thông báo chính sách lần này của FOMC không thay đổi nhiều so với thông báo được đưa ra hồi tháng 3. Đồng thời, FOMC cũng không tiết lộ bất kỳ gợi ý nào về triển vọng chính sách tiền tệ sau khi QE2 kết thúc.
FED tái cam kết lãi suất có thể tiếp tục đứng ở mức thấp "trong một thời gian dài". Trong biên bản lần này, FED đã thể hiện sự linh hoạt của mình khi cho rằng ngân hàng này có thể điều chỉnh tỷ lệ trái phiếu kho bạc và các chứng khoán thế chấp đang nắm giữ nếu cần thiết.
Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế của Capital Economics cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp cao và đà phục hồi yếu ớt của nền kinh tế Mỹ có thể buộc các nhà làm chính sách nước này áp dụng thuế bảo hộ đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và trên toàn thế giới.
“Bảo hộ thương mại còn lâu mới trở thành một chính sách lý tưởng và trên thực tế còn gây ra những rủi ro nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, chính sách này lại là cách duy nhất giúp Mỹ thoát khỏi khó khăn”, Paul Ashworth, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Capital Economics, nhận xét.
Theo ông Ashworth, vì các công cụ tài chính và tiền tệ dường như không còn tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, nên Quốc hội nước này và Tổng thống Barack Obama có thể xem xét áp dụng các biện pháp thương mại nhằm xóa bỏ lợi thế của Trung Quốc khi nước này cố tình ghìm giá Nhân dân tệ.
Cũng liên quan tới vấn đề lạm phát, hôm qua, Cơ quan thống kê Australia cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý 1 của nước này tăng 1,6% so cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ năm 2006, do giá lương thực bị đẩy lên cao sau lũ lụt ở bang Queensland và giá nhiên liệu đắt đỏ.
Đồng thời, lạm phát lõi trong quí 1 tăng 0,9% so với quý trước đó và 2,3% so cùng kỳ năm ngoái, vượt dự đoán của các nhà kinh tế. Theo khảo sát của Bloomberg, chi phí cho nhiên liệu tăng 8,8%, rau quả tăng 16% và dược phẩm tăng 12,5% so cùng kỳ năm ngoái.
Về khu vực châu Âu, cũng trong ngày 27/4, Cơ quan thống kê Anh thông báo, GDP quý 1 của nước này tăng trưởng 0,5%, thấp hơn so với dự báo 0,6% nhưng ghi nhận sự chuyển biến đáng kể so với mức giảm 0,5% trong quý 4/2010.
Trong đó, lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng 0,9%, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2006. So với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý 1 tăng 1,8%, đúng như dự báo. Tin này đã làm dịu nỗi lo về nguy cơ suy thoái kép. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh cảnh báo, nước này vẫn chưa thoát ra khỏi khó khăn.
Bồ Đào Nha được gia hạn thời gian giảm thâm hụt xuống 3% GDP từ năm nay sang năm 2013. Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tiến hành các cuộc đàm phán, xem xét việc gia hạn thời gian cho Bồ Đào Nha để nước này đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách như đã cam kết.
Mục tiêu của Bồ Đào Nha là phải cắt thâm hụt ngân sách xuống 4,6% GDP trong năm nay và 3% trong năm tới. Bồ Đào Nha đã 2 lần chỉnh sửa số liệu thâm hụt ngân sách trong tháng 3 để phù hợp với cách tính của Cơ quan thống kê châu Âu.
(VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com